Ban Chỉ huy quân sự Long An hỗ trợ hàng thiết yếu cho các địa phương tâm dịch. Ảnh: Báo Long An online |
Do địa bàn tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh với nhiều khu, cụm công nghiệp, Long An hiện là tỉnh có số ca mắc cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, nhằm tăng cường kiểm soát và khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, UBND tỉnh Long An vừa ban hành Kế hoạch số 2759/KH-UBND về việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp trên địa bàn khi quay trở lại sản xuất kinh doanh.
Theo kế hoạch trên, tỉnh Long An đề ra kịch bản, phương án 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giai đoạn 2 khi tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định (sau giãn cách) và giai đoạn 3 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ổn định và bước vào giai đoạn bình thường mới.
Tỉnh cũng quy định đối tượng doanh nghiệp, phạm vi hoạt động, quy định áp dụng cụ thể đối với từng giai đoạn và quy định chung để thực hiện. Trong đó Tỉnh nhấn mạnh, việc thực hiện ở từng giai đoạn sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp theo nhiệm vụ để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra.
Trước đó, từ ngày 13/7, UBND Tỉnh có chủ trương cho doanh nghiệp sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" vừa phòng, chống dịch vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Toàn Tỉnh hiện ghi nhận 828 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" với hơn 48.000 lao động.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Long An: Tính đến 18 giờ 30 ngày 28/8, Tỉnh ghi nhận 21.581 ca mắc Covid-19, điều trị khỏi là 13.960 ca, đang điều trị là 6149 ca, 256 ca tử vong chiếm tỉ lệ 1,18%. Trong tổng số ca mắc Covid-19 thì 5 địa phương trọng điểm (Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước, TP.Tân An) chiếm 93,13% số ca mắc trên toàn Tỉnh.
Đến nay, Tỉnh cơ bản kiểm soát và bảo vệ được "vùng xanh"; từng bước khoanh vùng, sàng lọc từng địa bàn tại "vùng đỏ" nhằm phát hiện và bóc tách hết F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai tiêm vắc-xin nhanh, đúng đối tượng và quy trình, quy định.
Nhìn chung, số ca hàng ngày gần đây có chiều hướng giảm và đi xuống. Đặc biệt, từ ngày 21 đến 27/8 (8 ngày), mặc dù Tỉnh đang đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng nhưng số ca mắc trung bình mỗi ngày giảm xuống còn 442 ca, chủ yếu phát sinh trong các khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa; số ca mắc cộng đồng chỉ chiếm khoảng 20%.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu trong việc hỗ trợ túi an sinh cho người dân cần có sự quan tâm thêm các trẻ em, người già. Đồng thời, chú trọng công tác chăm sóc y tế cho người trong khu vực phong tỏa, khu nhà trọ,… Các địa phương cần thực hiện có hiệu quả Trạm Y tế lưu động; không được để các trường hợp có triệu chứng nặng tại địa phương mà không được xử trí kịp thời. Các địa phương cần có thêm đường dây nóng để hỗ trợ ngay khi người dân cần.
Trong cuộc làm việc với tỉnh Long An về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm của tỉnh vào chiều 24/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ghi nhận những nỗ lực của Long An trong công tác phòng chống dịch thời gian qua và chấp thuận những đề xuất, kiến nghị của Tỉnh.
Phó thủ tướng cho rằng, số ca mắc Covid-19 tại Long An bắt đầu có xu hướng giảm, cho thấy Tỉnh đang dần làm chủ được tình hình kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, địa phương không được chủ quan vì chỉ một sơ suất nhỏ, còn ổ dịch nào cũng sẽ có nguy cơ bùng phát toàn Tỉnh; phải chú trọng công tác xét nghiệm sàng lọc để tách được hết F0 ra khỏi cộng đồng và có sự quản lý chặt chẽ F1. Đồng thời, cần chuẩn bị các thiết bị y tế, máy thở, hệ thống oxy,... để kịp thời cứu chữa người bệnh Covid-19, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.