Vỏ vay tiêu dùng, ruột tín dụng đen?
Gần đây, hoạt động tín dụng đen có dấu hiệu bùng phát trên cả kênh truyền thống lẫn kênh trực tuyến. Đặc biệt, các hình thức cho vay lãi suất cắt cổ qua mạng được khoác áo vay tiêu dùng tăng rất nhanh. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “vay tiền”, ngay lập tức trên mạng hiện ra hàng chục triệu kết quả, trong đó có nhiều trang web cho vay trực tuyến như SHA, Monily, ATMonline, doctordong…
Với thủ tục rất đơn giản, chỉ cần gửi ảnh chứng minh thư, hộ khẩu hay giấy phép lái xe qua mạng, khách hàng đã nhanh chóng được giải ngân. Theo phản ánh của người vay, lãi suất được quảng cáo chỉ khoảng 2 - 20%/năm, song thực tế họ phải trả cao hơn cả chục lần sau khi cộng cả phí tư vấn, phí quản lý khoản vay.
Hiện hành lang pháp lý về cho vay tiêu dùng ở nước ta còn chưa đầy đủ, thiếu chế tài đủ mạnh. Ảnh: Đ.T |
Đáng lưu ý, dù cho vay với lãi suất không khác tín dụng đen, song các công ty này không lo phạm luật. Điều 68, Luật Dân sự 2015 quy định trần lãi suất là 20%, nhưng Luật Các tổ chức tín dụng lại cho phép lãi suất thỏa thuận (trường hợp có luật chuyên ngành thì thực hiện theo luật chuyên ngành), nên các tổ chức này không vi phạm.
Nguyên nhân khiến tín dụng đen bùng phát là do nhu cầu của người dân rất lớn, thủ tục nhanh gọn và sự phát triển công nghệ thông tin khiến cách tiếp cận trực tiếp giữa bên vay và bên cho vay dễ dàng hơn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tính toán, hiện tín dụng đen chiếm khoảng 35% thị trường tín dụng phi chính thức ở nước ta, vào khoảng nửa triệu tỷ đồng. Con số này không phải là nhỏ và hệ lụy gây ra cho nền kinh tế là rất lớn.
Thúc đẩy công ty tài chính “chính danh” phát triển
Lo lắng về hoạt động cho vay tiêu dùng có dấu hiệu biến tướng, cuối tuần qua, NHNN đã ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Thống đốc NHNN yêu cầu các công ty tài chính phải tăng cường kiểm soát nội bộ, tăng kiểm tra, giám sát hệ thống, nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật về cho vay tiêu dùng và đòi nợ…
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường nhắc nhở, kiểm soát của NHNN là cần thiết, vì vừa qua, nhiều công ty tài chính không chỉ cho vay với lãi suất cao, mà còn sử dụng xã hội đen để đòi nợ, liên kết với các công ty cung ứng sản phẩm “lừa” người tiêu dùng ký vào hợp đồng vay vốn… gây phản ứng dữ dội trong dư luận.
Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến cho rằng, những bất cập của thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là tín dụng đen núp bóng tín dụng tiêu dùng, đều là những công ty, tổ chức hoạt động phi chính thức, chứ không phải từ các công ty tài chính tiêu dùng đã được cấp phép. Do đó, cần có biện pháp quản lý các hình thức cho vay biến tướng mới xuất hiện này thay vì siết chung công ty tài chính tiêu dùng. Trên thực tế, thị trường này vẫn rất cần thúc đẩy phát triển.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hầu hết những người sa bẫy tín dụng đen đều xuất phát từ nhu cầu vay vốn cấp bách. Do đó, muốn giải quyết tín dụng đen, giải pháp tận gốc là phải đáp ứng được nhu cầu vốn của người có thu nhập thấp, trung bình. “Phát triển thị trường tài chính tiêu dùng chính thức là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất”, TS. Kiên khuyến nghị.
Dù phát triển rất nhanh thời gian qua, song dư nợ của khối công ty tài chính hiện mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng dư nợ thị trường cho vay tiêu dùng. Thị phần còn lại chủ yếu nằm trong tay các ngân hàng với các khoản giải ngân lớn như cho vay mua nhà, sửa nhà, mua ô tô…
Hiện hành lang pháp lý về cho vay tiêu dùng ở nước ta còn chưa đầy đủ, thiếu chế tài đủ mạnh. Luật Dân sự 2015 gần như bị “vô hiệu” bởi luật chuyên ngành ở điều khoản về trần lãi suất. Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cũng thừa nhận, cả Luật Hình sự lẫn Luật Dân sự hiện nay đều chưa quy định đầy đủ, cụ thể khiến quá trình điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Do đó, giải pháp cần thiết hiện nay là tạo môi trường kinh doanh cởi mở để các công ty tài chính thành lập ngày càng nhiều, tránh thị phần dồn quá lớn vào một số doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh về lãi suất, giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Mặt khác, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra các quy định chặt chẽ để ngăn chặn và xử lý các hình thức biến tướng, lợi dụng vay tiêu dùng để giăng bẫy tín dụng đen.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, tín dụng tiêu dùng là một thị trường rất quan trọng không chỉ với nền tài chính, mà còn với cả nền kinh tế đất nước (kích thích sản xuất phát triển). Chính vì vậy, bên cạnh việc cần thiết phải xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, cần phải sớm xây dựng luật chuyên ngành, hoặc ít nhất là pháp lệnh để quản lý thị trường này.