Ảnh minh họa |
Không nhanh khó giữ giá khoảng 7 UScent/kWh
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, nhà đầu tư dự án LNG Bạc Liêu là Công ty Delta Offshore Enegry (DOE) và các đối tác đã thể hiện quyết tâm cao để thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, hiện nay đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ đặt ra của giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án là lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và Báo cáo dự án đấu nối truyền tải điện.
Theo tính toán của DOE, cứ giảm được 1 UScent/kWh giá bán điện của dự án quy mô như LNG Bạc Liêu, sẽ tiết kiệm khoảng 6 tỷ USD chi phí cho nền kinh tế Việt Nam trong vòng 25 năm.
Đến nay, chỉ còn khoảng 5% công việc liên quan đến các thủ tục theo quy định của pháp luật cần thẩm định và phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhà đầu tư đã tiến hành lựa chọn, đàm phán và thống nhất các điều kiện về giá cả và tiến độ với các nhà thầu cung cấp dịch vụ thiết kế, mua sắm và xây lắp cho tổ hợp nhà máy điện trên bờ và tổ hợp khu tiếp nhận và lưu trữ khí LNG nhập khẩu ngoài khơi, cơ bản hoàn thành hầu hết các công việc chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.
Nhà đầu tư cũng đã chào giá khởi đầu (chưa đàm phán) khoảng 7,9 UScent/kWh và cam kết thực hiện thành công Dự án với 3 yếu tố cốt lõi là giá bán điện tốt nhất, đúng tiến độ và sự chắc chắn.
Tuy nhiên, những thỏa thuận với các nhà thầu cung cấp nước ngoài nêu trên được tính toán căn cứ theo tiến độ thực hiện dự án quy định chặt chẽ tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, Quyết định chủ trương đầu tư dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đồng thời dựa trên giá cả và tình hình thị trường năm 2021.
Theo đó, vào đầu năm 2024 sẽ phát điện lên lưới là 750 MW và phát toàn bộ 3.200 MW vào năm 2027. Bởi vậy, nhà đầu tư rất băn khoăn, nếu các hợp đồng cung cấp nêu trên không thực hiện đúng tiến độ trong năm nay thì sẽ phải đàm phán lại với những điều kiện và giá cả có thể kém thuận lợi hơn, nhiều khả năng dẫn tới việc không giữ được giá bán điện trong khoảng 7 UScent/kWh như cam kết.
Theo nhận định của DOE, để có thể chuyển sang giai đoạn thi công thực hiện dự án (dự kiến khởi công trong quý IV/2021), thì Hợp đồng mua bán điện phải được ký trong quý III/2021.
Nhiều nút thắt về thủ tục đầu tư
Trông chờ Dự án điện khí LNG Bạc Liêu có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đăng ký dự án này thuộc diện cần được tập trung tháo gỡ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng.
Có 3 nội dung chính được UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất cụ thể là phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước thực hiện dự án đầu tư, phê duyệt đường dây truyền tải điện và thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (FS), cùng đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA).
Với PPA, theo quy định của Thông tư 57/2020/TT-BCT, sẽ không đáp ứng được các điều kiện cho vay của các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế. Các bên cho vay xin đảm bảo Nhà nước với một số tình huống rủi ro nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư và bên cho vay.
Đối với vấn đề phê duyệt đường truyền tải. Báo cáo dự án đấu nối truyền tải đã được Công ty DOE hoàn thành và nộp từ tháng 7/2020. Đến tháng 12/2020, Bộ Công thương đã thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Theo nhà đầu tư, nếu không có thỏa thuận đấu nối truyền tải sẽ không thể hoàn thiện thiết kế chi tiết và các phụ lục PPA, cũng như không thể huy động nguồn vốn vay quốc tế với chi phí thấp và đây là điều kiện để Bộ Công thương thẩm định FS của Dự án.
Đối với nội dung thẩm định FS và đàm phán PPA. Hiện FS đã trình Bộ Công thương lần thứ nhất vào ngày 28/9/2020, Công ty DOE đã tiếp thu ý kiến của đơn vị tư vấn thẩm tra, hoàn thiện và nộp lại Báo cáo vào ngày 8/3/2021, chỉnh sửa lần thứ 3 đã nộp trong tháng 8/2021. Vì vậy, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Bộ Công thương xem xét, thẩm định FS, đồng thời cho bảo lưu vấn đề quy hoạch dự án đấu nối và quy hoạch cảng biển cho hệ thống tiếp nhận và lưu trữ khí LNG nhập khẩu cho nhà máy.
Còn vấn đề đàm phán PPA, tới nay đã có 7 buổi làm việc giữa nhà đầu tư và Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Công thương thì EPTC chỉ đàm phán theo đúng hướng dẫn và mẫu hợp đồng quy định tại Thông tư 57/2020/TT-BCT, nên EPTC từ chối đàm phán bằng tiếng Anh và các nội dung khác nằm ngoài mẫu hợp đồng của thông tư này.
Vì vậy, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Bộ Công thương xem xét, hướng dẫn các bên đàm phán bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh theo thông lệ của các dự án FDI và cho áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 16, Thông tư 57/2020/TT-BCT là “bên mua và bên bán đàm phán, thỏa thuận thống nhất bổ sung một số điều khoản phù hợp với điều kiện thực tế của nhà máy (nếu cần thiết)”, đồng thời, báo cáo Thủ tướng xem xét các vấn đề vượt thẩm quyền của bên mua điện và Bộ Công thương.