Doanh nghiệp
Linh thiêng lễ thượng cờ Tổ quốc lên đỉnh turbine gió trên biển Bạc Liêu
Lã Ngọc Tâm Anh - 02/02/2022 10:08
Trong hơn 800 ngày đầu tư xây dựng tổ hợp điện gió trên biển lớn nhất Việt Nam, khoảnh khắc đặc biệt và linh thiêng nhất là lễ thượng cờ Việt Nam lên đỉnh turbine gió xa nhất.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cùng Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phương Anh nhấn nút khởi công Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1

Những giải pháp sáng tạo vượt khó

Khi được hỏi về thách thức trong tổ chức thi công Dự án Đầu tư xây dựng Tổ hợp điện gió Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2 lớn nhất trên biển Việt Nam, ông Đào Hải Linh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phương Anh chốt lại: “Thật khó diễn tả hết thành lời”.

Để hoàn thành Dự án, đòi hỏi phải giải quyết một khối lượng công việc cực lớn, trong khi sức ép thời gian hoàn thành lại ngắn. Dự án còn nằm trong top các dự án điện gió đầu tiên trên biển ở Việt Nam, nên từ thiết kế, tham khảo, rút kinh nghiệm... là không thể chia sẻ được.

Việc lựa chọn các nhà thầu thi công cũng rất khó khăn do năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu Việt Nam trên lĩnh vực này thiếu và yếu. Công ty phải vận dụng kinh nghiệm quản lý điều hành các dự án lớn của mình và hỗ trợ toàn diện cho các nhà thầu tham gia dự án.

Dự án trên biển ít bị ảnh hưởng của giải phóng mặt bằng, nhưng công tác giao biển, quy hoạch vị trí turbine liên tục phải cập nhật, tránh chồng chéo với các quy hoạch khác. Thách thức lớn nhất là điều kiện thời tiết sóng gió khắc nghiệt, thời gian thực tế thi công chỉ được khoảng 6 tháng mỗi năm và mỗi tháng chỉ được 15 - 20 ngày thuận lợi, riêng mùa gió chướng đã mất 4 tháng, chưa kể giông bão bất thường.

Do khối lượng thiết bị nhập về rất lớn, rất nặng, lại cồng kềnh, như tháp (tower) turbine gió cao tới 22,42 m, nặng 86 tấn và sải cánh 75 m, nặng 25 tấn, nên việc lựa chọn cảng tiếp nhận cũng gặp rất nhiều khó khăn. Về vận chuyển thiết bị, số lượng dự án đồng loạt triển khai tăng đột biến trong khi năng lực vận chuyển của các nhà thầu hạn chế và chi phí tăng cao. Giải pháp được Công ty TNHH  Xây dựng và Thương mại Phương Anh đưa ra là đầu tư đóng 2 sà lan vận tải cấp SB trọng tải 5.000 tấn, dài tới 86 m để chủ động khâu vận chuyển và tránh rủi ro từ nhà thầu, đảm bảo tiến độ của dự án.

Về công đoạn lắp đặt turbine gió trên biển, nhà thầu có kinh nghiệm ở Việt Nam chỉ có một, mà số lượng dự án thì nhiều, nên Công ty đã đầu tư đóng mới 2 sà lan 10.000 tấn siêu trọng Hòa Bình 1, Hòa Bình 2 để đặt siêu cần cẩu 1.350 tấn chuyên dụng lắp đặt điện gió trên biển gần bờ và kết hợp với một nhà thầu lắp đặt turbine có kinh nghiệm của Việt Nam.

Để hoàn thành khối lượng cầu dẫn lên tới gần 23 km, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phương Anh đã huy động số lượng thiết bị lắp đặt rất lớn, cao điểm có tới 40 bộ sà lan cẩu cùng thi công, tạo kỷ lục lắp đặt 1 km cầu dẫn/ngày.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nên các lực lượng không thể tham gia dự án đúng kế hoạch, cao điểm có những lúc hơn 1.000 lao động làm việc tập trung 3 ca liên tục. Để kịp tiến độ, trong 5 tháng làm việc cách ly tại công trường và suốt quá trình thực hiện Dự án, Công ty chỉ đạo thực hiện nghiêm cách ly 5K tại hiện trường, chủ động tổ chức nuôi lợn, gà và trồng rau cung cấp đủ cho các đơn vị, tạo ra mô hình làm việc khép kín, cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Kết quả là, trong 6 tháng lập kỷ lục hoàn thành Dự án Hòa Bình 2 và an toàn, không một ai bị nhiễm Covid-19.

Cán bộ, chuyên gia, kỹ sư, công nhân Dự án Điện gió Hòa Bình 1 đưa lá cờ Tổ quốc làm bằng Decal đặc biệt không phai màu lên đỉnh tháp turbine gió xa nhất cao 105 m trên biển 

Những khoảnh khắc tuyệt vời

Hơn 800 ngày đêm với “núi công việc”, lại trong môi trường thi công trên biển vô cùng phức tạp, đầy thử thách, hiểm nguy, có rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng không thể nào quên trong mỗi cán bộ, chuyên gia, kỹ sư, công nhân lao động nơi đây, như khoảnh khắc đóng chiếc cọc đầu tiên giữa biển cả; hạ thủy siêu sà lan 10.000 tấn Hòa Bình 1 và 2 lớn nhất Việt Nam để cõng siêu cần cẩu 1.350 tấn; thông cầu dẫn điện gió bằng bê-tông lắp ghép dài 23 km xuyên qua rừng, nối ra biển, nối các trụ turbine; lắp turbine gió đầu tiên, mở ra một dàn 39 turbine như 39 chàng khổng lồ chôn chân vào lòng biển, đưa cánh tay vạm vỡ đón gió vào lòng, tạo nguồn điện cho nhà máy.

Và đặc biệt nhất là khoảnh khắc với 127 bước thao tác đóng điện cùng những tràng vỗ tay như sấm của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân trong và ngoài nước, chính thức đưa toàn bộ 39 turbine Tổ hợp điện gió Hòa Bình 1 - Hòa Bình 2 vào vận hành phát điện trước thời hạn được hưởng giá mua ưu đãi của Chính phủ, mở ra trang mới cho Công ty TNHH  Xây dựng và Thương mại Phương Anh trên lĩnh vực đầu tư sản xuất năng lượng sạch cho Tổ quốc.

Xúc động về những khoảnh khắc ấn tượng trên, nữ doanh nhân Hoàng Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phương Anh chia sẻ, lúc lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam làm bằng chất liệu Decal đặc biệt không phai màu được gắn trên đỉnh cao 105 m của trụ turbine gió xa nhất là khoảnh khắc thiêng liêng ấn tượng nhất.

Cả công trường ai ai cũng gọi đêm thượng cờ là đêm đặc biệt, ai ai cũng háo hức mong đợi và đều có mặt vào đêm 11/7/2021 để thực hiện nghi lễ. Và lễ thượng cờ là một sự kiện không ai có thể quên, trời đang bình thường bỗng đổ mưa lớn. Không một ai có áo mưa, nhưng đều đứng nghiêm trang dự và hát Quốc ca.

Lá cờ đỏ sao vàng mãi mãi bay trên trụ turbine gió trên biển xa nhất. Tiếng Quốc ca vang lên hùng tráng, cùng lời hát bay bổng “Việt Nam hỡi Việt Nam ơi, tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi” hòa vào triệu triệu con sóng trên biển, hòa vào triệu triệu ngọn gió và vì sao trên bầu trời Việt Nam.

Cùng với những giàn khoan, đội tàu trên biển, Việt Nam đã có thêm những nhà máy điện gió giữa trùng khơi, thêm những cột mốc hoành tráng, hiện đại bám chặt vào lòng biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, khẳng định Việt Nam đang khai thác tài nguyên tuyệt vời từ gió biển để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mạnh giàu.

Mỗi năm hòa lưới điện khoảng 600 triệu kWh

Về giá trị kinh tế - xã hội từ Tổ hợp điện gió Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2, bà Ngô Thị Phương Lan Giám đốc tài chính Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Phương Anh chia sẻ, Tổ hợp đã  biến vùng biển miền Tây đất nước ngàn năm qua chỉ có những bãi bồi cùng nguồn gió vô tận vô vọng thổi vào không trung, nay xuất hiện những công trình năng lượng tái tạo biến gió thành điện, mỗi năm hòa vào lưới điện khoảng 600 triệu kWh, thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu và cả nước, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc thân yêu.

Đây cũng là địa chỉ du lịch thú vị đón chào du khách. Đến thăm trụ điện gió trên biển đẹp lung linh, tổ hợp điện gió ngoài khơi lớn nhất Việt Nam, phóng tầm mắt ra xa, sẽ thấy vùng biển Bạc Liêu, biển Việt Nam tuyệt đẹp với biết bao turbine gió cần mẫn quay vòng, như những cánh én mang mùa Xuân về, như những cánh tay bạn bè thân thiết vẫy chào...

Tin liên quan
Tin khác