Viễn thông - Công nghệ
[Longform] Điện toán đám mây “Make in Vietnam” chinh phục thị trường Việt
Hữu Tuấn - 09/11/2023 14:07
Data Center “Make in Vietnam” - “trái tim” của Internet và là “xương sống” của nền kinh tế số - do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, xây dựng, khai thác sẽ là điểm tựa vững chắc để xây dựng một Việt Nam số.
TIN LIÊN QUAN

Data Center “Make in Vietnam” - “trái tim” của Internet và là “xương sống” của nền kinh tế số - do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, xây dựng, khai thác sẽ là điểm tựa vững chắc để xây dựng một Việt Nam số.

Trong hệ sinh thái hạ tầng số, nếu như ví hạ tầng viễn thông như “mạch máu”, thì Trung tâm Dữ liệu (Data Center) được coi là “trái tim” của Internet và là “xương sống” của nền kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, xử lý và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ cung cấp sức mạnh cho thế giới số hiện đại, giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 len lỏi khắp ngõ ngách của cuộc sống. Điện toán đám mây (cloud) được xác định là “hạ tầng của hạ tầng” chuyển đổi số tại Việt Nam, trở thành một trong 10 thị trường Data Center và cloud phát triển nhanh nhất trên thế giới. Việt Nam cũng được xếp hạng là địa điểm quan trọng trong số các thị trường mới nổi để xây dựng Data Centervà dự kiến sẽ đạt quy mô thị trường khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2026.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, xu thế phát triển các dịch vụ điện toán đám mây được công nhận, do đó, dẫn tới sự tăng trưởng đột biến trong lưu lượng dữ liệu. Theo dự báo, thị trường Data Center của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh và đạt mức doanh thu hơn 1 tỷ USD vào năm 2028 từ mức 561 triệu USD năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường đạt 10,68% trong giai đoạn dự báo (2022-2028).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hạ tầng dữ liệu là một bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu. Đầu tư các Data Center là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông sẽ bị thay thế.

“Cứ mỗi 3 năm là dữ liệu thế giới lại tăng gấp đôi. Việt Nam thì tăng nhanh hơn. Việt Nam đang có 39 Data Center loại vừa và nhỏ, tương đương với 15 Data Center của VNPT tại Hoà Lạc. Như vậy, mỗi năm chúng ta phải khánh thành được ít nhất 5 trung tâm như thế này thì mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dữ liệu của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam vẫn chưa có một Data Center lớn nào. Dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của kinh tế số. Sự giàu có của một quốc gia trong tương lai được đo bằng dữ liệu. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. VNPT cũng như các nhà mạng viễn thông khác của Việt Nam phải có tầm nhìn đúng về hạ tầng dữ liệu của một quốc gia.

Nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu đã tạo tiền đề cho các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào Data Center tại Việt Nam. Đó là xu thế phát triển của các dịch vụ đám mây và công nghệ IoT (Internet vạn vật) dẫn đến sự tăng trưởng về lưu lượng dữ liệu và sức mạnh tính toán.

Sự tăng trưởng này của thị trường Data Center, Cloud đang được thúc đẩy bởi quá trình số hóa từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; dân số trẻ với độ hiểu biết cao về kỹ thuật số; công nghệ 5G; nhu cầu tự chủ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; Luật và các Nghị định hỗ trợ phát triển từ Chính phủ, các bộ, ngành và quá trình sử dụng của người dân…

Trong chiến lược xây dựng Hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực Data Center.

Thực tế, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã dịch chuyển từ các hạ tầng Cloud nước ngoài sang các nhà cung cấp nội địa, bởi lợi thế về chi phí hợp lý, đội ngũ hỗ trợ khách hàng luôn thường trực, không gặp rào cản về ngôn ngữ, văn hóa.

 Bộ Thông tin và Truyền thông  đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam thành Trung tâm số (Digital Hub) - nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới.

Theo đó, Việt Nam có các lợi thế về địa lý để trở thành Digital Hub khu vực, đó là: nằm giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, gần các trung tâm phát triển lớn và năng động trong khu vực và trên thế giới, nơi có nhiều nền kinh tế đóng vai trò là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới; nằm trên tuyến đường bộ xuyên Á do Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (Liên hợp quốc) khởi xướng nhằm nối liền tuyến đường cao tốc châu Á, phát triển giao thương đường bộ giữa các nước khu vực châu Á và châu Âu.

Việt Nam cũng nằm trên trục chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng lớn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp.

Với bờ biển dài, có nhiều khu vực thích hợp xây dựng cảng biển, trong đó có nhiều cảng nước sâu, Việt Nam đóng một vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực… Cùng với đó là các yếu tố về nguồn nhân lực, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, số lượng người dùng Internet.

Hiện tại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có 3 Digital Hub là Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản. Để trở thành Digital Hub, Việt Nam cần đáp ứng một số tiêu chí như: vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy, giá cả phải chăng với hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo…

Đồng thời, sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với một số quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia trong cuộc đua giành vị trí trung tâm số tiếp theo trong khu vực. Và để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hạ tầng Internet, hạ tầng số.

Đặc biệt là tập trung phát triển các Data Center “Make in Vietnam” tiêu chuẩn quốc tế, các siêu Data Center, tăng tốc độ xử dữ liệu… Cùng với đó, cần giải quyết các vấn đề tồn tại như sự mất cân bằng giữa băng thông trong nước và quốc tế, phụ thuộc và nền tảng, nội dung quốc tế và vấn đề quản lý, đảm bảo an toàn, toàn vẹn dữ liệu của Internet Việt Nam.

Trong những năm qua, VNPT đã đầu tư, xây dựng hệ thống Data Center phủ rộng khắp ba miền với 8 Data Center đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi số của khách hàng tổ chức chính phủ, doanh nghiệp trong nước.

VNPT đã đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế rộng khắp với 4 tuyến cáp biển quốc tế đang khai thác, một tuyến cáp mới đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng trong quý IV/2023, tổng dung lượng khai thác đạt 28Tbps. Bên cạnh kế hoạch nâng cao lưu lượng kết nối Interntet, VNPT dự kiến sẽ đầu tư hàng ngàn km cáp quang trục và liên tỉnh.

Sở hữu lợi thế giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ cloud đầu tiên ở Việt Nam, VNPT liên tục nghiên cứu, phát triển và hợp tác cùng các tập đoàn công nghệ danh tiếng trên thế giới để mang đến các sản phẩm số chất lượng, hướng tới mọi đối tượng khách hàng.

Trong đó, có thể kể đến các dịch vụ như: máy chủ ảo CloudVNN hợp tác với Cisco trên nền tảng ảo hóa VMware; dịch vụ SmartCloud do đội ngũ chuyên gia của VNPT tự nghiên cứu và phát triển trên nền tảng mã nguồn mở OpenStack; các dịch vụ lưu trữ, sao lưu dự phòng dữ liệu, tưởng lừa bảo mật thế hệ mới giúp các hệ thống của các khách hàng đảm bảo hoạt động bền bỉ, liên tục, an toàn...

Đặc biệt, VNPT đã triển khai hợp tác với Amazon Web Service (AWS), doanh nghiệp sở hữu nền tảng đám mây toàn diện và được ứng dụng rộng rãi nhất trên thế giới. AWS hiện là đối tác trong xây dựng các giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng khối Chính phủ, doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó ưu tiên ứng dụng các nền tảng công nghệ mới hiện đại như Multi-cloud hay Data Lake.

Với sự bắt tay hợp tác cùng AWS, VNPT sẽ sử dụng hạ tầng và dịch vụ toàn diện của AWS để bổ trợ cho hạ tầng hiện có của Tập đoàn, đồng thời mở rộng sử dụng các dịch vụ tính toán, lưu trữ, dữ liệu và bảo mật của AWS để cung cấp tính riêng tư, độ tin cậy và quy mô cho các giải pháp của VNPT.

Bên cạnh đó, thông qua sự kết hợp cùng một trong ba nhà cung cấp dịch vụ cloud hàng đầu thế giới, VNPT kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa đội ngũ công nghệ thông tin của hai đơn vị, tận dụng các công nghệ AWS mới nhất để nâng cao năng lực sáng tạo, phát triển nhanh chóng các sản phẩm và dịch vụ CNTT mới trên nền đám mây, tạo điều kiện cho người dân Việt Nam, các tổ chức và doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

Hiện VNPT là đơn vị sở hữu hạ tầng DataCenter và Internet “khủng” hàng đầu tại Việt Nam với 8 Data Center trên toàn quốc và các IDC vệ tinh tại các tỉnh, thành phố, phục vụ chuyển đổi số tại địa bàn. Với hệ thống hạ tầng được đầu tư hiện đại, VNPT đang là nhà cung cấp dịch vụ Cloud, Data Center “Make in Vietnam” toàn diện nhất, đủ sức đối trọng với những ông lớn công nghệ trên thế giới, mang lại cho người dùng Việt Nam dịch vụ đám mây toàn diện nhất với mức độ an toàn, bảo mật cao, chi phí hợp lý, là đối tác tin cậy đồng hành cùng sự phát triển của chính phủ số, quốc gia số, nền kinh tế số.

Không chỉ cung cấp dịch vụ cho khối Chính phủ, các tổ chức, tập đoàn lớn, các giải pháp hạ tầng và điện toán đám mây VNPT còn là sự lưa chọn tin cậy của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiết kiệm chi phí, nhân lực, tăng hiệu quả và sự linh hoạt.

Khác biệt của các giải pháp VNPT cung cấp  nằm ở chỗ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chủ động xây dựng môi trường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tối ưu, xây dựng hạ tầng điện toán đám mây có quy mô đa dạng tùy thuộc nhu cầu doanh nghiệp mong muốn. Qua đó, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng dịch vụ trên hạ tầng internet doanh nghiệp của VNPT.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể chia sẻ hạ tầng với nhiều dịch vụ hay mở rộng cấu hình tùy theo nhu cầu, với chi phí hợp lý nhất trên thị trường hiện nay. Với những gói cước được thiết kế theo tài nguyên và thời gian sử dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng sở hữu ngay một máy chủ đám mây với đầy đủ tính năng, bảo đảm chất lượng của hệ thống trên nền tảng đám mây.

Sau hơn 20 năm tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng Trung tâm dữ liệu, VNPT đang sở hữu một “hệ sinh thái hệ tầng số và điện toán đám mây” với các sản phẩm đa dạng, linh hoạt phù hợp với mọi nhu cầu của các đối tượng khách hàng tại Việt Nam.

 

Ngày 25/10/2023, VNPT chính thức khai trương IDC thứ 8 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là IDC có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Theo đó, về quy mô, VNPT IDC Hòa Lạc có số lượng tủ racks lớn nhất Việt Nam với 2.000 tủ racks. Trong khi đó, IDC Tân Thuận (TP.HCM) của VNG và IDC Bình Dương của Viettel cùng có quy mô 1.600 tủ racks, cùng xếp thứ 2. Đứng thứ 3 là Data Center Tân Thuận (TP.HCM) của CMC với quy mô 1.200 rack.

Xét về tổng lượng tủ rack, VNPT cũng đang là nhà cung cấp lớn nhất Việt Nam với 4.619 crack, xếp tiếp theo sau là Viettel với 4.000 rack.

Không những thế, VNPT IDC Hòa Lạc là DC có diện tích mặt sàn sử dụng lớn nhất Việt Nam hiện nay với 23.000 m2 sàn. Tiếp theo đó là IDC Tân Thuận (TP.HCM) của VNG với 12.400 m2 và IDC Bình Dương của Viettel và  Data Center Tân Thuận (TP.HCM) của CMC, cùng với 10.000 m2 mặt sàn.

VNPT IDC Hòa Lạc được VNPT đầu tư các công nghệ hiện đại nhất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Theo đó, VNPT IDC Hòa Lạc đã được nhận chứng chỉ Uptime Tier III cho Data Centercả về thiết kế (TCDD) và thiết bị lắp đặt (TCCF), cấp bởi Uptime Institute - hệ thống đánh giá Data Centeruy tín nhất thế giới. Hiện nay, chỉ có rất ít Data Center tại Việt Nam đạt Uptime Tier III cho cả hai tiêu chuẩn trên.

Để đạt được chứng chỉ này, VNPT IDC Hòa Lạc đã đáp ứng về mặt thiết kế và triển khai để đảm bảo tuân thủ 100% về điện năng và công suất làm mát cũng như không bị gián đoạn hoặc giảm công suất thiết kế trong thời gian bảo trì hệ thống.  Đối với chứng chỉ Uptime Tier III về hạ tầng thiết bị (TCCF), toàn bộ thiết bị, máy móc tại Data Center đã được lựa chọn kỹ lưỡng và nhập khẩu từ các hãng sản xuất nổi tiếng trên thế giới. Các thiết bị trong IDC được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng tới từ các nước G7 như: Cummins, Hitachi, Siemens..., với hệ thống làm mát hiện đại, có độ chính xác cao với khả năng điều khiển nhiệt độ chính xác tới từng khu vực, tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Tới đây, VNPT IDC Hòa Lạc sẽ được nhận chứng chỉ về vận hành (TCOS), chứng chỉ đánh giá tính phù hợp của việc vận hành Data Center dựa trên kiểm tra thực tế và bộ quy trình vận hành.

Hơn nữa, VNPT IDC Hòa Lạc còn được trang bị dự phòng 3N/2 đảm bảo vận hành an toàn và liên tục ngay cả khi thực hiện sửa chữa, bảo trì, giúp dịch vụ của khách hàng luôn được liên tục, ổn định và không gặp bất kỳ gián đoạn nào. Đặc biệt, hệ thống giám sát an ninh theo 6 lớp bảo mật từ ngoài vào trong Data Hall của Data Centerđạt tiêu chuẩn quốc tế giúp đảm bảo an toàn dữ liệu của khách hàng ở mức cao nhất.

Trung tâm được điều hành bởi đội ngũ kỹ sư, chuyên gia CNTT được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, hầu hết đã có chứng chỉ chuyên sâu về Data Center như: CDFOM, CDRP, CDMS, CTDC, CCNA, CCNP. Do đó, sử dụng các dịch vụ trung tâm IDC của VNPT, khách hàng hoàn toàn yên tâm với kết nối ổn định, độ tin cậy, bảo mật cao và luôn được hỗ trợ 24/7 tận tình cũng như luôn sẵn sàng tiềm lực để khách hàng mở rộng trong tương lai khi cần.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, VNPT IDC Hòa Lạc là Data Center hiện đại nhất, có quy mô lớn nhất Việt Nam, đáp ứng đầy đủ, đa dạng, hiệu quả các nhu cầu cho khối cơ quan Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác