Bán hàng livestream đạt được 9% tổng doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2023 |
Ngành công nghiệp tỷ USD
Trong chiến dịch tại sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành”, chỉ trong 5 ngày (từ ngày 11/12 đến tối 15/12), đã có 77 phiên livestream được tổ chức. Các buổi livestream đã mang về doanh thu 4,2 tỷ đồng cho các tiểu thương tại chợ Bến Thành, với 18.200 đơn hàng được bán ra, tiếp cận 81,6 triệu người.
Bên cạnh đó, hashtag #chobenthanh của chiến dịch đã có 122 video được đăng, tăng 100 triệu lượt view trong 3 ngày và dự kiến đạt mốc 200 triệu lượt view sau 1 tuần vận hành chiến dịch. Hashtag #hochiminhcity từ ngày 11-15/12 đã có 626 video được đăng tải đến từ 491 nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng chương trình, tiếp cận gần 189 triệu view, 470.000 lượt like và hơn 22.000 lượt chia sẻ.
Trước đó, ngày 24/6/2023, 26 phiên livestream đã được thực hiện với sự quy tụ của những KOL, KOC để quảng bá một số sản phẩm OCOP đặc trưng của Bắc Giang như: vải thiều, mì Chũ, tương La... Chỉ trong 4 giờ đồng hồ, các phiên livestream đã thu hút được 1,7 triệu lượt người xem, hơn 5.000 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, bao gồm 23 tấn vải thiều, sản phẩm mì Chũ và thịt gác bếp đã hết hàng chỉ sau 10 phút…
Trên thực tế, trong năm 2023, các doanh nghiệp, nhãn hàng cũng tiến hành hàng loạt chiến dịch livestream bán hàng với sự xuất hiện của các hoa hậu, diễn viên, người mẫu… Mới đây, ngày 11/12, trong phiên livestream bán hàng của mình, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 Khánh Vân đã chốt được đơn với hơn 3.000 người mua, đạt doanh thu 1,19 tỷ đồng. Hay phiên livestream của ca sỹ Hà Hồ đã bán được hơn 15.000 thỏi son, doanh thu đạt hơn 5,6 tỷ đồng; phiên livestream dài 24 giờ của KOL Phạm Thoại giúp tiêu thụ 76.000 sản phẩm; KOL Võ Hà Linh thực hiện phiên livestream bán hàng thu hút tới 80.000 người xem…
Livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2018. Tuy vậy, năm 2022, khi video ngắn bắt đầu được ưa chuộng, nhiều bên mới tập trung phát triển thêm tính năng livestream giúp nhà bán hàng tiếp cận gần hơn người tiêu dùng ở mọi nơi.
Số liệu mới từ Metric (nền tảng số liệu thương mại điện tử) cho thấy, 38% người được hỏi cho biết dành 1-3 giờ mỗi tuần để xem livestream, 18% dành 3-5 giờ và 7% dành 5-7 giờ. Tại mỗi phiên livestream, 34% đáp viên cho biết họ thường xem 15-30 phút, 27% xem 5-15 phút và 25% xem từ 30 phút đến 1 giờ.
Trong khi đó, theo thông tin từ Công ty cổ phần Công nghệ Haravan, bán hàng livestream đã nhanh chóng đạt được 9% tổng doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2023. Theo khảo sát của Haravan dựa trên hơn 1.000 nhà bán hàng online đa kênh, đơn hàng từ livestream chiếm 50% doanh thu qua sàn thương mại điện tử TikTok Shop của họ.
Còn Công ty tư vấn McKinsey & Company dự báo, mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026.
Đối thủ nặng ký
Tại sự kiện livestream bán hàng nói trên, người ảo Al tham gia livestream bán hàng “phá đảo” khi tiểu thương chốt hơn 900 đơn hàng, khoảng 600 người mua và thu về doanh số hàng trăm triệu đồng chỉ trong 18 tiếng đồng hồ livestream. Trước đó, tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023) cuối tháng 10/2023, sự xuất hiện của “Người ảo Hạ Vy” - AI Digital Human đầu tiên tại Việt Nam có khả năng trò chuyện, livestream bán hàng 24/7 trên đa nền tảng - trở thành một hiện tượng thú vị.
Một tuần sau, nhân viên AI bán hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam ra mắt. Diễm Hằng AI - người bán hàng ảo này được lập trình với khả năng sử dụng 60 ngôn ngữ trên thế giới, livestream liên tục 7 ngày 7 đêm. Trước đó, tháng 5/2023, Vi An - Virtual influencer (người ảnh hưởng ảo) với chất lượng “hyper real” đã ra mắt tại đại nhạc hội Y-Fest.
Trào lưu người ảo AI livestream bán hàng là xu hướng thú vị gây nhiều tranh cãi. Ở một góc độ, công nghệ AI mới khiến KOL, KOC đứng trước nguy cơ mất việc làm khi chất lượng các buổi livestream thực tế ảo đang được cải thiện dần, khả năng tương tác tốt hơn và giúp nhà bán hàng tiết kiệm chi phí nhiều hơn.
“Ngoài ra, không chỉ công nghệ bán hàng phát triển mạnh, doanh nghiệp Trung Quốc còn đang đẩy mạnh xây dựng các kho chứa hàng tại Việt Nam. Do đó, KOL tại Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới, tạo độ tin cậy và có chọn lọc để giữ vững thương hiệu trong thị trường livestream bán hàng”, ông Nguyễn Công Luận, Nhà sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More đánh giá.
Trong khi đó, theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ, streamer ảo kém sự tương tác nên khả năng thu hút người mua sản phẩm không đạt hiệu quả cao. Người dùng ưa thích sự hiện diện của các KOL và tương tác với họ. Xu hướng tiết giảm chi phí, nhân sự là đúng, nhưng để người ảo lên livestream bán hàng dường như chưa khả thi.
Ông Bình cho rằng, nếu AI livestream xuất hiện ở Việt Nam, thì cần phải có quy định và chế tài rõ ràng. Nếu không, sẽ dễ xảy ra tình trạng bán các sản phẩm “rác”, nghĩa là bán hàng một lần, bán hàng kém chất lượng, hay không đúng thực tế rồi biến mất, người tiêu dùng không thể hoàn trả hoặc khiếu nại.