Doanh nghiệp
Lựa chọn đồng sáng lập để khởi nghiệp như chọn đối tác khi kết hôn
Đức Thọ - 15/12/2022 15:18
Lựa chọn đồng sáng lập để khởi nghiệp được ví như chọn đối tác khi kết hôn, cần sự hòa hợp giữa các bên, thì start-up mới tiến xa được.

Ai cũng biết rằng, khởi nghiệp là một chặng đường gian khổ, thử thách tâm lý và trí thông minh của nhà sáng lập đến cực đại với vô số thăng trầm. Nếu may mắn tìm được người đi cùng, hành trình đó không chắc sẽ bớt khó khăn hơn, nhưng ít nhất không còn cô đơn, bởi nhà sáng lập đã có người cùng “chia ngọt sẽ bùi”, tiếp sức, động viên nhau.

Việc chọn đồng sáng lập nên dựa trên một số tiêu chí cụ thể để đảm bảo các bên đi được với nhau trong dài hạn, tránh sự bất đồng hoặc chia tay quá sớm khiến start-up bị ảnh hưởng.

Thứ nhất, các đồng sáng lập nên có kỹ năng bổ sung cho nhau. Đó là những người sở hữu điểm mạnh có thể bổ sung cho nhà sáng lập chính và ngược lại, có những điểm yếu mà khi tham gia start-up, nhà sáng lập chính có thể giúp họ khắc phục.

Ví dụ, trong một start-up về công nghệ, nếu nhà sáng lập là người am hiểu về kỹ thuật, thì nên tìm đồng sáng lập có kinh nghiệm trong quản lý tài chính, kinh doanh, marketing, xây dựng đội nhóm… Tùy vào kỹ năng của từng người mà start-up nên phân chia vai trò cụ thể của mỗi đồng sáng lập. Càng xác định sớm điều này, start-up càng tìm được định hướng rõ ràng và hạn chế mâu thuẫn phát sinh trong quá trình làm việc của đội ngũ sáng lập.

Thứ hai, tất cả phải chung sứ mệnh và đam mê. Đây là điều kiện hiển nhiên, nhưng một số nhà sáng lập, vì quá nôn nóng tìm người đồng hành, đã bỏ qua yếu tố tiên quyết này. Bên cạnh việc góp vốn, mỗi đồng sáng lập cần đảm bảo rằng, mục tiêu thiết yếu của họ và công ty phải đồng nhất với nhau. Những người sáng lập có chung đam mê sẽ giúp cho công ty phát triển bền vững, đồng lòng vượt qua thử thách trong tương lai. Nếu không cùng đam mê, rất có thể một cá nhân nào đó sẽ rẽ ngang, hoặc bỏ dở giữa chừng, gây nên những xáo trộn cả về vận hành lẫn tài chính cho start-up.

Thứ ba, các đồng sáng lập cần có thái độ tôn trọng lẫn nhau. Nếu sở hữu kỹ năng bổ sung cho nhau là điều kiện cần, thì tôn trọng lẫn nhau là điều kiện đủ để các đồng sáng lập có thể làm việc lâu dài. Trong một đội nhóm, mỗi người sẽ có những trải nghiệm cuộc sống, có những thế mạnh khác nhau, nhưng mấu chốt là phải lắng nghe, tôn trọng nhau để hướng tới mục tiêu chung. Trường hợp mâu thuẫn phát sinh, tất cả cần được chia sẻ quan điểm, vướng mắc một cách thẳng thắn, rõ ràng trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Ngoài ra, đánh giá cao và công nhận sự đóng góp của nhau cũng là cách hữu ích để duy trì sự tôn trọng giữa các đồng sáng lập.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, CEO start-up mỹ phẩm nam Nerman, nhà sáng lập Đặng Thanh Định chia sẻ rằng, khi lựa chọn đồng sáng lập, chủ doanh nghiệp nên tránh những người giống mình, bởi giống nhau có thể sẽ vui, nhưng khó cho việc vận hành công ty. “Lúc đó, tất cả chạy cùng một hướng, không ai biết lúc nào đúng, lúc nào sai và như vậy công ty sẽ rất khó phát triển”, Thanh Định cho biết.

Ngoài ra, những nhà đồng sáng lập nên có thái độ rõ ràng với nhau ngay từ khi bắt đầu thành lập start-up, như mình có gì, đến đây vì điều gì và nếu thành công, mình sẽ được gì… Các nhà sáng lập càng sòng phẳng với nhau ngay từ đầu, thì càng dễ đi lâu dài, bởi theo như CEO Nerman, thà “mất lòng trước, hơn được lòng sau”.         

Tin liên quan
Tin khác