Eximbank cho biết, kết thúc năm 2021, tổng tài sản năm ngân hàng đạt 166.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, dư nợ cấp tín dụng của Eximbank năm qua đạt 115.790 tỷ đồng, tăng đến 13% so cùng kỳ năm 2020. Theo lãnh đạo Eximbank, sở dĩ tín dụng của Ngân hàng tăng cao trong quý cuối năm 2021 là do nhu cầu vốn của khách hàng tăng.
Eximbank đã hai lần trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin nới room và được cấp thêm 2 lần tổng cộng lên 13% so với room được duyệt đầu năm qua là 6,5%.
Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%. Sở dĩ nợ xấu của Eximbank vẫn ở mức dưới 2% do sau khi mua lại nợ xấu từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC), ngân hàng chưa thể xử lý, thu hồi được nợ.
Theo lãnh đạo Eximbank do trong năm qua ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4 nên Ngân hàng chưa xử lý và thu hồi được các khoản nợ xấu này.
Vì thế, các khoản dự phòng chưa thể hoàn nhập nên lợi nhuận của Eximbank năm 2021 chỉ đạt mức 1.100 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của Eximbank khoảng 2.400 tỷ đồng.
Kết quả đạt được trong năm 2021 và chỉ tiêu kinh doanh dự kiến 2022 của Eximbank. Nguồn: Eximbank
Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.
Trước đó, Eximbank bất ngờ giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận 2021 ngay sát giờ chốt sổ. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế mục tiêu cả năm được điều chỉnh giảm xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu và giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.
Chỉ tiêu tổng tài sản hạ 5,6% xuống còn 167.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) giảm nhẹ 1% xuống 115.790 tỷ đồng. Chỉ tiêu huy động vốn giảm 5,7% xuống 139.500 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank mới lãi trước thuế hơn 966 tỷ đồng, tương đương 74% kế hoạch mới điều chỉnh. Mục tiêu tổng tài sản tại thời điểm 30/9/2021 thực hiện được 97,3%.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2021, Eximbank là nhà băng duy nhất trên sàn chứng khoán có lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái do ngân hàng đã mạnh tay nâng chi phí trích lập dự phòng trong kỳ lên 504 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Eximbank lại nằm trong số ít các ngân hàng có chất lượng cho vay cải thiện. Cụ thể, trong ba quý đầu năm 2021, dư nợ xấu đã giảm 9,3% xuống còn 2.299 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,52% xuống 2,18%.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2021, Hội đồng quản trị Eximbank đã có Nghị quyết thông qua đề xuất của ban điều hành về kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Trong đó, ngân hàng đề ra mục tiêu tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu EIB của Eximbank chốt phiên ngày 21/1 ở mức 33.400 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ trong tuần qua, nhưng tăng hơn 22% trong một tháng vừa rồi.