BCG Long An 1 là dự án năng lượng đầu tiên mà BCG Energy xây dựng. |
Hàng loạt dự án năng lượng tái tạo quy mô
Mới nhất, ngày 10/9, Tập đoàn CS Wind (Hàn Quốc) dưa ra thông báo dự kiến đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thiết bị điện gió với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu dự kiến gần 200 triệu USD tại Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An.
Đây là cú bắt tay giữa “ông ngoại” Hàn Quốc với Tập đoàn Đồng Tâm (Đồng Tâm Group). Theo đó, Đồng Tâm Group và các đơn vị thành viên sẽ cho CS Wind thuê lại 50 ha đất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất, bãi lắp ráp cho các thiết bị tháp gió ngoài khơi, trên bờ, các sản phẩm điện gió như, cọc đơn, các thiết bị chuyển tiếp… và cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Dự kiến, đây sẽ là nhà máy có công suất sản xuất thiết bị điện gió lớn trên thế giới, với tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến lên tới 200 triệu USD. Dự kiến công suất hoạt động lên đến hàng chục ngàn đơn vị mỗi năm, cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng từ 500 đến 4.000 tấn trên mỗi thiết bị. Đặc biệt, 100% thiết bị và phụ kiện giai đoạn đầu xuất nhập thông qua Cảng Quốc tế Long An, ước tính từ 150.000 đến 200.000 tấn/năm.
Vài năm trở lại đây, các dự án năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời cũng phát triển mạnh mẽ tại Long An với hàng chục dự án từ đang xin chủ trương, quy hoạch cho đến đã triển khai, đi vào hoạt động.
Trong đó hiện nay, Long An có 8 nhà máy điện năng lượng mặt trời đã đưa vào hoạt động. Đó là các nhà máy điện năng lượng mặt trời của BCG - Băng Dương tại huyện Thạnh Hóa, quy mô công suất 40,6 MWp; TTC Đức Huệ 1, tại huyện Đức Huệ, quy mô công suất 49 MWp; Europlast tại huyện Đức Huệ, quy mô công suất 50 MWp; Solar Park 1 tại huyện Đức Huệ, quy mô công suất 50 MWp; Solar Park 2 tại huyện Đức Huệ; quy mô công suất 50 MWp; GAIA tại huyện Thạnh Hóa, quy mô công suất 100,5 MWp; Solar Park 03 tại huyện Đức Huệ, quy mô công suất 50 MWp; Solar Park 04 tại huyện Đức Huệ, quy mô công suất 50 MWp.
Đáng kể nhất là 2 dự án BCG Long An 1 và BCG Long An 2 do BCG Energy xây dựng. Trong đó, riêng BCG Long An 1 là dự án năng lượng đầu tiên mà BCG Energy xây dựng, có tổng vốn đầu tư 1.088 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2018, đến tháng 6/2019 hoàn thành và chính thức hòa lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An, được xây dựng tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa.
Đến năm 2019-2020, BCG Energy tiếp tục triển khai và đưa vào khai thác Nhà máy Điện mặt trời BCG Long An 2. Nhà máy có công suất 100,5 MW, tổng vốn đầu tư 96,1 triệu USD, được xây dựng tại huyện Thạnh Hóa. Nhà máy được hưởng giá FIT 7,09 cent/KWh trong 20 năm.
Ngoài ra, Long An cũng phát triển nhiều Dự án Điện mặt trời áp mái tổng công suất hàng trăm MWp, ký hợp đồng với hàng ngàn khách hàng.
Giữa tháng 6/2024, Sở Công thương Long An cũng đã gửi thông báo đến các nhà đầu tư về việc công bố thông tin các dự án nguồn/lưới điện trên địa bàn tỉnh được phê duyệt. Trong đó, nguồn điện mặt trời có dự án Nhà máy Điện Mặt trời TTC Đức Huệ 2 do Công ty cổ phần điện TTC Đức Huệ - Long An làm chủ đầu tư.
Còn với nguồn điện mặt trời áp mái công suất được duyệt tăng thêm giai đoạn 2023 - 2030 là 153 MW.
Tất cả các dự án trên đều nằm trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ và cũng là một phần của quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này thể hiện sự cam kết của tỉnh Long An trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào các dự án năng lượng sạch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiềm năng đi đôi thách thức
Phát biểu tại buổi ký kết thoả thuận giữa CS Wind và Đồng Tâm Group, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, với vị trí thuận lợi, tiếp giáp TP.HCM, trung tâm đô thị năng động phát triển bậc nhất cả nước; là cửa ngõ nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ, có nhiều khu công nghiệp, nhiều dự án đô thị, trung tâm thương mại đã và đang đi vào hoạt động.
Việc Tập đoàn CS Wind lựa chọn Long An để đầu tư không chỉ tạo tiếng vang lớn trong khu vực, góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Long An đến bạn bè quốc tế, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Mà còn cho thấy sự cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, mang lại môi trường đầu tư thật sự công khai - minh bạch.
Thực tế, Long An được đánh giá là địa bàn có tiềm năng kỹ thuật lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời với số giờ nắng trung bình từ 2.350-2.900 giờ, cường độ bức xạ mặt trời từ 4,9-5,1kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện mặt trời.
Đối với điện mặt trời áp mái, mặc dù dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tính toán tỉnh Long An chỉ có tiềm năng kỹ thuật khoảng 1.178MW, song mức tính này thấp hơn nhiều so với tiềm năng của tỉnh. Trong đó, diện tích các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch sau khi rà soát khoảng 15.000 ha.
Nhờ tiềm năng kỹ thuật về điện mặt trời áp mái của tỉnh dự kiến khoảng 10.000 MW. Hiện tại, Công ty Điện lực Long An ký hợp đồng mua bán điện với 2.582 khách hàng đấu nối lưới điện trung, hạ áp với tổng công suất 510,799 MWp.
Là một trong những chủ đầu tư có dự án đi vào hoạt động trên địa bàn Long An, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An Nguyễn Ngọc Nhật từng chia sẻ khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư là theo quy định hiện hành, để đầu tư dự án phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý, nhất là thủ tục đất đai. Việc đưa dự án vào hoạt động phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành Điện, quy hoạch sử dụng đất; trong khi đó, các quy hoạch này phải đồng bộ thì dự án mới đủ điều kiện cấp phép đầu tư, dẫn đến những khó khăn đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời.
Một khó khăn nữa khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi rót vốn là hiện nay, tại nhiều khu vực của Long An vẫn còn các vùng đất bị nhiễm phèn nặng hoặc thường xuyên bị ngập nước với diện tích lớn, nhiều vùng kinh tế của tỉnh còn khó khăn, khả năng kết nối hạ tầng giao thông, tiện ích chưa đầy đủ.