Hơn 200 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức quan tâm tới BSR
Để chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), đầu tuần này, BSR đã tổ chức buổi gặp gỡ giới thiệu cơ hội đầu tư vào BSR, thu hút sự tham dự của hơn 200 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Đây là thương vụ IPO của công ty vốn nhà nước có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay.
Theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, trong đợt IPO, BSR sẽ bán 242 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,79% vốn. Sau IPO, BSR sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 1.519 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn. Tổng giá trị theo mệnh giá là 15.192 tỷ đồng, tương đương giá trị thu về tính theo giá khởi điểm dự kiến là khoảng 22.181 tỷ đồng.
Cảng xuất sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do BSR quản lý và vận hành. |
Đại diện đơn vị tư vấn, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) cho biết, giá trị cổ phiếu của BSR dao động trong khoảng 14.822 - 16.260 đồng/cổ phiếu. “Đây là mức giá được đưa ra trên quan điểm thận trọng”, ông Long nhấn mạnh.
Ở góc nhìn của một chuyên gia độc lập, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trên cơ sở xem xét các chỉ tiêu tài chính của BSR và so sánh với các nhà máy lọc dầu có quy mô tương tự trong khu vực và trên thế giới, năng lực cạnh tranh và lịch sử hoạt động của BSR, dự báo, giá đấu có thể đạt 23.000-25.000 đồng/cổ phiếu.
Sau 7 năm hoạt động, tổng doanh thu BSR đạt hơn 870.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hơn 17.000 tỷ đồng. Ước năm 2017, BSR đóng góp khoảng 16% doanh thu và 33% lợi nhuận cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tổng giám đốc BSR, ông Trần Ngọc Nguyên cho biết, bên cạnh ảnh hưởng tích cực của giá dầu, kết quả khả quan trên còn đến từ quá trình tích lũy kinh nghiệm vận hành, quản trị tiêu hao, quản trị bạn hàng, xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả của Công ty trong thời gian qua.
Việc niêm yết với BSR là chắc chắn nhưng sẽ không vội. Theo đó, sau khi IPO, Công ty sẽ đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM theo đúng quy định, 1 năm sau sẽ niêm yết cổ phiếu. Trong khoảng 3 tháng đầu giao dịch trên UPCoM, BSR sẽ tập trung làm việc và lựa chọn các cổ đông.
Ông Nguyên cho biết, BSR đã nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác là các tập đoàn lớn muốn làm đối tác chiến lược của Công ty. “Ngoài đối tác trong nước là Petrolimex, hãng xăng dầu Tây Ban Nha Repsol đã làm việc với BSR. Công ty cũng vừa nhận công văn từ một đối tác tại Mỹ bày tỏ việc muốn mua 49% cổ phần BSR. Một số hãng xăng dầu lớn của Brunei, Indonesia quan tâm và mong muốn tham gia cùng BSR”, lãnh đạo BSR chia sẻ.
Cơ hội lớn đến từ dư địa thị trường xăng dầu
Là thành viên của PVN, BSR được giao quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Tổng công suất của BSR hiện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Dự kiến quý I/2018, khi nhà máy lọc dầu thứ hai là Nghi Sơn đi vào vận hành, tổng công suất của cả 2 nhà máy có thể đáp ứng 80% nhu cầu cả nước.
BSR là doanh nghiệp thuộc phân khúc hạ nguồn ngành dầu khí, lợi nhuận đến từ chênh lệch giữa giá bán sản phẩm và giá dầu thô đầu vào, sau khi khấu trừ chi phí. Theo chia sẻ của ông Nguyên, điểm hòa vốn của BSR là lấy giá sản phẩm từ giá dầu thô và chi phí khoảng 6-7 USD/thùng, nhưng từ năm 2009 đến nay, giá bán ổn định ở mức 12-13 USD/thùng, không biến động nhiều.
Về đầu vào, BSR đang làm việc với nhiều tập đoàn lớn của Singapore, Malaysia… Ở trong nước, PV Oil cam kết cung ứng dầu thô nguyên liệu cho Công ty. Về đầu ra, BSR đang bao tiêu sản phẩm của nhiều đơn vị phân phối xăng dầu lớn trong nước như Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro, Petimex…
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (PXL), tháng 6/2017, PLX và BSR đã đi đến một thỏa thuận hợp tác nhiều mặt, trong đó có vấn đề thương mại, hợp đồng cung cấp bao tiêu sản phẩm ngắn, trung và dài hạn. “Bình quân mỗi năm, khoảng 40% sản lượng của PLX đến từ BSR”, ông Dũng nói.
Với mối quan hệ hợp tác như trên, khả năng PLX tham gia BSR với vai trò cổ đông chiến lược thông qua đợt chào bán 49% cho cổ đông chiến lược trong thời gian tới là rất lớn.
Năm 2018, dự báo giá dầu sẽ tăng khoảng 2 USD/thùng so với năm 2017. Với dư địa này cùng lợi thế nội địa có sẵn, BSR đang triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm, có thể chế biến 200-300 loại sản phẩm, với giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ khoảng 67 sản phẩm như hiện nay. Đặc biệt, sau khi dự án hoàn thành, toàn bộ sản phẩm sẽ đạt chuẩn Euro V.
Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về kế hoạch thu xếp vốn cho dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 1,8 tỷ USD này, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV BSR cho biết, BSR sẽ thu xếp 30% vốn tự có, 70% còn lại (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD) đến từ vốn vay. “BSR sẽ mở gói thầu tư vấn tài chính và kêu gọi nhiều ngân hàng nước ngoài tham gia việc xây dựng cấu trúc và tư vấn phương án vay vốn”, đại diện BSR chia sẻ.
Đánh giá về tiến độ dự án, đại diện BSR cho biết, Dự án đã hoàn thành phương án tiền nghiên cứu, nhưng tiến độ vẫn chậm so với phương án phê duyệt, một phần do công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tổ chức tái định cư, phương án công nghệ mất nhiều thời gian để tối ưu hóa hiệu quả.