Đầu tư và cuộc sống
“Lọc ảo” trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2022
Mộc An - 06/06/2022 19:36
Tình trạng thí sinh “ảo” luôn là mối lo với cả cơ sở giáo dục và thí sinh trong kỳ tuyển sinh đại học. Năm nay, ngành giáo dục cho biết sẽ có giải pháp nhằm lọc ảo.
Ảnh minh họa.

Phân tích số liệu vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học ngày càng giảm. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn, hoặc phải nộp tiền để giữ chỗ, gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.

Mặt khác, nếu thí sinh xét tuyển bằng kết quả học tập vào nhiều cơ sở đào tạo, phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT phải mất thời gian sao in chứng thực kết quả học tập cho thí sinh, gây tốn kém cho thí sinh và xã hội. Các cơ sở đào tạo mất thêm thời gian cập nhật kết quả học tập của thí sinh để xét tuyển, một số cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập để sơ tuyển không có dữ liệu chính xác.

Do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường, nên tỷ lệ thí sinh ảo rất cao, hệ quả là thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác. Các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học, dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh không đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm (trường không có điều kiện để lựa chọn các thí sinh có chất lượng tốt hơn).

Một số cơ sở đào tạo xét thí sinh trúng tuyển, nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT), Dự thảo Quy chế tuyển sinh đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, đó là thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1. Việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho thí sinh; các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo.

Khi “lọc ảo”, thí sinh vẫn có thể xét tuyển và biết được khả năng mình trúng tuyển vào nhiều trường (không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh). Thực chất, hệ thống của Bộ không xét tuyển, mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của các thí sinh dựa trên ưu tiên của các em, để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất mà các em có thể trúng tuyển. Theo đó, thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất trong khả năng của mình, đồng thời hạn chế tối đa số lượng thí sinh ảo.

Về phương án do Bộ GD&ĐT đưa ra, có ý kiến cho rằng, phương án này chưa thực sự phù hợp với thực tế tuyển sinh nhiều đợt, nhiều phương thức khác nhau như hiện nay, khó hết ảo khi một số trường không nhập dữ liệu chuẩn.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng lo ngại việc lọc ảo có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường khi phải chờ đợi, cũng như hạn chế quyền lựa chọn của các thí sinh khi mỗi em chỉ đỗ một nguyện vọng duy nhất. Chưa kể, Bộ GD&ĐT chỉ nắm bậc đại học, không nắm được số lượng thí sinh học cao đẳng, trung cấp, đi du học… thì kết quả lọc ảo cũng không chính xác.

Về vấn đề này, bà Thủy cho rằng, giải pháp lọc ảo được đánh giá là tốt nhất để có thể khắc phục, giảm thiểu được tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề “đau đầu” với các trường mỗi mùa tuyển sinh, bởi nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác thì nhà trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, từ đó có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn. Tất nhiên, hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng thí sinh ảo do việc thí sinh đi du học hay chọn học các trường nghề không nằm trong hệ thống, nhưng đó chỉ là tỷ lệ nhỏ.

Để có thể thực hiện tốt mục tiêu lọc ảo, tăng quyền lợi cho thí sinh, theo bà Thủy, với kinh nghiệm, kết quả từ công tác tuyển sinh các năm trước, để tránh nhầm lẫn và hạn chế ảnh hưởng đến cơ sở đào tạo, thí sinh; trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã và đang khẩn trương thực hiện nâng cấp phần mềm để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển (phần mềm với cơ sở dữ liệu về tuyển sinh có cơ chế kiểm soát để hỗ trợ và hạn chế các sai sót của thí sinh trong quá trình đăng ký), hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng các quy định về tuyển sinh. 

Trong thời gian qua, Bộ đã thường xuyên họp giao ban trực tuyến với các sở GD&ĐT, với cơ cơ sở đào tạo để thống nhất về chủ trương, hoàn thiện chính sách, hoàn thiện các thông tư và văn bản, kế hoạch về tuyển sinh; đồng thời trao đổi, thống nhất về mặt kỹ thuật với cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh của các trường, các nhóm trường.

Bộ cũng sẽ ban hành văn bản, xây dựng tài liệu, clip hướng dẫn thí sinh trong đăng ký dự thi và xét tuyển; tăng cường truyền thông, hướng nghiệp cho thí sinh, cung cấp thông tin cho thí sinh, tạo điều kiện để thí sinh được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác nhất.

Tin liên quan
Tin khác