Ngoài hoạt động cốt lõi là tín dụng, các ngân hàng ngày càng đa dạng hóa nguồn thu, góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận |
Nhiều con số lỷ lục của khối cổ phần tư nhân
Đến thời điểm hiện tại, dù chưa ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, song con số lợi nhuận cả năm đã được lãnh đạo một số ngân hàng hé lộ. Theo đó, bức tranh lợi nhuận năm 2021 có sự khác biệt khá lớn giữa khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhà nước và khối ngân hàng TMCP tư nhân.
Cụ thể, khối ngân hàng TMCP tư nhân có kết quả kinh doanh rất khả quan. Ngân hàng đầu tiên chính thức công bố kết quả kinh doanh năm 2021 là TPBank với lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020 và vượt hơn 4% so với kế hoạch.
Tại MSB, con số chính thức chưa được công bố, song ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng này ước đạt 5.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020.
Bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược, kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB tiết lộ, lợi nhuận năm 2021 là con số cao kỷ lục của VIB từ khi thành lập tới nay.
Không chỉ VIB, MSB hay TPBank, dữ liệu của một số công ty chứng khoán cho thấy, lợi nhuận quý IV/2021 của nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đều tăng trưởng tốt. Ví dụ, lợi nhuận của ACB tăng khoảng 26 - 27%, lợi nhuận của MB tăng 41 - 42%, lợi nhuận của VPBank tăng 45 - 46%, lợi nhuận của OCB tăng 35 - 36% trong quý IV/2021.
Trong khi lợi nhuận của khối ngân hàng TMCP tư nhân tăng trưởng ở mức cao, thì lợi nhuận của khối ngân hàng quốc doanh tăng chậm.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Agribank ước khoảng 14.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Trong khi đó, BIDV và VietinBank chỉ cho biết đã hoàn thành vượt mục tiêu lợi nhuận, chưa nêu con số cụ thể.
Mặc dù vậy, theo dự báo của một số chuyên gia, lợi nhuận quý IV/2021 của BIDV và VietinBank có thể giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, lợi nhuận cả năm của VietinBank sẽ tăng không đáng kể so với năm 2020, còn BIDV, với xuất phát từ nền thấp của năm 2020, sẽ tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn. Tương tự, Vietcombank cũng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận lạc quan nhờ tín dụng tăng mạnh.
Năm qua, cả 4 ngân hàng thương mại quốc doanh đều chấp nhận giảm lợi nhuận để giảm lãi suất, giảm phí hỗ trợ khách hàng. Ước tính, mỗi ngân hàng thương mại quốc doanh đã giảm khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức (Công ty Chứng khoán SSI), ngân hàng là ngành hiếm hoi tăng trưởng suốt thời gian dài vừa qua, kể cả trong 2 năm Covid-19 bùng phát. Ngoài hoạt động cốt lõi là tín dụng, ngân hàng ngày càng đa dạng hóa nguồn thu. Mặc dù vẫn còn ẩn số nợ xấu, song ông Đức cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của ngành ngân hàng rất sáng sủa.
Sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng được coi là động lực tăng trưởng chính của ngành ngân hàng năm 2022. Bà Trần Thu Hương nhận định: “Khi kinh tế phục hồi, ngân hàng sẽ là đầu tàu đầu tiên, kéo cả nền kinh tế phát triển”.
Tuy vậy, lãnh đạo VIB nhấn mạnh, tăng trưởng lợi nhuận của VIB không chỉ đơn thuần là do tín dụng tăng, mà chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu danh mục. Năm 2021, VIB đạt tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục chủ yếu nhờ theo đuối chiến lược đẩy mạnh bán lẻ trong suốt 6 năm qua và đến lúc hái “quả ngọt”.
Bên cạnh tín dụng, doanh thu ngoài lãi tiếp tục tăng mạnh, nhất là từ dịch vụ thanh toán, bán bảo hiểm, cũng là điểm sáng lợi nhuận của ngành ngân hàng. Năm 2022 được dự báo sẽ bùng nổ các hợp đồng bảo hiểm lớn, mang lại khoản phí trả trước “khủng” cho các nhà băng. VietinBank sẽ hoàn tất hợp đồng với Manulife; Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại hợp đồng với Manulife và AIA; HDBank và LienVietPostBank có thể ký một hợp đồng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) độc quyền mới...
Dù nợ xấu có khả năng tăng lên, nhất là nếu Ngân hàng Nhà nước không gia hạn Thông tư số 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, song do năm 2021, các ngân hàng đều đã trích lập dự phòng rủi ro rất lớn với nợ cơ cấu, nên tác động nợ xấu sẽ không quá lớn. Chưa kể, lộ trình luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang được gấp rút triển khai cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng.
Nhìn chung, các chuyên gia đều lạc quan về triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 21% (chưa tính lợi nhuận bất thường từ thu phí trả trước bancassurance, thoái vốn khỏi công ty con).
Một điểm đáng lưu ý là, dù triển vọng lợi nhuận năm 2022 rất sáng sủa, song cổ phiếu ngân hàng vẫn đang lao dốc từ tháng 7/2021 đến nay.
Năm 2021, một số cổ phiếu ngân hàng tăng rất mạnh, như SSB, TPB, LPB, MSB, VPB đã tăng giá trên 90% so với đầu năm; MBB, TCB, STB, OCB, VIB và SHB tăng khoảng 50 - 90%. Bước sang năm 2022, dù định giá cổ phiếu ngân hàng hợp lý hơn, song các chuyên gia cho rằng, mức định giá này vẫn cao hơn mức trung bình lịch sử. Theo đó, nhiều cổ phiếu đã tăng nóng thời gian qua sẽ không còn hấp dẫn. Ngoài ra, một số ngân hàng có nguy cơ nợ xấu lớn cũng tiềm ẩn rủi ro.
Các tổ chức tín dụng dự báo, tín dụng sẽ tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận.