Các hãng tàu container lớn trên thế giới đang loay hoay điều tiết container rỗng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường biển tăng cao. Ảnh: AFP |
Chưa thể thăm dò vận tải biển
Cuộc khủng hoảng vận tải biển trước đó là do thiếu hụt nghiêm trọng container vận chuyển thời Covid-19 cùng hệ lụy của sự cố tắc nghẽn lưu thông qua kênh đào Suez cuối tháng 3.
Lần này, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - trung tâm vận tải biển của thế giới - đang đối mặt với số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, khiến giới chức nơi đây phải phong tỏa các quận huyện và doanh nghiệp để ngăn chặn Covid-19 lây lan nhanh chóng.
Điều này sẽ kéo theo sự ùn tắc hàng loạt tại các cảng lớn của Trung Quốc và đẩy chi phí vận chuyển tiếp tục leo thang do thời gian hàng hóa nằm chờ tại cảng kéo dài thêm, các nhà phân tích và những người trong ngành vận tải biển nhận định.
"Sự gián đoạn vận tải ở Thâm Quyến và Quảng Châu có hệ lụy vô cùng lớn. Đơn cử, nó sẽ gây ra tác động chưa từng có đối với chuỗi cung ứng", ông Brian Glick, Giám đốc điều hành nền tảng tích hợp chuỗi cung ứng Chain.io bình luận trên đài CNBC.
Chuyên gia này cho rằng, kết hợp với những thách thức mà chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt kể từ đầu năm nay, vận tải biển đang ở "vùng lãnh hải hoàn toàn chưa thể thăm dò được".
Quảng Đông vốn là một trung tâm vận chuyển hàng đầu của Trung Quốc, đóng góp khoảng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Cảng Thâm Quyến và cảng Quảng Châu là hai cảng lớn thứ 3 và thứ 5 trên thế giới theo khối lượng container, theo đánh giá của Hội đồng Vận tải biển Thế giới (WSC).
Trung Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) tại Quảng Châu vào tháng 5 và kể từ đó số ca nhiễm tại đây tăng vọt lên hơn 100. Giới chức địa phương đã áp lệnh phong tỏa và các biện pháp khác để phòng dịch, nhưng điều này lại làm hạn chế năng lực xử lý hàng hóa tại các cảng.
Rủi ro đè nặng chuỗi cung ứng toàn cầu
Nguồn cung container rơi vào thiếu hụt nghiêm trọng do nhu cầu mua hàng bùng nổ khi nhiều nền kinh tế trên thế giới phục hồi từ các tác động của đại dịch Covid-19 vào cuối năm ngoái. Điều này khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đi châu Âu và Mỹ bị trì hoãn trên diện rộng, đẩy giá cả hàng hóa đến tay doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng vọt.
Trước đó, ngành vận tải biển thế giới đã hứng chịu cú sốc lớn do sự cố tàu container lớn nhất thế giới Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez trong gần một tuần hồi tháng 3. Khoảng 12% lưu lượng hàng hóa toàn cầu đi qua kênh đào Suez khi nơi đây trung bình có hơn 50 tàu hàng mỗi ngày đi qua.
Sự cố kênh đào Suez đẩy vận tải biển toàn cầu rơi vào khủng hoảng, chặt đứt luồng lưu thông hàng hóa 9 tỷ USD mỗi ngày của ngành thương mại thế giới.
Cuộc khủng hoảng vận tải lần này ở miền nam Trung Quốc một lần nữa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. "Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đang tăng lên, và giá hàng xuất khẩu/chi phí vận chuyển có thể sẽ tăng thêm. Tỉnh Quảng Đông đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset đánh giá.
Còn ông JP Wiggins, Phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp của Công ty phần mềm vận tải 3GTMS cho rằng cuộc khủng hoảng cảng biển ở Trung Quốc sẽ càng làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng Mỹ trong khi nhiều lô hàng đang trên đến Bắc Mỹ. Trước đó, sự cố kênh đào Suez đã tác động rất lớn đến đến hoạt động thương mại của châu Âu khiến nhiều lô hàng được chuyển đến châu Âu bị trì hoãn.
Ông JP Wiggins cho rằng kỳ vọng của người tiêu dùng sẽ tiếp tục rơi vào "trạng thái Covid". Chuyên gia này dự đoán sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt và thậm chí khan hiếm hàng hóa do châu Á sản xuất.
Chi phí vận tải liên tục lập đỉnh
Chi phí vận tải biển tăng vọt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng logistics. Ông Brian Glick, Giám đốc điều hành Chain.io cho rằng: "Nhiều chủ hàng quy mô vừa và nhỏ đang vung tay quá trán vì chi phí vận chuyển đang vượt qua biên lợi nhuận của các sản phẩm mà họ phân phối".
“Chi phí vận tải biển đã đạt mức cao nhất lịch sử với các báo giá cao gấp 5 - 10 lần định mức trước kia. Chi phí vận tải biển đã vượt nhiều lần mức giá trần nhưng không ai có thể khẳng định đâu là mức đỉnh”, ông Brian Glick đánh giá.
Ông JP Wiggins, Phó chủ tịch 3GTMS cảnh báo giá vận chuyển đang "dao động dữ dội", cho nên các chủ hàng cần lên kế hoạch chi tiêu gấp đôi vì không rõ giá vận chuyển sẽ đi đến đâu.
Bà Shehrina Kamal, Phó chủ tịch phụ trách giải pháp thông minh tại Công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics, cảnh cáo những chủ hàng không chấp nhận hàng hóa chậm trễ, sẽ tìm cách chuyển hướng từ vận tải biển sang vận chuyển bằng đường hàng không. Phương án này sẽ khiến chi phí vận chuyển tăng lên.
Theo bà Shehrina Kamal, thời gian đợi tàu hàng cập cảng container quốc tế Diêm Điền tại Thâm Quyến đã tăng theo cấp số nhân từ mức bình quân thường thấy là 0,5 ngày lên 16 ngày. Việc chờ đợi hàng hóa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các cảng biển khác.
Bà Kamal cho rằng vấn đề ở các cảng biển gần đó ngày càng trở nên nghiêm trọng khi các hãng vận tải bắt đầu chuyển hướng. Cảng Nam Sa ở Quảng Châu đang đón một lượng lớn hàng hóa từ nơi khác, khiến tình trạng tàu hàng bị trì hoãn cập cảng và hàng hóa bị tắc nghẽn dự kiến sẽ kéo dài thêm 2 tuần nữa, thậm chí lâu hơn.
Tác động của cuộc khủng hoảng vận tải biển lần này được dự báo sẽ lan sang các tỉnh lân cận như Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, và Hồ Bắc. Ngoài Trung Quốc đại lục, cảng biển ở Hong Kong cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao hàng qua biên giới bằng đường bộ khi giới chức Trung Quốc gần đây thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Tất cả các xe tải vận chuyển hàng hóa qua biên giới đều phải trải qua quá trình khử trùng cùng với các biện pháp phòng dịch khác. Điều này có khả năng khiến quá trình vận chuyển và xử lý hàng hóa bị chậm lại, bà Kamal đánh giá.
Theo đánh giá của Công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, chu chuyển hàng hóa tại các cảng biển ở Quảng Đông trong tháng 6 sẽ vẫn chậm trễ trong khi chu chuyển hàng hóa ở các địa phương khác của Trung Quốc có thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management cảnh báo: "Cùng với đại dịch ở Ấn Độ và Đông Nam Á… khiến chi phí hàng hóa và vận chuyển tăng cao, số ca nhiễm Covid-19 ở Quảng Đông tăng lên gần đây có thể gia tăng áp lực lạm phát ở các nước khác".