Sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án điện mặt trời trên mái trong khi quy định chưa đầy đủ đang tạo lỗ hổng cho nhà đầu tư “né” bổ sung dự án vào quy hoạch, lại hưởng giá bán điện cao.
Nhiều nhà đầu tư đang đổ xô đầu tư dự án điện mặt trời áp mái công suất dưới 1 MW. |
“Né” bổ sung quy hoạch
Trong góp ý gửi tới Bộ Công thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trên cả nước hiện có rất nhiều dự án điện mặt trời dưới 1 MW.
Đó là những dự án điện mặt trời có các tấm pin lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ (không có mái) nằm trên đất, hoặc dự án có các tấm pin mặt trời lắp đặt một phần nhỏ trên mái nhà, phần lớn còn lại lắp trên đất của khách hàng sử dụng điện.
Ngoài ra, còn có các dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà xưởng, nhà kho của khách hàng trong khu công nghiệp, vừa mua điện từ lưới điện của EVN để sử dụng và vừa bán điện mặt trời lên lưới điện của EVN qua máy biến áp 110 kV.
Đáng nói là, quy định pháp lý với các loại hình dự án điện mặt trời này lại đang không đồng bộ.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 và khoản 6, Điều 3, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, các dự án trên được gọi là điện mặt trời nối lưới. Tuy nhiên, tại khoản 1, 3 và 4, Điều 5 của quyết định này chỉ cho phép “các dự án nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 hoặc đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết 31/12/2020 mới được áp dụng giá điện mặt trời nối lưới theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các dự án điện mặt trời nối lưới còn lại, giá mua điện được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh”.
Điều này khiến nhiều dự án điện mặt trời dưới 1 MW có nối lưới như trên, dù đã được đầu tư, vẫn chưa xác định được sẽ bán điện theo giá được quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, hay tiến hành chào giá trên thị trường điện cạnh tranh.
Mặc dù EVN đề nghị Bộ Công thương xem xét các dự án điện mặt trời công suất dưới 1 MW trong các trường hợp nêu trên là điện mặt trời mái nhà để khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện mặt trời, nhưng một số chuyên gia cho rằng, điều này có thể dẫn tới những thách thức khác.
“Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, giá mua với dự án điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 UScent/kWh, với dự án điện mặt trời mái nhà là 8,38 UScent/kWh và được đảm bảo trong 20 năm. Như vậy, nếu đưa các dự án dưới 1 MW nối lưới nói trên vào diện được đảm bảo mua điện trong 20 năm, trong khi ban đầu không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra trong Điều 5, Quyết định số 13/20202/QĐ-TTg, thì tiếp tục tạo ra tiền lệ cho việc nở rộ các dự án nhỏ mà không cần phải tuân thủ theo quy hoạch”, một thành viên của Diễn đàn Năng lượng tái tạo nhận xét khi trao đổi về điện áp mái với phóng viên Báo Đầu tư.
Ngoài ra, theo vị này, chưa biết ai sẽ đứng ra hợp thức hóa về mặt pháp lý cho các dự án điện mặt trời này, bởi Quyết định số 13/20202/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng, phải tính tới thực tế các dự án dưới 1 MW thường đấu nối vào lưới điện dưới 35 kV (là lưới phân phối đến các hộ tiêu dùng), nếu có sự gia tăng đột biến nguồn từ vô số các dự án nhỏ cộng lại, sẽ dẫn tới nguy cơ không ổn định trong cấp điện cho các hộ tiêu thụ cuối cùng. Với thực trạng lưới điện phân phối tại nhiều nơi có chất lượng chưa cao do được đầu tư từ lâu hoặc khu vực quản lý phức tạp, việc bổ sung các dự án điện mặt trời “núp bóng, trốn quy hoạch” cần phải có quy định cụ thể để không xảy ra những hệ lụy trong đảm bảo cấp điện.
Thống kê của chính EVN cho hay, tại Tổng công ty Điện lực miền Nam, hiện có 77 MWp vượt quá công suất giải tỏa của lưới điện, tập trung vào tỉnh Bình Phước, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Tại Tổng công ty Điện lực miền Trung, con số vượt công suất này là 224 MWp, tập trung vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum.
Áp mái, nhưng... không có mái
Thành viên của Diễn đàn Năng lượng tái tạo nói trên cũng nhận xét, việc EVN đề nghị, các dự án điện mặt trời công suất dưới 1 MW trong các trường hợp nêu trên là điện mặt trời mái nhà để khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện mặt trời cũng đặt ra câu hỏi về giá.
Cụ thể, giá mua điện mặt trời mái nhà đang được quy định là 8,38 UScent/kwh, còn dự án trên mặt đất là 7,09 UScent/kWh. Như vậy, những dự án điện mặt trời có các tấm pin lắp đặt một phần nhỏ trên mái nhà, phần lớn còn lại lắp trên đất của khách hàng sử dụng điện, hay dự án có các tấm pin lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ (không có mái) nằm trên đất sẽ được áp giá 8,38 UScent/kWh trong thời gian 20 năm.
Hiện đã có tình trạng một số nhà đầu tư đi thuê đất nông nghiệp hoặc đất bỏ hoang để đầu tư các dự án điện mặt trời dưới 1 MW không có mái, vừa lách được yêu cầu bổ sung quy hoạch, lại được hưởng giá bán điện cao.
Trên thực tế, chính EVN cũng cho hay, đã xuất hiện tình trạng, tại một địa điểm (trong cùng khu công nghiệp hoặc trên cùng mảnh đất) có nhiều chủ đầu tư cùng lắp đặt dự án dưới 1 MW, nên đã hình thành tổng công suất lớn hơn 1 MW tại địa điểm đó với 1 điểm đấu nối, tức là, dường như đã có sự lách luật để vẫn đầu tư được các dự án điện mặt trời nhằm hưởng giá bán điện 8,38 Uscet/kWh trong 20 năm, thay vì phải đấu thầu.