Y tế - Sức khỏe
Lo ngại tình trạng suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai
D.Ngân - 08/03/2023 14:11
Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, số trường hợp suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ đã tăng 25%, từ 5,5 triệu lên 6,9 triệu người.

Các trường hợp suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ đã tăng 25% kể từ năm 2020 tại 12 quốc gia ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới.

Ảnh minh họa.

Đó là kết quả báo cáo được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 6/3, qua đó nhấn mạnh tác động của tình trạng suy dinh dưỡng đối với sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.

Báo cáo của UNICEF được thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu về nữ giới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo cơ quan này, hơn 1 tỷ phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng.

Tình trạng này sẽ khiến họ thiếu cân và thấp bé hơn mức phát triển hình thể trung bình, do thiếu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu và thiếu máu.

Hầu hết những trường hợp này sống tại những khu vực nghèo nhất thế giới, trong đó tại Nam Á và châu Phi cận Sahara có tới 68% số phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên bị thiếu cân và 60% bị thiếu máu.

UNICEF cho biết sự thiếu hụt dinh dưỡng trên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến con cái của họ, đồng thời lưu ý rằng "tình trạng dinh dưỡng kém sẽ di truyền qua nhiều thế hệ."

Suy dinh dưỡng không chỉ làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh, mà còn có thể “làm suy giảm sự phát triển của thai nhi, để lại những hậu quả suốt đời đối với sự tăng trưởng, khả năng học tập và địa vị xã hội sau này của trẻ."

Báo cáo của UNICEF nêu rõ, toàn cầu hiện có 51 triệu trẻ em dưới 2 tuổi bị thấp còi. Ước tính khoảng 50% số trẻ em này bị còi cọc từ trong bụng mẹ và 6 tháng đầu đời, khi trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào dinh dưỡng của người mẹ.

Theo giới chuyên gia, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, số trường hợp suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ đã tăng 25%, từ 5,5 triệu lên 6,9 triệu người, tại 12 quốc gia đang gặp khủng hoảng lương thực là Afghanistan, Burkina Faso, Ethiopia, Kenya, Mali, Niger, Nigeria, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Chad và Yemen.

UNICEF nhấn mạnh, nếu không có hành động khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế, hậu quả có thể kéo dài cho các thế hệ tương lai. Để ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, chúng ta cũng phải giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.

Bên cạnh đó, UNICEF kêu gọi chính phủ các nước cần dành sự ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng, đồng thời thực hiện các biện pháp bắt buộc nhằm mở rộng tăng cường vi chất dinh dưỡng trên quy mô lớn đối với các loại thực phẩm được tiêu thụ hằng ngày, như bột mì, dầu ăn và muối, để giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và thiếu máu ở trẻ em gái và phụ nữ.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến cân nặng khi sinh của trẻ.

Theo đó, chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi đẻ.

Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, nếu bà mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt, kể cả con của các bà mẹ suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu bà mẹ mang thai thiếu ăn sẽ tăng nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân.

Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân khi lớn lên tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, giảm dự trữ thận, giảm chức năng phổi, chậm dậy thì, dễ bị trầm cảm và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao. 

Riêng đối với trẻ gái sinh nhẹ cân có nguy cơ suy dinh dưỡng khi trưởng thành, lại tiếp tục là một yếu tố nguy cơ sinh con nhẹ cân cho thế hệ kế tiếp.

Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu nếu người mẹ dinh dưỡng không đủ sẽ bị giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm có thể để lại các khuyết tật cho trẻ như tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch….

Thiếu axit folic là nguyên nhân chính gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Can thiệp cung cấp đủ acid folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ làm giảm được khoảng 50% khuyết tật này ở trẻ.

Để thai nhi tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh, việc đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ khoa học và lành mạnh vô cùng quan trọng, trong đó việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho bà bầu là điều tiên quyết ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao trong suốt thai kỳ và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng, các thai phụ cần bổ sung acid folic giúp phòng tránh các dị tật ống thần kinh cho trẻ. Việc bổ sung viên uống acid folic có thể kéo dài đến hết 3 tháng đầu thai kỳ.

Bên cạnh đó, thực đơn hàng ngày cần bổ sung những thực phẩm chứa nhiều acid folic như bông cải xanh, rau chân vịt, sữa và các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc thô, quả bơ… 

Canxi không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn giúp hệ thống tuần hoàn, cơ bắp và thần kinh của mẹ bầu và thai nhi hoạt động bình thường. 

Do đó, mẹ bầu cần chú ý bổ sung 1.200 miligam canxi mỗi ngày. Các thực phẩm giàu canxi gồm: sữa, bông cải xanh, cải xoăn, nước ép trái cây, ngũ cốc…

Mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm như cá hồi, sữa, nước cam… để tăng cường vitamin D cho chính bản thân và hỗ trợ cho sự phát triển xương của thai nhi. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu mẹ thiếu vitamin D sẽ rất dễ dẫn đến tiền sản giật.

Protein cần thiết cho sự phát triển các mô và cơ quan của em bé, đặc biệt là bộ não; đồng thời hỗ trợ phát triển mô vú và tử cung của mẹ trong thai kỳ. Nó thậm chí còn đóng một vai trò quan trọng giúp tăng nguồn cung cấp máu cho thai nhi. 

Thịt nạc, thịt gia cầm, cá và trứng là những nguồn cung cấp protein tuyệt vời. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể lựa chọn các loại hạt, đậu, sản phẩm từ đậu nành để bổ sung protein trong suốt thai kỳ, đảm bảo cho sự phát triển khoẻ mạnh của con.     

Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần cung cấp 1000 mg sắt/ngày để tăng lượng máu của mẹ, cung cấp đủ máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh.

Mẹ bầu nên bổ sung sắt qua các loại thực phẩm như thịt đỏ, trứng, rau muống, củ dền… và uống thêm nước trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng cường hấp thu chất sắt.

Ngoài chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu, tập thể dục cũng là một phương thức quan trọng tăng cường sức khỏe cho mẹ trong quá trình mang thai, tuy nhiên cần chú ý về thời lượng tập và tránh các động tác quá mạnh. 

Theo nhiều nghiên cứu y khoa, tập thể dục giúp mẹ và thai nhi khỏe mạnh, chống lại các bệnh như cảm lạnh…; đồng thời “vượt cạn” nhẹ nhàng hơn và sinh con khỏe mạnh. Mẹ bầu có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đi bộ từ 15 đến 20 phút/ngày tùy vào tình trạng sức khỏe của mình.

Tin liên quan
Tin khác