Thời sự
Lỗ hổng lớn trong quản lý xây dựng tại TP.HCM - Bài 3: “Phân vai” để quản lý hiệu quả
Ngô Nguyên - 27/02/2020 08:58
Hàng loạt dự án chung cư, nhà phố lớn xây dựng trái phép tại TP.HCM được “ngó lơ” cho đến khi hoàn thành cơ bản mới bị xử lý theo kiểu “chuyện đã rồi”. Hậu quả từ sự buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực ngay từ cấp cơ sở không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới quyền lợi người dân và các bên liên quan...

Bài 3: “Phân vai” để quản lý hiệu quả

Nhiều giải pháp quyết liệt đã và đang được TP.HCM đưa ra nhằm quản lý trật tự xây dựng và xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm tồn đọng tại địa phương. Trong đó, việc “phân vai” rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả.

Thiếu biện pháp xử lý kiên quyết ngay từ đầu là nguyên nhân khiến sai phạm tại Chung cư Khang Gia Tân Hương kéo dài.

Doanh nghiệp sai phạm, dân gánh hậu quả

Quay trở lại Dự án Chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú), việc xử lý sai phạm đang rất… ngổn ngang. Nếu buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm theo kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM và chỉ đạo quyết liệt của UBND TP.HCM, thì trước tiên, phải di dời 55 hộ dân đang sinh sống tại các căn hộ, ki-ốt vi phạm trật tự xây dựng này.

Trước đó, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ cư dân bị cưỡng chế di dời sớm ổn định cuộc sống,  UBND quận Tân Phú kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương hỗ trợ cư dân tạm cư tại các căn hộ thuộc quỹ nhà tái định cư của Thành phố với số tiền thuê nhà dự kiến là 4 triệu đồng/hộ trong 6 tháng.

Nếu đề xuất trên được duyệt, đồng nghĩa, một khoản ngân sách nhà nước (chi phí hỗ trợ tạm cư để di dời dân) sẽ bốc hơi vì sai phạm của chủ đầu tư không được chặn từ đầu.

Tuy nhiên, Sở Tài chính TP.HCM đã có công văn phản bác, cho rằng không có cơ sở thực hiện đề xuất của UBND quận Tân Phú và đến nay, UBND TP.HCM cũng chưa có ý kiến chính thức về việc này.

Hiện tại, cuộc sống của 55 hộ dân tại Chung cư Khang Gia Tân Hương đang trong tình trạng bất ổn. Họ cho biết, đã bỏ số tiền lớn để mua căn hộ với giá từ 20 triệu đồng/m2 trở lên, nhưng qua các văn bản, UBND quận Tân Phú, Sở Xây dựng TP.HCM cũng chỉ hướng dẫn người dân khởi kiện chủ đầu tư ra cơ quan tòa án để đòi quyền lợi.

Theo một luật sư, không khó để nhận định, nếu khởi kiện, người dân sẽ thắng, nhưng có đòi lại được tiền hay không còn là một hành trình gian nan. Bởi đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa trả được nợ sau khi cầm cố Dự án cho ngân hàng.

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND quận Tân Phú, sau 8 tháng thực hiện đề nghị từ phía chính quyền (tạm ngưng thu hồi nợ để ổn định dân), tháng 12/2019, Ngân hàng TMCP Nam Á tiếp tục gửi văn bản đến UBND quận này đề nghị cung cấp thông tin tiến độ và phương án giải quyết của cấp có thẩm quyền để Ngân hàng có căn cứ tiếp tục xử lý theo luật.

“Nếu chính quyền địa phương và Sở Xây dựng TP.HCM mạnh tay xử lý những sai phạm của chủ đầu tư, thì người dân đã không phải sống trong cảnh thiệt thòi đủ thứ như hiện giờ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban, Ban Quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương ngao ngán.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thời điểm cuối năm 2019, trong văn bản báo cáo UBND TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM  cho rằng, chung cư Khang Gia Tân Hương đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 5/2014, do đó, việc tiếp tục thực hiện theo dõi, kiểm tra, phát hiện, xử lý vị phạm tại thời điểm này, trách nhiệm chính thuộc về UBND phường Tân Quý (quận Tân Phú), căn cứ theo Quyết định số 58/2013/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của UBND TP.HCM về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, những hành vi vi phạm trật tự xây dựng, ngoài sai phạm có lỗi cố ý của nhà đầu tư, thì có những sai phạm có phần lỗi của của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, Đội Thanh tra địa bàn quận Tân Phú thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM “có chủ quan trong việc giám sát công trình, dẫn tới công trình tiếp tục xây dựng sai phạm. Công tác phối hợp kiểm tra giữa Đội Thanh tra địa bàn quận Tân Phú và UBND phường Tân Quý chưa tốt, nên không kịp thời phát hiện vụ việc và không báo cáo đến lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng để xin ý kiến chỉ đạo xử lý theo đúng quy định”.

Từ đó, việc xử lý trách nhiệm chỉ là “nghiêm túc kiểm điểm đối với các cá nhân có liên quan, đồng thời nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm đối với 8 thanh tra viên và công chức Thanh tra Sở Xây dựng”.

Còn với UBND quận Tân Phú, tại Báo cáo số 37/BC-UBND ngày 11/2/2020 gửi UBND TP.HCM, địa phương này cũng chỉ nêu: “Chủ tịch UBND phường Tân Quý đã chủ trì tổ chức cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm…”.

Không phải ngẫu nhiên, cuối năm 2019, UBND TP.HCM đã phải ban hành Quy chế Phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố (có hiệu lực từ ngày 12/12/2019, thay thế Quyết định số 58/2013).

Quy chế này “phân vai” trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị của TP.HCM và những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gồm: Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng; Thanh tra Sở Xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng; UBND quận, huyện; chủ tịch UBND quận, huyện; UBND phường, xã, thị trấn; chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; đội thanh tra quản lý địa bàn quận, huyện; cơ quan công an, cán bộ, công chức, thanh tra viên được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; các sở, ngành liên quan…

Tình trạng buông lỏng, đùn đẩy trách nhiệm của cơ quan liên quan tại TP.HCM đã khiến nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng tại TP.HCM trở nên nóng bỏng, bức xúc mà Chung cư Khang Gia Tân Hương là một ví dụ điển hình.

Tại Báo cáo số 37/BC-UBND, UBND quận Tân Phú cho rằng, Sở Xây dựng TP.HCM mới là đơn vị thực hiện cưỡng chế chủ đầu tư đối với hành vi không bàn giao kinh phí bảo trì chung cư (2%).

Lý do, UBND quận Tân Phú viện dẫn nhiều điều khoản tại Quyết định số 1908/QĐ-CCXP ngày 14/5/2019 của UBND TP.HCM về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Khang Gia; viện dẫn Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng (Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư) thể hiện nội dung: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Từ đó, UBND quận Tân Phú đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức cưỡng chế, còn về phần mình, UBND quận Tân Phú chỉ “phối hợp trong quá trình tổ chức thi hành”.

Ngược lại với đề xuất của UBND quận Tân Phú, trong Báo cáo số 14338/SXD-TT ngày 7/11/2019 gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM cũng viện dẫn Quyết định 1908/QĐ-CCXP và đề nghị UBND TP.HCM giao UBND quận Tân Phú khẩn trương tổ chức cưỡng chế thu hồi phí bảo trì chung cư Khang Gia Tân Hương.

Giải pháp quyết liệt

Trên thực tế, chính quyền TP.HCM đã nhìn rõ sự lỏng lẻo trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua.

Cuối năm 2019, tại Hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM, chính quyền Thành phố đã nhìn nhận: việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm; không áp dụng được các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm; chưa xử lý dứt điểm các công trình vi phạm còn tồn đọng trước đây…

Tại hội nghị này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, những hành vi vi phạm trật tự xây dựng, ngoài sai phạm có lỗi cố ý của nhà đầu tư, thì có những sai phạm có phần lỗi của của cơ quan quản lý nhà nước.

Từ đó, chính quyền TP.HCM đưa ra những giải pháp quyết liệt như: ngừng cấp điện đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng; xử lý, tước giấy phép, kể cả với tổ chức, cá nhân liên quan đến hành vi vi phạm như đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu, nhà đầu tư; xử lý hình sự các nhóm, đối tượng bảo kê xây dựng không phép...

Sở Tư pháp TP.HCM mạnh dạn đề xuất UBND TP.HCM cấm xuất cảnh đối với các cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng nhưng chưa chấp hành. Thậm chí, UBND TP.HCM còn ra “chỉ tiêu”: mỗi quận/huyện phải tổ chức cưỡng chế ít nhất 2 công trình.

Hy vọng, với những động thái quyết liệt như trên, trật tự xây dựng tại TP.HCM sớm được lập lại và những vụ việc tồn đọng sẽ sớm được xử lý dứt điểm.

Tin liên quan
Tin khác