Ngân hàng
Eximbank lại lên kế hoạch ĐHĐCĐ bầu nhân sự vào Hội đồng quản trị
T.V - 11/11/2021 16:28
Eximbank (EIB) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/3/2022 để tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

HĐQT Eximbank vừa có thông báo đến cổ đông, ngày 24/11 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Số lượng nhân sự HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập. Trong khi số lượng nhân sự Ban kiểm soát dự kiến bầu là 3 thành viên.

Thời gian Eximbank gửi thông báo cho cổ đông về việc đề cử nhân sự dự kiến được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) là ngày 30/11/2021. Sau đó, Eximbank trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022.

Dự kiến, Ngân hàng tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/3/2022 để tiến hành bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát.

Tuy nhiên, đến nay, Eximbank vẫn chưa thể tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2020 sau nhiều lần hủy do không đủ tỷ lệ để tiến hành họp đại hội và ảnh hưởng dịch bệnh.

Với ĐHĐCĐ thường niên 2021, trước đó, Eximbank đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần 1 vào ngày 17/4/2021. Tuy nhiên, cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành do không đủ túc số cổ đông tham dự.

Sau đó, Eximbank dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần thứ hai vào ngày 29/7/2021 và ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 30/07/2021 tại Hà Nội.

Nhưng gần tới ngày tổ chức, Eximbank ra thông báo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sẽ dời cả hai cuộc họp này sang thời điểm thích hợp khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

Gần đây, giá cổ phiếu EIB của Eximbank bật tăng khoảng 16% kể từ đầu tháng 11/2021 và là mã có tỷ suất sinh lời cao nhất nhì nhóm cổ phiếu "vua" trong một tháng trở lại đây. Thanh khoản của EIB cũng tăng đột biến khi gấp 2 - 3 lần giai đoạn trước đó.

Ngoài giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận tại cổ phiếu EIB cũng diễn ra sôi động trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có hơn 356 triệu cổ phiếu EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị đạt xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Thị trường xuất hiện tin đồng cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC (Nhật Bản) sẽ chuyển nhượng 15% cổ phần tại EIB cho một đối tác trong nước là DOJI. Tuy nhiên, phía DOJI đã bác bỏ thông tin mua lại 15% cổ phần EIB từ SMBC.

Về SMBC, định chế tài chính đến từ Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu không còn mặn mà đối với cuộc chiến vương quyền chưa có hồi kết tại Eximbank.

SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong HĐQT vào cuối năm 2019.

Sau 13 năm trở thành công đông chiến lược nước ngoài và gắn bó với Eximbank, SMBC đã không đạt được kỳ vọng, do nhiều năm nhà băng này không thể chia cổ tức do thua lỗ, nợ xấu tăng và giữa các nhóm cổ đông lớn trong nước không tìm được tiếng nói chung.

Trước động thái được cho là thoái lui của SMBC khỏi Eximbank, VPBank trở thành cái tên được chú ý khi cho rằng, SMBC sẽ thoái vốn tại Eximbank để chuyển sang hợp tác với VPBank.

Đáng chú ý khi VPBank khóa "room"’ ngoại ở mức 15% để chuẩn bị chào bán cổ phần riêng lẻ. Mặc dù chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược nhưng VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới.

Mới đây, VPBank đã thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC. Đồng thời, cuối tháng 10/2021, VPBank nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD.

Eximbank báo lãi trước thuế 3 quý đầu năm 2021, giảm 12% so cùng kỳ, chỉ còn hơn 966 tỷ đồng. Một phần do ngân hàng dành gần 503 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 88% so cùng kỳ năm trước.

Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho cả năm nay ở mức 2.150 tỷ đồng (kế hoạch này chưa được ĐHĐCĐ thông qua, vì Eximbank chưa thể tiến hành thành công ĐHĐCĐ thường niên 2020 và 2021) thì Eximbank mới thực hiện được 45% sau 3 quý đầu năm.

Tính đến hết tháng 9/2021, tổng tài sản Eximbank đạt 162.526 tỷ đồng, gần bằng mức đầu năm nay. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 4%, đạt 105.246 tỷ đồng; tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 61%, đạt 6.288 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 17%, còn 26.804 tỷ đồng…

Về phần nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng cũng tăng 4%, ghi nhận 139.779 tỷ đồng. Còn tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh 65%, chỉ còn 1.993 tỷ đồng.

Nhưng điểm sáng tại Eximbank trong 9 tháng đầu năm nay là chất lượng nợ được cải thiện. Tổng nợ xấu của Eximbank tại ngày 30/09/2021 chỉ còn 2.299 tỷ đồng, giảm 9% so đầu năm.

Cơ cấu nợ xấu dịch chuyển từ nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn phải trích lập 100%) sang nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm từ mức 2,52% đầu năm xuống còn 2,18% đến cuối tháng 9/2021.

Giá cổ phiếu EIB của Eximbank trên thị trường chứng khoán đứng ở mức 26.400 đồng/cổ phiếu đóng phiên ngày 11/11.

Tin liên quan
Tin khác