Tại Lễ Mít tinh, hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, dịch Covid-19 kéo dài đã và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra sự cố về sử dụng thuốc và tổn hại có liên quan đến thuốc.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại Lễ Mít tinh. |
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng thuốc an toàn, không gây hại là rất quan trọng; vì vậy đây cũng được chọn là chủ đề của Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2022.
Thống kê thực tế cho thấy, sự cố liên quan đến thuốc gặp nhiều nhất là nhầm liều, có 20% tổng số sự cố về thuốc xảy ra ở Bệnh viện tuyến trung ương, có 18,5% xảy ra ở bệnh viện tỉnh, thành phố.
Riêng ở các bệnh viện tuyến quận huyện, sự cố gặp nhiều nhất là nhầm thuốc (23,7%), nhầm liều (10%)…
Bên cạnh đó, việc dùng thuốc tùy tiện của người dân cũng là điều đáng lo ngại, có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc.
Thực tế vừa qua, trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đã cho thấy vai trò của thuốc kháng sinh là cực kỳ quan trọng; có những lúc thầy thuốc phải bất lực khi nhìn người bệnh dùng thuốc không có kết quả.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn thực trạng mua thuốc kháng sinh, các loại thuốc kê đơn một cách dễ dàng, thậm chí không ở đâu dễ mua thuốc kháng sinh dễ như ở Việt Nam, người dân có thể tùy tiện mua thuốc ở bất cứ hiệu thuốc nào.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần quản lý chặt thị trường thuốc, quản lý các nhà thuốc; phải phối hợp các lĩnh vực, các địa phương mới có thể quản lý được; đặc biệt là ý thức của các dược sĩ; cần phải tăng cường tuyên truyền về ý thức người dân là những người tiêu dùng thông minh, không tùy tiện dùng kháng sinh…
Theo Bộ Y tế, thuốc có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng nếu việc bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng không đúng cách hoặc không được theo dõi đầy đủ.
Các sự cố về thuốc xảy ra khi hệ thống quản lý chất lượng yếu kém; các yếu tố chủ quan như: Nhân viên y tế mệt mỏi, điều kiện môi trường làm việc kém hay thiếu nhân lực đều ảnh hưởng tới an toàn sử dụng thuốc.
Việc này có thể dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong.
Để nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao an toàn khi sử dụng thuốc, mục tiêu của Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2022 tập trung vào các mục tiêu như nâng cao nhận thức toàn cầu về gánh nặng của các tổn hại liên quan đến sự cố trong sử dụng thuốc hoặc các hành vi sử dụng thuốc không an toàn;
Đồng thời ủng hộ hành động khẩn cấp để cải thiện an toàn sử dụng thuốc; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan nhằm ngăn ngừa sự cố trong sử dụng thuốc và giảm tổn hại liên quan đến thuốc;
Hướng dẫn người bệnh và gia đình tham gia trong việc sử dụng thuốc an toàn; tích cực triển khai chiến dịch An toàn người bệnh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới WHO về sử dụng thuốc an toàn, không gây hại.
"Ngày An toàn người bệnh thế giới năm nay ưu tiên hành động can thiệp sớm để ngăn ngừa các tổn hại cho người bệnh do các hành vi không an toàn liên quan đến thuốc", Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nói.
Những hành vi này bao gồm các tình huống nguy cơ trong chăm sóc, điều trị như: Dùng quá nhiều loại thuốc, dùng các loại thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau… chiến dịch tập trung đặc biệt vào tác động của đại dịch Covid-19 đối với an toàn sử dụng thuốc, liên quan đến sự gián đoạn nghiêm trọng việc cung cấp các dịch vụ y tế trong đại dịch.
Nói về tình trạng kháng thuốc đang gây nhiều lo ngại một số chuyên gia cho rằng trước đây khi đề cập đến vấn đề kháng kháng sinh, mọi người chỉ nghĩ đến những trẻ em hoặc người bệnh nằm viện lâu ngày, tiếp xúc với kháng sinh và vi trùng bệnh viện trong thời gian dài.
Hiện nay, nhiều trường hợp ngoài cộng đồng, khi vào bệnh viện xét nghiệm vẫn cho kết quả có vi trùng kháng thuốc rất lớn khiến việc điều trị gặp khó khăn.
Chẳng hạn, nhiều vi khuẩn lao đang kháng tất cả loại thuốc hiện có, đôi khi kết hợp 5-6 loại mới điều trị cầm cự được.
Nhiều vi trùng gây bệnh đường tiêu hóa cũng kháng tất cả kháng sinh, kể cả loại chích, gây hội chứng nhiễm trùng nặng, tổn thương đa cơ quan, không đáp ứng thuốc, dẫn đến tử vong.
Một số vi trùng gây viêm họng, viêm tai có gene kháng thuốc lớn, không đáp ứng kháng sinh thông thường. Bên cạnh nguyên nhân đến từ việc dùng kháng sinh vô tội vạ, việc kháng thuốc còn do sử dụng thịt gia súc, gia cầm.
Theo thống kê từ các hiệp hội, tần suất tiếp xúc kháng sinh của người Việt khá nhiều do việc sử dụng kháng sinh cho động vật, gia cầm khá nhiều trong chăn nuôi. Khi ăn thịt, trứng, con người vô tình mang lượng kháng sinh vào cơ thể, lâu dài sẽ ảnh hưởng hệ thống vi sinh trong cơ thể, đối mặt với nguy cơ kháng thuốc mà không hề hay biết.
Tỉ lệ nhiễm kháng sinh từ động vật sang người còn chiếm tỷ lệ khá cao thông qua tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, chất thải của vật nuôi ra môi trường.
Lạm dụng kháng sinh không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn tác động lâu dài, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, đề kháng của trẻ.
Trong cơ thể, hệ thống miễn dịch giúp huy động lực lượng chống các tác nhân bất thường xâm nhập, đồng thời ghi nhớ để giúp nhận diện nhanh, mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt hơn khi tác nhân đó xâm nhập lần sau.
Khi lạm dụng kháng sinh, chúng ta đã loại bỏ vai trò của hệ thống miễn dịch, phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố bên ngoài là thuốc.
Dùng thuốc quá sớm, quá nhiều, vi trùng chưa kịp được nhận diện bởi hệ thống miễn dịch đã bị kháng sinh đó tiêu diệt. Vì vậy, khi tác nhân tấn công lần sau, hệ miễn dịch chưa được ghi nhớ để đáp ứng chống lại.
Theo chuyên gia chúng ta đang cạn kiệt nguồn kháng sinh, rất ít thuốc mới được sản xuất trong khi vi trùng luôn thay đổi, chống đối lại những kháng sinh hiện có. Lạm dụng kháng sinh chính là tự tay bỏ đi những vũ khí chống lại vi trùng, khiến việc điều trị, cứu chữa trẻ rất khó khăn.