Ngân hàng - Bảo hiểm
Lợi nhuận ngân hàng sớm bứt phá
Thùy Vinh - 15/04/2022 08:05
Tín dụng cải thiện tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng. Lợi nhuận dự báo tăng trong quý I cũng như cả năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, nối lại chuỗi cung ứng.
Nhiều ngân hàng đã có lãi lớn trong quý đầu năm 2022. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều nhà băng lãi khủng quý đầu năm

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, trong quý I, lợi nhuận hợp nhất của ACB khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Cụ thể, tín dụng đến hết quý I/2022 tăng 5,2% so với đầu năm, huy động tăng 1,6%. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đạt 27% tại thời điểm cuối quý I/2022. Mảng dịch vụ và bảo hiểm đều tăng trưởng tốt. Thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) dẫn đầu thị trường.

Hiện tỷ lệ CASA của Ngân hàng khoảng 24%, với lợi thế về ngân hàng số, mục tiêu cuối năm CASA khoảng 28 - 29% là khả thi. Trong năm nay, Ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16% (đầu năm NHNN giao chỉ tiêu 10%), phí dịch vụ, bancassurance tăng trưởng tốt. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,74%, bao phủ nợ xấu khoảng 200%.

Theo ông Từ Tiến Phát, nếu tình hình khả quan, thì khoản này sẽ hoàn nhập và tạo ra một khoản thu nhập bất thường cho ACB trong năm nay. Kế hoạch năm 2022 đã được Đại hội cổ đông thông qua, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558.187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021.

Còn với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank), dự kiến lợi nhuận hợp nhất quý I/2022 sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ đồng và con số thực hiện trong 2 tháng đã bám sát mục tiêu này. Năm nay MB Bank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-35%, phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp với con số kế hoạch lợi nhuận đạt 19.800 tỷ đồng.

Các công ty con trực thuộc MB Bank cũng kỳ vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2022. MCredit ước lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021; MBS lãi 1.100 tỷ đồng, tăng 49%. SSI ước tính, năm nay, lợi nhuận trước thuế của MB Bank sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng. NIM khá ổn định ở mức 5,1%; CASA trung bình mức 42-44%.

Lãnh đạo Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, lãi quý I/2022 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24-25% so cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm. 5 năm tới, VIB đặt mục tiêu ghi nhận mỗi tháng ít nhất 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Kế hoạch năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm 2021; tài sản 402.500 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước...

Đáng chú ý hơn cả là Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) lãi hơn 11.000 tỷ đồng trong quý I/2022, gấp gần 3 lần cùng kỳ. 

Tăng trưởng tín dụng khả quan

Nhờ các hoạt động sản xuất cải thiện nhanh chóng, xuất khẩu đạt mức kỷ lục và khu vực dịch vụ, trong đó có cả du lịch, hàng không... cũng bắt đầu hồi phục mạnh mẽ, là yếu tố giúp lợi nhuận các nhà băng tăng trưởng. Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến cuối quý I/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,04%, gấp 4 lần mức tăng quý I/2021.

Số liệu tại các ngân hàng cho thấy, tăng trưởng tín dụng theo hướng tích cực quý đầu năm nay. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của MB Bank tính đến thời điểm hiện tại ước đạt khoảng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MB Bank cho hay, MB Bank đã được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Trong năm 2022, MB Bank có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến.

Theo đánh giá của HĐQT ACB, hoạt động năm 2022 mặc dù khó khăn hơn, nhưng vẫn có cơ hội, xuất phát từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước sẽ đi lên nhanh hơn. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý II, nên đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn. Việc quản trị và điều hành để vừa tiết giảm hợp lý chi phí vốn, vừa bảo đảm thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là vấn đề mà các ngân hàng sẽ đối diện thường trực trong năm 2022.

Dữ liệu cho thấy, sự phục hồi rõ nét nhu cầu tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi sức, hấp thu vốn mạnh hơn. Dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM khá tích cực trong 3 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, 3 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn ước tăng 3,65% và tăng 13,1% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế. Trong đó, một số lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, khách sạn, nhà hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tín dụng tăng trên 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%; vận tải kho bãi tăng 9,06%; khai khoáng tăng 6% so với cuối năm 2021...

Một nguồn tin từ lãnh đạo VPBank cho hay, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I/2022 của ngân hàng này tăng rất mạnh, đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi lẫn khoản thu nhập bất thường. Với kết quả này, khả năng lợi nhuận cả năm của VPBank sẽ có sự bứt phá rất mạnh, đứng trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thị trường trong năm nay.

Được biết, năm 2022, VPBank đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức kỷ lục 30.000 tỷ đồng và khả năng còn vượt.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo, VPBank là một trong 5 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất quý I/2022, nếu tính cả khoản phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các ngân hàng trong quý I/2022 sẽ đạt từ một đến hai chữ số. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có sự phân hóa giữa các ngân hàng. SSI ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân chỉ đạt khoảng 9-11%. Điều này phần lớn là do VietinBank, Vietcombank có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ 2021.

Các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối tốt, bình quân 25-27% so cùng kỳ. Mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất được kỳ vọng tại SHB, Sacombank, MSB, VPBank và LienVietPostBank.
Tin liên quan
Tin khác