Trong 88 doanh nghiệp tiêu biểu, được vinh danh với sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 có một điểm chung đáng “ngưỡng mộ”: quy mô doanh thu lớn (70 doanh nghiệp doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng), đóng góp 59.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước trong năm 2015.
Bắt đầu kỳ bình chọn đầu tiên vào năm 2003, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tìm ra được nhiều gương mặt doanh nghiệp điển hình, sáng giá, có đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nằm trong số 29 doanh nghiệp lần đầu tiên đạt Thương hiệu Quốc gia. Ảnh: Đức Thanh |
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nếu kỳ bình chọn đầu tiên có 30 doanh nghiệp, thì sau 5 năm đã tăng lên gần gấp 3. Hầu hết các doanh nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, có doanh nghiệp tăng trưởng gần 70%.
“Những đóng góp của các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia vào nền kinh tế Việt Nam là vô cùng to lớn. Tổng doanh thu năm 2015 của các doanh nghiệp này đạt hơn 662.000 tỷ đồng”, ông Hải cho biết.
Trong số 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm nay, có 23 doanh nghiệp đã 5 lần được nhận danh hiệu, 9 doanh nghiệp đạt 4 lần liên tiếp, 14 doanh nghiệp đạt 3 lần, 13 doanh nghiệp đạt 2 lần và 29 doanh nghiệp đạt lần đầu.
Với sản phẩm máy biến áp phân phối, Công ty CP Thiết bị điện (Thibidi) những năm gần đây luôn đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng trong sản xuất, kinh doanh và đây là lần đầu tiên, Thibidi có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Năm 2015, Thibidi đạt tổng doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 18,4%, trong đó, mảng doanh thu từ máy biến áp đóng góp tới gần 1.800 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 của Thibidi cũng đáng “mơ” với không ít doanh nghiệp, khi thu về 1.889 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 168 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2015.
Theo báo cáo tài chính quý III/2016, Thibidi có tổng tài sản 1.247 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 526 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 252 tỷ đồng, tương đương với 25,2 triệu cổ phần theo mệnh giá. Không chỉ tiêu thụ trong nước, các sản phẩm máy biến áp của Thibidi đã được xuất khẩu từ nhiều năm trước thông qua đấu thầu quốc tế, trị giá hàng triệu USD sang các thị trường Campuchia, Lào…
Sau hơn 10 năm gia nhập vào ngành sản xuất xi măng, Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai (Tập đoàn Vissai) lần đầu tiên cũng được vinh danh tại lễ trao giải với thương hiệu Vissai và sản phẩm Xi măng pooc lăng.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vissai, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, sản phẩm xi măng của Vissai được công nhận Thương hiệu Quốc gia sẽ tiếp thêm những xung lực mới để Ban lãnh đạo Tập đoàn và người lao động tiếp tục phát huy những sáng kiến, nhằm theo đuổi các giá trị đúng như tinh thần của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong.
Dấu ấn của Tập đoàn Vissai trong năm 2016 cũng đáng để nhắc đến, khi doanh nghiệp này vừa hoàn thành đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam (giai đoạn I), công suất 4 triệu tấn/năm tại Đô Lương (Nghệ An). Nhà máy được đưa vào hoạt động sau chưa đầy 2 năm xây dựng và lô hàng xuất bán đầu tiên ra thị trường của Nhà máy được xuất khẩu sang thị trường Malaysia.
Ở mảng Nhựa-Cao su-Hóa chất, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng lần đầu tiên đạt Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm ống, phụ tùng nhựa uPVC. Tính đến hết tháng 9/2016, Nhựa Tiền Phong đạt hơn 3.100 tỷ đồng doanh thu, tăng 22%, hoàn thành 80% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 285 tỷ đồng, tăng 8,8%. Trong đó, 70% của tổng doanh thu được tạo ra bởi sản phẩm ống, phụ tùng nhựa uPVC.
Ngoài những gương mặt mới lộ diện, Thương hiệu Quốc gia 2016 cũng khẳng định và tôn vinh những doanh nghiệp đã có “phong độ” khi có tên trong cả 5 kỳ, gồm 23 tên tuổi lớn, như Việt Tiến, Sabeco, Hòa Bình, Vietcombank, An Phước, Biti’s, VNPT, SJC, Nhựa Bình Minh…
Nhưng với quy mô hơn 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, con số 88 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia trong năm 2016 là quá nhỏ, chưa phản ánh hết bức tranh hoạt động, cùng những nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp đang đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, duy trì an sinh xã hội.
Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói rõ, doanh nghiệp dù có quy mô lớn hay bé đều có thể đăng ký tham gia và được xét chọn, dựa trên tiêu chí cụ thể của Chương trình đưa ra.
Như vậy, hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… chưa lộ diện tại Thương hiệu Quốc gia là bởi họ chưa, hoặc không chủ động tham gia Chương trình.
Đơn cử, Hãng Hàng không Vietjet từng được vinh danh với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đã từng được Giải thưởng “Thương hiệu mạnh Việt Nam 2016” (giải thưởng uy tín thường niên do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức) cũng đứng ngoài cuộc, không tham gia bình chọn Thương hiệu Quốc gia 2016.
Điều này cũng tương tự với nhiều doanh nghiệp đang ăn nên làm ra như Vingroup, Vietnam Airlines, TBS Group.., những doanh nghiệp mà chưa có tên trong bảng vinh danh, nhưng những đóng góp của họ cho nền kinh tế - xã hội lại không hề nhỏ.