Tiềm lực của Lộc Trời
Lộc Trời là một cái tên có vẻ khá mới với thị trường, tuy nhiên, xét về nguồn gốc, đây vốn là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang chuyên sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ về hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học, sản xuất và kinh doanh lúa gạo, cà phê, cây ăn quả.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2017, Lộc Trời đặt mục tiêu doanh thu thuần lên tới 8.287 tỷ đồng. Ảnh: S.T |
Cuối năm 2016, tập đoàn này đã nhận được hợp tác từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) mở rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn và tập quán canh tác nông nghiệp bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn. Theo đó, trong 2 năm tới, IFC sẽ hỗ trợ Lộc Trời thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn và thông lệ canh tác của Tổ chức Lúa gạo bền vững (SRP), một tổ chức hợp tác đa phương, nhằm tăng cường sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững ở từng nông hộ cũng như xuyên suốt chuỗi giá trị lúa gạo.
Tiếp đó, hồi tháng 5/2017, Lộc Trời ký kết Dự án Hợp tác sản xuất và thương mại với Công ty Viên Thị Hồ Nam (Trung Quốc). Theo nội dung hợp tác, các bên sẽ cùng nhau thành lập hai công ty liên doanh, với tổng vốn điều lệ ban đầu 10 triệu USD bao gồm: Công ty liên doanh Giống và Công ty liên doanh Thương mại nông sản.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tuy nguồn vốn đầu tư ban đầu của dự án này còn ít, nhưng tiềm năng và cơ hội phát triển cho Công ty trong giai đoạn tới là rất lớn. Ngoài ra, theo ông Thòn, Lộc Trời cũng đang hợp tác thực hiện một số dự án trong lĩnh vực nông nghiệp với một số nhà đầu tư lớn như Thaco, Hoàng Anh Gia Lai…
Việc liên tục bắt tay với các đối tác lớn cho thấy, tham vọng của đại gia ngành nông nghiệp là không hề nhỏ. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2017, Lộc Trời cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần lên tới 8.287 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 460 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm trước.
Mục tiêu lớn là vậy, nhưng con đường phía trước của đại gia này không hoàn toàn bằng phẳng. Ngay trong những tháng đầu năm 2017, kết quả kinh doanh của Lộc Trời không như giới đầu tư kỳ vọng. Quý I/2017, Lộc Trời chỉ đạt mức doanh thu 1.657 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 1.831 tỷ đồng doanh thu quý I/2016. Lợi nhuận sau thuế của Công ty cũng giảm từ mức 89 tỷ đồng quý I/2016 xuống chỉ còn 78,7 tỷ đồng trong quý I/2017.
Ngoài ra, một số chỉ số tài chính cũng đặt ra những áp lực không nhỏ cho đại gia này trong việc cân đối các nguồn tiền giai đoạn tới. Chẳng hạn, Công ty đang có khoản dự phòng các khoản phải thu khó đòi đến ngày 31/3/2017 là 136 tỷ đồng; tăng/giảm các khoản phải trả trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong quý I/2017 âm khá lớn (-855 tỷ đồng).
Khuấy động nhóm cổ phiếu nông nghiệp
Tuy vẫn còn phải có những giải pháp mạnh tay trong việc cơ cấu hoạt động tài chính, nhưng rõ ràng Lộc Trời vẫn là một thế lực lớn và khi đại gia này lên sàn, đó cũng sẽ là một mối đe dọa hút bớt dòng tiền, cạnh tranh nhà đầu tư với các cổ phiếu nông nghiệp khác trên sàn.
Xét về quy mô, Tập đoàn Lộc Trời có vốn điều lệ 672 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu rất lớn với gần 2.300 tỷ đồng. Quy mô vốn điều lệ của Lộc Trời chỉ bằng 2/3 so với đại gia đình đám khác trên sàn là Công ty cổ phần PAN (mã PAN), nhưng quy mô vốn chủ sở hữu của Lộc Trời không nhỏ hơn nhiều so với PAN. Còn so với một đại gia khác là Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương - Vinaseed (mã NSC), Lộc Trời lại có vẻ nhỉnh hơn về quy mô, bởi Vinaseed chỉ có quy mô vốn điều lệ 153 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.000 tỷ đồng.
Về giá cổ phiếu, thị giá của PAN đang ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu và NSC dao động quanh mức 110.000 đồng/cổ phiếu. Khi Lộc Trời góp mặt trên sàn, sự lựa chọn của nhà đầu tư sẽ còn phụ thuộc vào quan điểm đầu tư dựa trên cân nhắc thế mạnh và lợi thế của từng công ty. Tuy nhiên, nếu nhìn lướt qua giá trị dựa trên tài sản hữu hình, thì khả năng thị giá của cổ phiếu Lộc Trời khi lên sàn sẽ khó thấp hơn PAN, nhưng khó có thể vượt mặt được cổ phiếu NSC của Vinaseed.