Phiên họp sáng 22/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Do báo cáo thẩm tra được hoàn thành muộn (vì trước đó Ủy ban Kinh tế phải lùi thời gian thẩm tra bởi tài liêụ dự án luật gửi không đúng quy định), nên Ủy ban Thường vụ dành thời gian nghe báo cáo này, không nghe tờ trình (đã được gửi trước đó) như thông lệ.
Theo tờ trình dự án luật, bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 38 điều và bãi bỏ 8 điều.
Tờ trình cho biết, lần sửa đổi này đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như: nhận quyền sử dụng đất tại các khu vực hạn chế theo quy định của pháp luật, không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng .
Dự thảo cũng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai. Phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Làm rõ nội hàm quyền của đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trong quyết định về quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, quyết định chính sách tài chính về đất đai, điều tiết thị trường, điều tiết nguồn thu từ đất, quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất,...
Dự thảo cũng đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết thúc đẩy phát triển; quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng.
Về cơ bản cho thuê đất trả tiền hằng năm, dự thảo Luật đã quy định 2 trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê gồm: Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; sử dụng đất khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đối với các trường hợp còn lại thì Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai, dự thảo luật đã bổ sung quy định chủ đầu tư kết cấu hạ khu công nghiệp có trách nhiệm dành quỹ đất công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường.
Chính phủ cũng cho biết, dự thảo tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Theo đó đã cụ thể các trường hợp thu hồi đất theo tính chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với các dự án mà được trên 80% người có đất thu hồi đồng ý.
Dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất, sửa đổi nguyên tắc giá đất bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.
Chính phủ tách riêng để xin ý kiến 5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến các trường hợp nhà nước thu hồi đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại ; về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Trong 5 vấn đề này, cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại là vấn đề được đặc biệt quan tâm thời gian qua, nhưng quan điểm còn khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đa số ý kiến thống nhất như dự thảo Luật, không quy định nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại nhằm thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch”.
Loại ý kiến thứ hai: đề nghị cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại) nhằm thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.