Liên quan đến Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn tỉnh (gọi tắt là Dự án Cao tốc qua tỉnh Bình Định), UBND tỉnh Bình vừa có công văn gửi các Bộ gồm Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị giải quyết các vấn đề liên quan.
Hiện nay, địa phương đang tập trung đẩy nhanh việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, việc triển khai các hạng mục công việc thuộc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Cao tốc qua tỉnh Bình Định đang gặp một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ.
Do vậy, trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị báo cáo kiến nghị Chính phủ cho phép UBND các tỉnh khu vực miền Trung được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông mà không phải lập lại dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo kiến nghị Chính phủ xem xét cho chủ trương bổ sung các mỏ vật liệu thi công xây dựng các khu tái định cư phục vụ Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam vào Hồ sơ khảo sát vật liệu và được áp dụng cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết số 43 (của Quốc hội), Nghị quyết số 18 và 119 của Chính phủ.
UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản chủ trương chấp thuận thu hồi đất để địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các hộ bị giải tỏa một phần thửa đất ở, nhà ở và có phần diện tích còn lại của thửa đất ở nằm ngoài phạm vi mốc giải phóng mặt bằng.
Trường hợp, Bộ Giao thông - Vận tải không chấp thuận thu hồi đất thì có ý kiến thống nhất để địa phương cấp phép xây dựng cho người dân tiến hành xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đạt sự đồng thuận của người dân.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Định đề nghị xem xét cho chủ trương chấp thuận đối với việc thu hồi phần diện tích đất nông nghiệp còn lại lớn hơn 200 m2 nhưng không đủ điều kiện sản xuất, theo quy định tại khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình cơ quan thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung diện tích rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên cần chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ Dự án Cao tốc qua tỉnh Bình Định.
Nguyên nhân điều chỉnh là tổng diện tích đất rừng và đất trồng lúa (từ 2 vụ trở lên) cần chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án cao tốc tại tỉnh Bình Định thay đổi (tăng lên) so với Nghị quyết số 273, ngày 11/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 78,09 ha (thành 409,58 ha); đất rừng phòng hộ tăng 5,36 ha (thành 37,96 ha); đất trồng rừng sản xuất tăng 131,52 ha (thành 612,86 ha); rừng tự nhiên và rừng trồng tăng 69,537 ha (thành 227,587 ha gồm rừng tự nhiên 12,56 ha, rừng trồng 215,027 ha).
UBND tỉnh Bình Định vừa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thông báo về số tiền trồng rừng thay thế mà Ban Quản lý dự án 85 phải nộp để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Cao tốc qua tỉnh Bình Định. Trong đó, đoạn qua TP. Quy Nhơn diện tích trồng rừng thay thế là 26,45 ha; đoạn qua huyện Tuy Phước có diện tích là 18,02 ha.
Đến ngày 14/6/2023, về công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tỉnh Bình Định đã thực hiện được 10.588 hộ/11.308 hộ, diện tích 899,88/ 945,35 ha tuyến chính; vẫn còn 720 hộ và 45,47 ha chưa phê duyệt phương án bồi thường.