Ngân hàng - Bảo hiểm
Lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn dựa vào tăng trưởng tín dụng
Vân Linh - 25/02/2017 19:46
Nhiều ngân hàng cho rằng, chi phí huy động vốn gia tăng, nhưng lãi suất cho vay khó điều chỉnh tăng theo nên chênh lệch lãi suất trong hoạt động tín dụng ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng.
Năm qua, tất cả các ngân hàng đều có tỷ lệ thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng đạt trên 75% tổng thu nhập

Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây, do phải cạnh tranh lãi suất huy động tiền gửi để có thể hút được vốn nhàn rỗi, trong khi không thể tăng lãi suất đầu ra vì muốn kích cầu tín dụng. Điều này khiến lợi nhuận cận biên giảm.

Để cải thiện hạn chế này, nhiều ngân hàng cho rằng, phải nâng cao doanh thu từ hoạt động phi tín dụng (dịch vụ). Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh được mảng này, nhất là đối với những ngân hàng nhỏ, do thị phần còn hạn chế và tăng trưởng tín dụng khiêm tốn.

Vì vậy, nhiều nhà băng kỳ vọng, tín dụng năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng để cải thiện lợi nhuận. Bởi thực tế, thu nhập của ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng, chiếm 70-80% doanh thu trở lên. Thậm chí, có ngân hàng thu nhập lãi thuần chiếm đến 91% doanh thu.

Về bản chất, lợi nhuận ngân hàng lâu nay vẫn luôn phụ thuộc vào tín dụng, ngay cả với ngân hàng lớn. Thực tế cho thấy, trong năm qua, tất cả các ngân hàng đều có tỷ lệ thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng đạt trên 75% tổng thu nhập.

Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, kết thúc năm 2016, VietinBank đạt tổng lợi nhuận trước thuế 8.530 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2015 và dẫn đầu toàn ngành. Thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt 5.201 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2015, nâng thu nhập lãi thuần lũy kế cả năm lên 22.404 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước, tương ứng tỷ lệ đóng góp vào tổng thu nhập trong năm 2016 đạt 90%.

Thu nhập lãi thuần của Vietcombank năm 2016 đạt trên 18.500 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2015 và chiếm hơn 70% tổng thu nhập cả năm. Vietcombank được xem là ngân hàng có tăng trưởng về doanh thu dịch vụ tốt nhất trong hệ thống ngân hàng trong năm qua.

Tại ACB, năm 2016, thu nhập lãi thuần tăng 17% so với năm trước, đạt 6.891 tỷ đồng, qua đó ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 26,8%, đạt 1.667 tỷ đồng.

VPBank có lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2016 đạt 4.900 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của riêng Ngân hàng mẹ là hơn 3.400 tỷ đồng, tổng thu nhập 2016 cũng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, đạt 15.100 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ đồng so với năm trước. Tín dụng 2016 của VPBank tăng 17,5%.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng vẫn kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ tiếp tục được cải thiện.

Ngược lại, tại Eximbank, trong năm 2016, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 390 tỷ đồng, gần hoàn thành kế hoạch cả năm là 400 tỷ đồng. Theo đánh giá của CTCK TP.HCM (HSC), con số lợi nhuận 2016 của Eximbank là khá thấp so với năng lực và quy mô hiện tại của Ngân hàng.

Nguyên nhân là do mức tăng trưởng của 2 hoạt động chính là cho vay và huy động đều thấp, khiến thu nhập lãi thuần giảm, tỷ lệ lợi nhuận cận biên cũng bị thu hẹp, cho dù thu nhập hoạt động khác tăng và chi phí dự phòng giảm.

HSC cho biết, năm 2016, tín dụng Eximbank chỉ tăng 2,51%, đạt 86.890 tỷ đồng và tăng trưởng cho vay chỉ bắt đầu từ quý IV/2016. Cụ thể, cho vay ngắn hạn tăng 7,58%, đạt 34.020 tỷ đồng; cho vay trung-dài hạn giảm 0,5%, về 52.870 tỷ đồng.

Theo HSC, việc tăng cho vay ngắn hạn và giảm cho vay trung-dài hạn đã ảnh hưởng tới lợi nhuận cận biên của Eximbank, khi con số này giảm xuống còn 2,76% ( tức giảm 0,13% so với năm 2015), do chi phí huy động tăng 0,51% (từ 4,29% lên 4,80%), dẫn đến thu nhập lãi thuần giảm 9,29% so với năm 2015, về còn 3.082 tỷ đồng.

HSC dự báo, năm 2017, mặc dù lợi nhuận trước thuế của Eximbank ước đạt 731 tỷ đồng, tuy nhiên, Ngân hàng vẫn thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận do phải đối mặt với gánh nặng trích lập dự phòng.

Hiện tại, lãi suất huy động dao động quanh mức 6-7,8%/năm. Trong khi đó, với nhiều khoản vốn cho vay, để thu hút được khách hàng, ngân hàng đành “chịu thiệt” khi áp mức lãi suất cạnh tranh 6-6,5%/năm, thậm chí còn thấp hơn đối với khách hàng VIP.

Trong bối cảnh tỷ lệ lợi nhuận cận biên khó tăng do chênh lệch lãi suất tín dụng ngày càng thu hẹp, song nhiều lãnh đạo ngân hàng vẫn kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ tiếp tục được cải thiện, với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu theo hướng thu phí và dịch vụ...

Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Mở TP.HCM cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thu nhập của ngân hàng sẽ vẫn phụ thuộc vào tín dụng, nhất là ở các ngân hàng nhỏ. Mặt khác, thu nhập từ mảng tín dụng tiêu dùng vẫn đóng góp lớn trong tổng thu nhập, đó là lý do khiến các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng như hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác