Từ đầu năm đến nay, có thêm 2 công ty tài chính gia nhập thị trường là SHB Finance và Công ty Tài chính Tín Việt (Công ty Tài chính cổ phần xi măng đổi tên). Chưa kể, hàng loạt nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục đổ vốn vào lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn do dư địa phát triển còn rộng lớn, tỷ suất sinh lời cao. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của lĩnh vực này có biểu hiện chững lại. “Hiện dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng mới khoảng 90.000 tỷ đồng và tốc độ phát triển có dấu hiệu chậm dần”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.
6 tháng đầu năm nay, tín dụng của các công ty tài chính chỉ tăng khoảng 4-5%, thấp hơn cả các ngân hàng thương mại. |
Quả thực, báo cáo tài chính của nhiều công ty tài chính lớn trên thị trường cho thấy, những năm trước đây, tín dụng của khối doanh nghiệp này thường tăng trưởng 2 con số, song 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng khoảng 4-5%, thấp hơn cả các ngân hàng thương mại.
Chính vì tín dụng bị kìm hãm, khả năng sinh lời của các công ty này cũng giảm đáng kể. Đơn cử, lợi nhuận của FE Credit 6 tháng đầu năm nay chỉ còn chiếm 36% tổng lợi nhuận của ngân hàng mẹ VPBank, giảm đáng kể so với mức 50% của năm trước đó, chủ yếu do tín dụng chỉ tăng hơn 3%.
Theo phân tích của các chuyên gia, sau những tai tiếng xung quanh việc đòi nợ, áp lãi suất cao, liên kết với các công ty mỹ phẩm để “bẫy” khách vay…, uy tín của các công ty tài chính bị sút giảm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục “dọa” thanh tra khối doanh nghiệp này do những bê bối xảy ra liên tiếp.
Rà soát tiêu chí thành lập công ty tài chính
Theo tôi, cần rà soát tiêu chí thành lập công ty tài chính theo hướng khuyến khích thành lập mới nhiều công ty, giúp lãi suất thị trường cạnh tranh hơn nữa. Ngân hàng Nhà nước nên “để mắt” đến lĩnh vực này, coi đây là bộ phận cấu thành quan trọng của thị trường tài chính, luật hóa chính sách trong lĩnh vực này để thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Chính vì vậy, thay vì tiếp tục phát triển nóng, các công ty này đã chững lại để siết chặt lại hệ thống, quản trị rủi ro tốt hơn, đồng thời gia tăng nền tảng khách hàng. “Đây là sự chững lại cần thiết, giúp các công ty tài chính phát triển an toàn, lành mạnh hơn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Không chỉ các công ty tài chính, mà bản thân các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng hơn với thị trường này. Techcombank thậm chí còn bán cả công ty tài chính cho nhà đầu tư ngoại. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng không có định hướng chạy theo những lĩnh vực rủi ro. Đối với cho vay tiêu dùng, Techcombank chỉ cho vay theo dạng có tài sản thế chấp (cho vay mua nhà, mua xe).
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thừa nhận, ngân hàng này đang chủ trương giữ tốc độ của FE Credit chậm lại và giảm bớt tỷ lệ đóng góp lợi nhuận của lĩnh vực này vào lợi nhuận hợp nhất của Ngân hàng.
Một biểu hiện khá thú vị của thị trường là trước đây, các công ty tài chính sẵn sàng cho vay các đối tượng rủi ro cao, miễn là áp dụng lãi suất cao. Tuy nhiên, hiện các công ty này đã vận dụng ngày càng nhiều hệ thống dữ liệu để lọc bớt những khách hàng có độ rủi ro quá lớn. Do đó, khả năng nợ xấu, cũng như tai tiếng lãi suất cắt cổ cũng đã giảm bớt.
Trước đó, việc áp lãi suất cao, cho vay bằng mọi giá của các công ty tài chính bị nhiều chuyên gia cảnh báo. Bởi lãi suất cao là một trong các nguyên nhân đẩy người vay vào nợ xấu. Đây cũng là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng.