Thực tế cho thấy, vừa qua, mỗi cơ sở y tế đều có sổ khám bệnh riêng. Bệnh nhân tới khám bệnh phải mua một cuốn, thậm chí mỗi lần khám là phải mua sổ mới vì thất lạc sổ cũ.
Bỏ bệnh án giấy, thay bằng bệnh án điện tử là mong mỏi của nhiều bệnh nhân mỗi khi phải tới cơ sở y tế. |
Có những người còn sở hữu vài ba cuốn sổ khám bệnh. Tại nhiều bệnh viện, khi phải làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân phải chầu chực tại các nơi xét nghiệm chờ lấy từng kết quả đem về cho bác sĩ đọc.
Tại Bệnh viện Sản- Nhi Bắc Ninh, khi chưa thực hiện bệnh án điện tử, bình quân mỗi năm phải bố trí khu vực kho để lưu trữ khoảng hơn 30 nghìn bệnh án giấy, dẫn đến nguy cơ không còn diện tích kho chứa.
Trong khi đó, việc sử dụng túi giấy, phim X.quang, CT làm tăng chi phí và phát sinh chất thải nhựa, người bệnh vẫn phải chờ đợi lâu để làm các thủ tục hành chính, do đó làm giảm mức độ hài lòng.
Do vậy, việc triển khai bệnh án điện tử mà ngành Y tế đang triển khai đã đem lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý y tế, cơ sở y tế tới thầy thuốc và bệnh nhân.
Theo đó, các kết quả xét nghiệm sẽ được chuyển theo đường mạng về khoa liên quan và lưu vào cơ sở dữ liệu của bệnh viện để bác sĩ điều trị có thể vào tham khảo.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho hay, cơ quan này đã khảo sát 2 doanh nghiệp chiếm 70% thị phần phim chụp X-quang, cộng hưởng từ, CT thì chi phí để mua phim đã là 3.000 tỷ đồng.
Ước tính tổng chi phí này ở Việt Nam sẽ khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Nếu chuyển tất cả sang sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS) sẽ tiết kiệm được khoản tiền này để chi cho chuyển đổi số trong bệnh viện.
Đồng thời, thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, nâng cao chất lượng chẩn đoán, hội chẩn từ xa, quản lý lưu trữ tốt hơn, chống lạm dụng và kiểm soát chất lượng xét nghiệm.
Về phía cơ sở, theo đại diện Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, cơ sở đã bắt đầu triển khai hệ thống phần mềm thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống quản lí thông tin xét nghiệm (LIS) từ cuối năm 2019.
Tiếp theo đó, bệnh viện đưa vào áp dụng từng bước thanh toán điện tử, chữ ký số, triển khai hệ thống PACS. Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, đơn vị nâng cấp hệ thống, hoàn thành các điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử.
Nói về lợi ích của bệnh án điện tử, đại diện Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh cho hay, khi bệnh án điện tử được triển khai trơn tru, đồng bộ, người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, dễ dàng truy cập và kiểm tra thông tin sức khỏe đồng thời giảm thời gian chờ khám, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Đối với nhân viên y tế, việc truy cập trở nên nhanh chóng và chi tiết về dữ liệu hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị, giảm bớt sai sót chuyên môn thông qua các tính năng hỗ trợ ra quyết định, tinh giảm các quy trình làm việc lâm sàng, từ đó tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, bệnh viện sẽ tiết kiệm được chi phí in ấn, không gian lưu trữ hồ sơ, bệnh án.
Một cơ sở khác, người bệnh cũng đang được hưởng lợi từ việc thực hiện bệnh án điện tử. Mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh có khoảng 1.200 người đến khám bệnh, đồng thời điều trị nội trú cho khoảng 1.100 bệnh nhân.
Tuy nhiên, nhờ việc thực hiện quy trình bệnh án điện tử, đã giúp người đến khám, chữa bệnh nơi đây được nhập dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác.
Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết từ cuối năm 2018, Bệnh viện đã được Bộ Y tế thẩm định và trở thành một trong 10 bệnh viện đầu tiên của cả nước áp dụng bệnh án điện tử.
Hệ thống phần mềm bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa, phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số.
Thông tin về tất cả các lần khám chữa bệnh, chụp, chiếu, mổ... của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử.
Điều này góp phần giảm thiểu sai sót y khoa (do nhập lại, do chữ viết tay); đồng thời rất thuận tiện cho bệnh nhân và kể cả bên BHYT trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh.
Thay vì phải cầm hồ sơ giấy sang bảo hiểm xã hội như trước đây, bệnh viện chỉ cần chuyển hồ sơ điện tử cho bên bảo hiểm xã hội qua phần mềm.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bệnh viện. Các thiết bị, máy sinh ảnh y khoa, máy xét nghiệm... các dịch vụ của bệnh viện đều được kết nối trên hệ thống có áp giá cụ thể theo quy định.
Các phiếu chỉ định xét nghiệm, chỉ định chiếu chụp, mẫu xét nghiệm, trả kết quả... đều được dán mã code (mã phản hồi nhanh).
Qua đó, bác sĩ chỉ cần quét mã là đọc kết quả xét nghiệm, nhìn phim chiếu chụp của bệnh nhân trên hệ thống máy tính.
Điều này giúp bệnh nhân đến khám bệnh không phải ngồi chờ kết quả xét nghiệm để cầm về phòng khám như trước.
Chi phí khám, chữa bệnh cùng được hệ thống tự động tính, đảm bảo độ chính xác cao. Người bệnh hay người nhà bệnh nhân có thể thanh toán bằng thẻ ngân hàng thay vì phải dùng tiền mặt như trước đây.
Trên phạm vi cả nước, thống kê của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho thấy, cả nước có 12/1.400 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, 23 bệnh viện dùng phần mềm để lưu trữ và chuyển tải hình ảnh không cần in phim.
Về lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo Cục Công nghệ thông tin, gồm: Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2023 và giai đoạn 2 từ năm 2024 - 2028.
Giai đoạn 1 đang triển khai với yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Cụ thể, 135 bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt phải triển khai xong trước ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khó khăn lớn trong việc thực hiện bệnh án điện tử vẫn là cơ chế về tài chính, trong đó nhiều bệnh viện chưa có hoặc chưa dám đầu tư vốn ban đầu.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các phần mềm khác nhau, không thể tương thích trong kết nối giữa các tuyến cũng làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân.