Tại Đại hội này, Vinalines cũng sẽ phải hoàn thiện bộ máy với việc bổ nhiệm chính thức nhân sự Tổng giám đốc sau khi đã kéo dài việc “giữ” ông Nguyễn Cảnh Tĩnh ở chức vụ quyền Tổng giám đốc ròng rã gần 5 năm. |
Theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines, việc Tổng công ty phải lùi thời gian Đại hội cổ đông lần đầu là hoàn toàn do yếu tố kỹ thuật.
Cụ thể, Thông tư 34/2019/TT- BTC ngày 11/6/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần chính thức có hiệu lực từ ngày 29/7/2019. Vì vậy, Vinalines phải chờ đến ngày thông tư này có hiệu lực để đáp ứng đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 126/2017 của Chính phủ về chuyển DN nhà nước và công ty TNHH MTV do DN đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP.
Như vậy, đây là lần thứ 3 Vinalines phải thay đổi thời gian tổ chức đại hội cổ đông lần đầu để chính thức chuyển sang hoạt động mô hình CTCP. Trước đó, thời điểm dự kiến tổ chức đại hội cổ đông của Vinalines là quý 1/2019 và quý 2/2019 (24/6/2019).
Trước đó, kết quả IPO của Công ty mẹ - Tổng công ty Vinalines đã không đạt được như phương án cổ phần hóa đề ra. Phiên IPO vào 8h30 ngày 5/9/2018 chỉ thu hút tổng cộng 42 nhà đầu tư đăng ký mua với khối lượng 5.439.800 cổ phần, chỉ nhỉnh hơn 1,1% trên tổng số gần 490 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Trong đó các cá nhân đăng ký mua 5.139.800 cổ phiếu, các tổ chức gom 300.000 cổ phiếu. Việc chỉ bán được một lượng cổ phiếu quá nhỏ chắc chắn không giúp Vinalines cải thiện tình hình tài chính và tạo bước ngoặt trong mô hình quản trị doanh nghiệp
“Hiện tại, Vinalines vẫn rất cần sự hỗ trợ từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành liên quan đến tiến trình tái cơ cấu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu đề ra”, lãnh đạo Vinalines cho biết.