Một loạt doanh nghiệp rượu bia vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021. Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico; UpCOM: HNR) vừa bố báo cáo tài chính quý II/2021 với kết quả không mấy khả quan. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ công ty chỉ đạt 18,6 tỷ đồng (doanh thu bán rượu chiếm 90% tổng doanh thu), giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận từ bán hàng và cung cấp dịch vụ âm gần 2,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2,2 tỷ đồng.
Do không có lợi nhuận từ lĩnh vực khác, doanh thu từ lĩnh vực tài chính không đáng kể, sau khi trừ chi phí, công ty lỗ 12,35 tỷ đồng trong quý 2/2021, tức lỗ tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 58,8 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm gnoái. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 8,8 tỷ đồng, tăng 37,5%, nhờ giá vốn hàng hóa giảm.
Dù vậy, do lợi nhuận khác giảm gần một nửa trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng nên sau khi trừ chi phí, công ty ghi nhận khoản lỗ trên 13,3 tỷ đồng, giảm lỗ 1,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ 15,1 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020).
Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 47,7 tỷ đồng, giảm 16% so với quý 2/2020. Giá vốn hàng hóa 34,3 tỷ đồng khiến lợi nhuận từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 13,3 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế quý II2021 của công ty đạt 3,3 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm gnoái.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty bia Hà Nội - Hải Dương đạt 54,6 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 13 tỷ đồng, giảm 34,3% so với cùng kỳ. Mặc dù chi phí bán hàng cũng giảm mạnh nhưng chi phí quản lý doanh nghiêp không giảm đáng kể khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 370 triệu đồng, giảm sốc so với mức lãi 4,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp bia có kết quả kinh doanh tốt nhất là Công ty cổ phần bia Sài Gòn miền Trung (HoSE: SMB). Báo cáo tài chính tổng hợp cho thấy, dù doanh thu bán hàng quý II/2021 của công ty chỉ đạt 302 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn giảm khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty trong quý II/2021 đạt 73,6 tỷ đồng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của công ty đạt 50,6 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của công ty đạt 563 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 126 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 105,7 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại ĐHĐCĐ năm 2021 vừa qua, Công ty Bia Sài Gòn miền Trung (HoSE: SMB) đặt mục tiêunăm 2021 đạt 1.315 tỷ đồng doanh thu tăng 11,2% so với thực hiện 2020, lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 153 tỷ đồng, giảm 18,6% so với thực hiện 2020. Cổ tức dự kiến là 35%.
Hiện tại, hai ông lớn của ngành rượu bia là Habeco (HoSE; BHN) và Sabeco (HoSE: SAB) chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2021. Kết quả kinh doanh quý I/2021 của hai doanh nghiệp này đều khởi sắc đáng kể sau khi sụt giảm nặng nề năm 2020.
Cụ thể, quý I/2021, Habeco ghi nhận doanh thu thuần tăng 78%, lãi ròng 47,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 98 tỷ đồng. Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 255 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2020.
Sabeco cũng hồi phục trở lại quý I/2021 với doanh thu thuần đạt hơn 5.861 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 1.712 tỷ đồng, tăng 26,5% và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 27,6% lên 29,2%. Trong quý I/2021, Sabeco ghi nhận 986,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 37,5% so với quý 1/2020. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng 20% và lợi nhuận sau thuế gần 5.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020. Kế hoạch trả cổ tức ở tỷ lệ 35% tiền mặt.
Dù vậy, dịch Covid 19 đợt 4 quay lại đúng vào mùa nắng nóng - mùa cao điểm tiêu thụ bia - khiến khả năng doanh thu quý II/2021 của hai ông lớn này không tăng trưởng như kỳ vọng.
Năm 2020, ngành rượu bia chịu tác động kép rất nặng nề bởi dịch Covid-19 (hàng loạt nhà hàng quán ăn bị đóng cửa) và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ 1/1/2020), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Năm nay, dịch Covid–19 đợt 4 quay lại và diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh thành phải phong tỏa, giãn cách, thu nhập người dân sụt giảm và thắt chặt chi tiêu... khiến ngành bia rượu dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực và chưa thể sớm phục hồi. Triển vọng thị trường kém sáng sủa khiến cổ phiếu ngành bia rượu liên tục lao dốc từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu SAB giảm 20%, cổ phiếu HAD giảm 21,5%, cổ phiếu BHN giảm 25,7%. Cổ phiếu giảm ít nhất là SMB với mức giảm 5%.