Quốc tế
Lợi ích từ khối thương mại lớn nhất thế giới RCEP sau nhiều năm đàm phán
Duy Bắc - 16/11/2020 21:00
Trước RCEP, một số quốc gia tham gia cũng liên kết bởi các hiệp định thương mại tự do song phương nhưng RCEP có thể được xem là một khuôn khổ kết hợp với các hiệp định hiện có.

Đối với Trung Quốc và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai châu Á - RCEP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên kết nối họ. Thuế đối với 86% hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được xóa bỏ. Điều này hứa hẹn những lợi ích lớn cho các nhà sản xuất Nhật Bản, đặc biệt là các nhà cung cấp phụ tùng ô tô.

Việc ký kết được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động của Covid-19. Trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam phục hồi nhanh hơn, nhiều nước châu Á vẫn tiếp tục ghi nhận sự suy giảm kinh tế trong quý III vừa qua. Vì vậy, vào Chủ nhật (15/11), các thành viên đã bày tỏ hy vọng rằng RCEP sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi và thịnh vượng lâu dài của khu vực.

Biểu đồ mô tả các hiệp định thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương

“Việc ký kết hiệp định RCEP là một động lực kịp thời cho triển vọng dài hạn của khu vực. Đó sẽ là một điểm sáng chỉ ra hướng đi phía trước", Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nói với các phóng viên hôm Chủ nhật.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Azmin Ali cho biết trong một tuyên bố: “Không nghi ngờ gì nữa, hiệp định này đại diện cho một cột mốc quan trọng và cấp thiết trong quá trình hội nhập và phục hồi nền kinh tế của 15 bên”.

Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez nói với các phóng viên hôm thứ Bảy (14/11) rằng RCEP “mang lại cơ hội thị trường rộng lớn hơn cho các nhà xuất khẩu và nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi. Ông nói thêm rằng các nước RCEP chiếm hơn 50% thị trường xuất khẩu của Philippines.

Cassey Lee, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore cho biết: “Thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với các thành viên RCEP. Trong khi sự phục hồi kinh tế sẽ chậm đối với nhiều quốc gia, thỏa thuận sẽ mang lại cho các bên ký kết nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn”.

“Điều này sẽ đặt các quốc gia này vào vị thế thuận lợi để tạo đòn bẩy và cùng nhau củng cố sự phục hồi kinh tế của họ trong tương lai”, Ông Lee nói.

Đối với Trung Quốc, RCEP phù hợp với chiến lược kinh tế mới của Chủ tịch Tập Cận Bình là "lưu thông kép" - tái tập trung vào nhu cầu trong nước đồng thời tận dụng lợi thế của thương mại và đầu tư nước ngoài.

Các quan chức Trung Quốc đã thúc đẩy các thỏa thuận đa phương trong vài tháng qua, được minh họa bằng một số cuộc gặp cấp cao, cả thực tế và ảo. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ mở cửa hơn nữa thương mại và đầu tư vì nước này đặt mục tiêu trở thành "quốc gia có thu nhập cao" vào năm 2025 và một nền kinh tế phát triển vừa phải vào năm 2035.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục giảm danh sách tiêu cực ngăn cản tiếp cận đầu tư nước ngoài", Qian Keming, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, phát biểu tại một diễn đàn hôm thứ Năm (12/11).

 Ông cũng nói rằng các công ty đa quốc gia sẽ được khuyến khích tham gia vào các lĩnh vực công nghệ cao và các dự án phát triển ở các khu vực miền trung và miền tây kém phát triển của Trung Quốc.

Biểu đồ thể hiện quy mô của RCEP so với CPTPP

Không có Ấn Độ, Trung Quốc là nước tham gia RCEP lớn nhất cho đến nay, cả về GDP và dân số. Do đó, Trung Quốc có vẻ như đã sẵn sàng để nắm được nhiều ảnh hưởng trong khối.

Một nguồn tin ngoại giao ASEAN giấu tên cho biết: “Ban đầu, Nhật Bản nói rằng họ không muốn ký nếu không có Ấn Độ ở đó vì RCEP trở nên quá chi phối Trung Quốc nếu không có Ấn Độ. Nhưng bây giờ họ tham gia, bởi vì không có sự lựa chọn”.

15 thành viên chính thức để ngỏ cánh cửa cho Ấn Độ tham gia sau đó. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tại cuộc họp RCEP hôm Chủ nhật (15/11) rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực đưa quốc gia Nam Á này phát triển.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng việc ký kết mới chỉ là bước khởi đầu, đồng thời cho biết thêm rằng các thành viên vẫn phải nỗ lực để thực hiện thỏa thuận. “Điều này cũng đòi hỏi cam kết chính trị ở cấp cao nhất. Đối với Indonesia, chúng tôi vẫn mở ra cơ hội cho các nước trong khu vực tham gia hiệp định RCEP này”.

Tin liên quan
Tin khác