Đầu tư
Long Thành là hướng phát triển đột phá của Đồng Nai
- 21/05/2015 16:49
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh đến khai thác các dịch vụ liên quan đến việc triển khai đầu tư và hoạt động của sân bay quốc tế Long Thành.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhấn mạnh đến khai thác các dịch vụ liên quan đến việc triển khai đầu tư và hoạt động của sân bay quốc tế Long Thành.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, Đồng Nai phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh là 8- 9%/năm, giai đoạn 2020-2025 là 8,5-9,5%/năm.

Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Đồng Nai đạt 5.300 USD - 5.800 USD; cơ cấu GRDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 55 - 56%, dịch vụ chiếm 39,5 - 40,5%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,5 - 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 từ 8% - 10%/năm.

Điều chỉnh một số khâu đột phá phát triển

Theo Quyết định, Đồng Nai sẽ điều chỉnh các khâu đột phá phát triển, trong đó, tăng cường đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư các dự án giao thông kết nối các dự án phát triển cảng biển, cảng hàng không và các dự án đảm bảo an sinh xã hội nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh, đi thẳng vào hiện đại hóa các dịch vụ logistics, dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, đặc biệt là khai thác các dịch vụ liên quan đến việc triển khai đầu tư và hoạt động của sân bay quốc tế Long Thành (nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư) như dịch vụ y tế, đào tạo, dịch vụ vận chuyển, kho bãi, công nghệ thông tin, viễn thông.

Tiếp tục ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế. Đổi mới khâu tuyển dụng, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ công chức gắn với công tác cải cách hành chính và xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử đến năm 2020.

Thực hiện đổi mới đầu tư khu công nghiệp theo mô hình phát triển xanh và đồng bộ: công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trong đó thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường. Các dự án sử dụng nhiều lao động được mời gọi vào các khu công nghiệp ở vùng nông thôn có khả năng sử dụng lao động tại chỗ nhằm giảm áp lực tăng dân số cơ học vào các vùng thành phố.

Từng bước thực hiện xanh hóa sản xuất

Quy hoạch mới cũng điều chỉnh định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, trong đó, về phát triển công nghiệp, xây dựng, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất. Ưu tiên thu hút dự án công nghiệp phục vụ phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí chế tạo, điện- điện tử, chế biến thực phẩm sạch; dự án thân thiện môi trường; dự án công nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển nhiều doanh nghiệp trong nước.

Phát triển các khu công nghiệp theo mô hình phát triển xanh có hạ tầng đồng bộ và dịch vụ thuận tiện phục vụ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và điều kiện sinh hoạt của người lao động, tạo tiền đề phát triển đô thị hóa. Với các khu công nghiệp mới thành lập, tập trung kêu gọi đầu tư theo hướng chuyên ngành để tạo ra chuỗi các dự án có khả năng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với các khu công nghiệp đang hoạt động, xúc tiến kêu gọi đầu tư chiều sâu để nâng giá trị gia tăng các sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường.

Tin liên quan
Tin khác