Doanh nghiệp
Lọc hóa dầu Dung Quất: Song hành cổ phần hóa và triển khai giai đoạn 2
Nguyên Phương - 17/01/2016 08:32
Năm 2015, Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã về đích trước kế hoạch 54 ngày; doanh thu cả năm đạt hơn 95 nghìn tỷ đồng. Năm nay, BSR bước vào “chặng đua” mới với cả 2 “đường chạy” quyết định cho tương lai phát triển là Cổ phần hóa BSR và Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Đa dạng đối tác cổ phần hóa

“Không phải chờ đến bây giờ, khi có quyết định của PVN, việc Cổ phần hóa BSR mới được tiến hành, mà từ cuối năm 2009 đầu năm 2010, dự báo được tương lai phát triển, tập thể lãnh đạo BSR đã có những chuẩn bị, đề xuất và kiến nghị lên PVN, Bộ Công thương và Chính phủ về việc CPH Nhà máy lọc dầu Dung Quất”- Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR Nguyễn Hoài Giang thông tin về tiến độ cổ phần hóa Công ty.

Theo ông Giang, từ năm 2010, Chính phủ đã có chủ trương kêu gọi các đối tác nước ngoài mua cổ phần của BSR nhằm thu hồi lại một phần vốn của nhà nước phục vụ cho các dự án, đặc biệt là nguồn vốn Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn như BSR, đòi hỏi các đối tác tham gia phải là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ và nhân lực mạnh. Vì vậy, đến nay, dù nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Venezuela, Nga... đã tiếp xúc với ý định tham gia CPH nhưng chỉ mới dừng ở mức độ trao đổi thông tin và có những cam kết ở mức vừa phải, chưa thực sự đạt được những bước tiến sâu hơn về việc xác định đối tác chiến lược cho nhà máy.

Một tin không vui vào những ngày đầu năm 2016 khi mà đối tác GazProm Neft (Nga) – đối tác được xem là chiến lược tham gia CPH BSR thời gian qua và có dự định mua 49% cổ phần của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã thông tin không tiếp tục tham gia nữa. Xác nhận thông tin trên, ông Nguyễn Hoài Giang cho rằng: “Dù chưa tuyên bố chính thức nhưng có thể nói 99% là GazProm Neft  không tham gia vì không có tiền do giá dầu thế giới hạ quá thấp”.

Theo ông Giang, việc GazProm Neft rút lui không gây ảnh hưởng đến trình CPH BSR. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đối tác phải xem xét và cân nhắc lại. Trước đây, BSR chủ yếu tìm kiếm đối tác nước ngoài. Bây giờ sẽ đa dạng hóa nhà đầu tư bằng việc cùng lúc tìm đối tác cả trong và ngoài nước; cả doanh nghiệp lẫn Ngân hàng...

Để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia CPH, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đúng tiến độ cuối năm 2017 sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu ra thị trường, BSR đang tìm nhà tư vấn CPH để xác định bao nhiêu % cho các nhà đầu tư trong nước, bao nhiêu % cho đối tác nước ngoài, bao nhiêu % bán ra thị trường... Việc lựa chọn tư vấn CPH sẽ được đấu thầu công khai, do Bộ Công thương quyết định.

Nhanh chóng nâng cấp, mở rộng

Trưởng ban Quản lý Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Nguyễn Việt Thắng cho biết, Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất đang được BSR tích cực triển khai theo kế hoạch đề ra.

Trước đó, cuối tháng 8-2015, BSR đã ký kết Hợp đồng Tư vấn lập thiết kế tổng thể (FEED) cho Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện các công tác thiết kế chi tiết, mua sắm, lắp đặt máy móc thiết bị, xây dựng nâng cấp mở rộng Nhà máy sau này.

Tiếp theo, hạ tuần tháng 9-2015, BSR đã ký kết Hợp đồng Tư vấn giám sát FEED với Liên danh Quad và Công ty TNHH Giác Thành để đảm nhiệm vai trò hỗ trợ công tác giám sát lập thiết kế tổng thể...

Ngày 12 và 13/10/2015, tại Anh Quốc, lãnh đạo PVN, Công ty BSR đã tổ chức họp để khởi động Dự án với Công ty Amec Foster Wheeler Energy Limited với các mục tiêu chính của dự án như: Tối ưu hóa cấu hình và công suất nhà máy; Chiến lược hợp đồng cho giai đoạn lựa chọn nhà bản quyền công nghệ; huy động nhân sự cho dự án.

Về phía tỉnh Quảng Ngãi, PVN và BSR đã tiến hành nhiều buổi làm việc để tập trung giải quyết 3 vấn đề chính, gồm: Tiểu dự án bồi thường, tái định cư, Công tác an sinh xã hội ... Hiện có 6 phương án bồi thường ở 4 vị trí mở rộng nhà máy và 2 khu khác là Khu nghĩa địa Bình Trị và Khu tái định cư đã được lựa chọn xây dựng...

Sau hơn 7 tháng kể từ thời điểm phát hành Hồ sơ mời thầu của gói thầu Tư vấn lập thiết kế tổng thể FEED, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, bắt đầu chi trả tiền đền bù.

Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD, sau khi hoàn thành sẽ nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm hiện nay lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày. Dự kiến, năm 2022 sẽ đưa nhà máy hoàn thiện vào vận hành, sản xuất, đáp ứng 55-60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Tin liên quan
Tin khác