Sức khỏe doanh nghiệp
Lớn nhanh thần tốc, Thaiholdings tham vọng đầu tư khủng
Thanh Thủy - 27/05/2021 09:32
Sau một năm kể từ khi lên sàn, Công ty cổ phần Thaiholdings đã liên tục khoác những chiếc áo rộng hơn, đi cùng là những tham vọng đầu tư khủng, đặc biệt vào lĩnh vực bất động sản.
Trụ sở Công ty cổ phần Thaiholdings

Soán ngôi vương vốn hóa sàn HNX

Với tỷ lệ tán thành cao, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Thaiholdings (mã THD) mới đây đã phê duyệt phương án chào bán 330 triệu cổ phần THD cho cổ đông hiện hữu. Đợt phát hành dự kiến thực hiện vào quý II - quý III/2021 và có thể mang về số tiền 3.300 tỷ đồng cho Thaiholdings, đồng thời nâng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 6.800 tỷ đồng.

Dù phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên với giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ phát hành tối đa 5% đã bị phủ quyết tới 99,97%, nhưng đợt chào bán cổ phiếu lần này của Thaiholdings nếu thành công vẫn là thương vụ huy động vốn dẫn đầu về quy mô trong năm 2021. Còn so với chính Thaiholdings ở thời điểm tháng 6/2020, khi cổ phiếu THD lần đầu chào sàn, thì vốn điều lệ đã ghi nhận bước nhảy vọt từ 539 tỷ đồng lên mức vốn mới dự kiến cao gấp 12,6 lần.

Cũng chỉ sau một năm, vốn hóa thị trường của Thaiholdings từ 808,5 tỷ đồng đã tăng lên 68.355 tỷ đồng. Con số này vượt qua mức vốn hóa của nhiều ngân hàng, đứng vị trí số một và đóng góp nhiều nhất (18,35%) vào quy mô vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX.

Trên sàn HNX, giá trị giao dịch cổ phiếu THD thời gian gần đây đều quanh mức 200 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương hàng triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Điều này khác hoàn toàn giai đoạn khi cổ phiếu này vừa lên sàn, khối lượng chuyển nhượng mỗi ngày chỉ vài trăm cổ phiếu do lượng bán ra nhỏ giọt.

Có gì trong “chiếc áo mới”?

Tăng trưởng “thần tốc” là điều có thể nói về Thaiholdings khi nhìn vào các con số tài chính thay đổi trong năm qua. Điều này đạt được phần lớn nhờ hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), nhất là từ thương vụ mua lại Thaigroup - doanh nghiệp có quy mô lớn hơn nhiều Thaiholdings.

Quy mô tài sản hợp nhất của Thaiholdings đã gấp 12,3 lần trong năm 2020, lên 10.450 tỷ đồng và tiếp tục đạt 11.158 tỷ đồng đến cuối quý I vừa qua. Chỉ riêng việc hợp nhất Thaigroup đã giúp Công ty có thêm gần 2.010 tỷ đồng là chi phí trả trước khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tòa nhà 210 - Trần Quang Khải (Hà Nội), gần 1.420 tỷ đồng lợi thế kinh doanh quyền thuê đất của Công ty Du lịch Kim Liên hay các tài sản đang đầu tư dở dang như Dự án Cảng Ninh Phúc, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc…

Cũng nhờ thương vụ Thaigroup bán khoản đầu tư Nhà máy Xi măng Thạch Mỹ, thu về chênh lệch 1.124 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất năm 2020 của Thaiholdings đạt 1.277 tỷ đồng, trong khi năm 2019 chỉ đạt hơn 60 tỷ đồng. Dù lãi lớn, doanh nghiệp này vẫn lựa chọn không chia cổ tức hay trích lập các quỹ, để tập trung nguồn lực mở rộng kinh doanh, cân đối dòng tiền và đảm bảo nguồn vốn đối ứng.

Năm 2021, cùng với phương án tăng vốn khủng, Thaiholdings đặt kế hoạch lãi trước thuế 1.700 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020. Công ty tính toán thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt bình quân 3.402 đồng, tỷ lệ cổ tức sẽ không quá 25%.

Chia sẻ về khả năng hoàn thành phương án kinh doanh tham vọng trên, lãnh đạo Thaiholdings cho biết, kinh doanh thực phẩm đông lạnh là nguồn thu chính cho công ty mẹ và đóng góp của các công ty con quan trọng không kém.

“Kế hoạch lợi nhuận trước thuế trên bao gồm 31 tỷ đồng lợi nhuận đến từ Công ty TNHH một thành viên Thaiholdings Hà Nam, 539 tỷ đồng từ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển THD, 187 tỷ đồng đến từ lợi nhuận riêng lẻ của Thaiholdings và 1.080 tỷ đồng đến từ Thaigroup”, ông Phan Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Thaiholdings nêu.

Còn xét theo cơ cấu nguồn thu, gần 1/3 tổng doanh thu kế hoạch (6.890 tỷ đồng) đến từ nguồn thu nhập khác, thường chủ yếu từ các khoản lãi chênh lệch khi chuyển nhượng các khoản đầu tư. Ngay trong quý I vừa qua, trong khi hoạt động kinh doanh chính thua lỗ, việc chuyển nhượng Dự án Xi măng Minh Tâm đã giúp lợi nhuận khác đạt 567 tỷ đồng. Nhờ vậy, Thaiholdings lãi trước thuế 486 tỷ đồng, hoàn thành 28,5% kế hoạch đề ra.

Dòng tiền dồn cho đầu tư

Đầu tư tài chính vốn được xác định là một trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính của Thaiholdings, bên cạnh hoạt động thương mại vật liệu xây dựng, dịch vụ cho thuê bất động sản. Nhưng, việc kiếm lời hay có thêm dòng tiền từ bán tài sản không thể kéo dài mãi.

Thaiholdings đặt ra hàng loạt kế hoạch đầu tư đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn. Riêng với 3 dự án bất động sản mà Công ty theo đuổi trong năm 2021, số tiền đầu tư đã là 4.000 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Cát Linh (Hà Nội) đang trong quá trình xin phép xây dựng và dự kiến quý III/2021 sẽ triển khai xây dựng. Dự án tại Phú Quốc đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và dự kiến tháng 10 sẽ chi trả tiền đền bù. Còn với Dự án tại Khách sạn Kim Liên sau nhiều năm vẫn đứng yên, ông Hùng cho biết, hồ sơ chủ trương đầu tư dự kiến hoàn tất trong quý III/2021.

Số tiền huy động qua kênh phát hành cổ phiếu được sử dụng toàn bộ để đầu tư tài chính. Trong 3.300 tỷ đồng thu được từ phát hành cổ phiếu, Thaiholdings sẽ chi 1.350 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Thaigroup từ 81,6% lên 99,6%. Cùng với đó, 1.600 tỷ đồng được dành để mua 160 triệu cổ phần mới phát hành của chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng phức hợp Enclave Phú Quốc và 350 tỷ đồng để mua 90,05% vốn Thailand - chủ đầu tư hai dự án bất động sản tại Hưng Yên.

Thậm chí, theo lãnh đạo Thaiholdings, mục tiêu đầu tư sẽ không chỉ trong hệ sinh thái Xuân Thủy, Xuân Thành, mà còn ra bên ngoài. Hai doanh nghiệp sản xuất tại Hải Phòng với lợi thế về quỹ đất đang là đích nhắm của Công ty. Tuy nhiên, thương vụ vẫn đang trong giai đoạn đàm phán, cần bảo mật về thông tin.

Để tài trợ cho những tham vọng đầu tư “khủng” trên, việc cân đối dòng tiền là bài toán đau đầu. Thaiholdings đã xin ý kiến cổ đông để thực hiện lựa chọn, ký hợp đồng trong huy động các nguồn vốn tại các ngân hàng lớn uy tín hoặc các tổ chức tín dụng khác để phục vụ việc phát triển dự án, thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Lãnh đạo Công ty cũng đề cập khả năng thực hiện mời gọi và lựa chọn các nhà đầu tư, các đối tác chiến lược để triển khai, hợp tác cùng phát triển Dự án Khách sạn Kim Liên.

Tuy có nhiều thay đổi, vẫn dễ thấy sự đồng lòng trong quyết định của nhà đầu tư nắm giữ cổ phần THD. Bên cạnh 16/17 tờ trình được phê duyệt, tỷ lệ không tán thành ở tờ trình bị phủ quyết liên quan đến phát hành ESOP cũng cao bất ngờ.

Cổ đông lớn duy nhất của Thaiholdings là ông Nguyễn Đức Thụy, với tỷ lệ sở hữu 24,55%. Trong phiên đại hội đầu tiên sau khi Công ty niêm yết, chỉ 25 cổ đông sở hữu/nhận ủy quyền tham dự, nhưng lại đại diện cho tới 91,26% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tin liên quan
Tin khác