Hỗ trợ lãi suất 2% còn chậm, lo ảnh hưởng hiệu quả
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội tính đến nay đạt hơn 81.100 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.056 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.185 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 134 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 52.623 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.
Việc giải ngân Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nhận được sự quan tâm của các thành viên Chính phủ |
Liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của việc thực hiện Chương trình Phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP còn rất chậm, đến hết năm 2022 chỉ đạt 134 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Như vậy, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt tương đương 0,3% tổng nguồn lực, rất chậm so với yêu cầu đề ra.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trường hợp sửa đổi Nghị định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng trong năm 2023.
“Do đó, còn khoảng 37.520 tỷ đồng nguồn lực của Chương trình bố trí cho chính sách hỗ trợ 2% lãi suất có khả năng không thực hiện hết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Cùng với đó, hiện nay, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng vẫn còn dư 2.856 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý.
Đẩy nhanh làm thủ tục và giải ngân dự án thuộc Chương trình Phục hồi
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, liên quan đến phần vốn dành cho các chương trình, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo toàn bộ số vốn 176.000 tỷ đồng.
Trong đó, đã giao kế hoạch 147.138 tỷ đồng, tương đương 83,6%; đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phân bổ số vốn 14.710 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 14.152 tỷ đồng của 50 dự án đang hoàn thiện thủ tục để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/3/2023. Hiện nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thiện thủ tục đầu tư cho 26 dự án với số vốn dự kiến bố trí là 9.428,065 tỷ đồng.
Dự kiến số vốn 14.151 tỷ đồng này sẽ được tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước ngày 31/3/2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội. Nếu không kịp thời hoàn thiện thủ tục, thì nguy cơ gây lãng phí nguồn lực là rất lớn, phần vốn này sẽ không được phân bổ tiếp.
“Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với số vốn 14.152 tỷ đồng nêu trên, tránh trường hợp không được phân bổ tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Các bộ ngành, địa phương được “điểm danh” vì chuẩn bị thủ tục đầu tư chậm là Quảng Ngãi, Điện Biên, Bình Phước, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Lào Cai, TP.HCM, Bình Dương…
Vấn đề không chỉ là chuẩn bị thủ tục, mà còn là phải làm sao tập trung giải ngân nguồn vốn này. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp tình hình phân bổ chi tiết, giải ngân nguồn vốn của Chương trình trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ hằng tháng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa báo cáo về số liệu này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương để cập nhật số liệu giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Tuy nhiên, đến ngày 27/2/2023, mới có 01 địa phương báo cáo trên Hệ thống với số vốn giải ngân 1,267 tỷ đồng. Đây là phần vốn giải ngân của Dự án Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước (Hồ 3/2, Nước Rin, Đập Quang, Đá Chồng) của
“Thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn 10 tháng, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách; theo dõi sát sao tình hình thực hiện, rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, linh hoạt đề xuất điều chuyển nguồn lực sang các chính sách có khả năng thực thi tốt nhằm bảo đảm hiệu quả của Chương trình”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan khẩn trương thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình, báo cáo Chính phủ.
Trong đó, Bộ đề nghị 18 bộ, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án còn lại, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 5/3/2023 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Các bộ, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không hoàn thiện thủ tục đầu tư đúng thời hạn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp tình hình phân bổ chi tiết, giải ngân nguồn vốn của Chương trình trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan, địa phương định kỳ hằng tháng báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công.