HĐQT CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa thông qua nghị quyết giải thể công ty con - CTCP Lộc Trời Miền Bắc và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Giống Cây Trồng Lộc Trời.
Cụ thể, LTG sẽ giải thể CTCP Lộc Trời Miền Bắc, công ty con do LTG nắm giữ 99,98% vốn điều lệ. Công ty con này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh thuốc trừ sâu, phân bón và gạo với vốn điều lệ hơn 6,7 tỷ đồng. LTG trích dự phòng đầu tư hơn 5,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, LTG cũng thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Giống Cây Trồng Lộc Trời - một trong số các công ty con của LTG, có vốn điều lệ 56 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của LTG là 99,9%.
Số lượng LTG sẽ chuyển nhượng gần 5,6 triệu cổ phiếu với giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá 10,000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, LTG sẽ thu về gần 56 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2022.
Đối tượng nhận chuyển nhượng là CTCP Nông sản Lộc Trời - một công ty con của LTG với vốn điều lệ gần 112 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 99,99%. LTG đang dự phòng gần 100 tỷ đồng với khoản đầu tư tại đây.
Ngay trong năm 2021, LTG đã chuyển nhượng vốn 5 công ty con là Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng (vốn điều lệ 60 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Hưng (vốn điều lệ 60 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình (vốn điều lệ 120 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (vốn điều lệ 60 tỷ đồng).
Tính đến cuối quý II/2022, LTG có tổng cộng 21 công ty con và 1 công ty liên kết, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và bán buôn gạo, kinh doanh thuốc trừ sâu, nông sản, kho bãi…
Sản phẩm gạo của Lộc Trời được xuất khẩu đi các thị thường xuất khẩu khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia... |
Cần phải nhắc lại, LTG là nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ có thương hiệu tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. LTG sở hữu chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và sản phẩm hữu cơ, đến chế biến và xây dựng thương hiệu nông sản, kết nối tín dụng cho chuỗi sản xuất và hoạt động xuất khẩu.
LTG giữ vị thế là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam với quy mô trên 80.000 tấn gạo/năm, chủ yếu xuất khẩu sang những thị trường lớn như châu Âu, Đông Nam Á.
Tuy nhiên, do chi phí đầu vào tăng mạnh và tình hình chiến sự phức tạp dẫn tới những vấn đề về an ninh lương thực thế giới nên LTG tiếp tục báo lỗ trong quý II/2022.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của LTG ghi nhận doanh thu tăng 30% lên 3.547 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn 34% nên lợi nhuận gộp tăng 6% đạt 372 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,83% xuống 10,48%. Theo đó, chi phí tài chính gấp đôi lên 116 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 31% lên 239 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 17% lên 88 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng cao do LTG lỗ chênh lệch tỷ giá lớn trong chi phí bán hàng tăng do chi phí vận chuyển và xuất khẩu tăng. Biên lợi nhuận gộp giảm cùng chi phí tăng đã khiến LTG lỗ 46 tỷ đồng quý II, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 47 tỷ đồng. Quý I/2021, LTG lỗ 38 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng 15% lên 5.893 tỷ đồng, lãi ròng của LTG giảm 40% xuống 138 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng lương thực ghi nhận tăng 47% lên 3.390 tỷ đồng và đóng góp đến 57% tổng doanh thu. Các mảng như thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, bao bì của Tập đoàn đều giảm mạnh.
Tuy nhiên, mảng lương thực biên lợi nhuận gộp mỏng hơn 2,4%, chỉ đem về 83 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Mảng thuốc bảo vệ thực vật có biên lợi nhuận gần 37% và hạt giống cây trồng đạt 25,8%.
Tại thời điểm cuối quý II/2022, LTG giảm mạnh khoản tiền và tương đương tiền từ 1.799 tỷ đồng xuống 766 tỷ đồng. Song, khoản phải thu ngắn hạn hơn gấp đôi, chủ yếu tăng trong phải thu ngắn hạn khách hàng.
Hàng tồn kho của LTG cũng tăng từ 2.368 tỷ đồng lên 2.874 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy, LTG tăng vay nợ ngắn hạn từ 3.579 tỷ đồng lên 4.600 tỷ đồng, vay nợ dài hạn duy trì ở mức 58 tỷ đồng. Tổng nợ vay của doanh nghiệp tăng thêm hơn 1.030 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,6.