Doanh nghiệp
Lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ hai liên tiếp
Thế Hải - 02/10/2023 14:03
Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) mới nhất cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới tháng 9/2023 tăng tháng thứ hai liên tiếp, đặc biệt là từ các nền kinh tế châu Á.
Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 9 gia tăng.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global vừa công bố, đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8.

Với kết quả này, S&P Global đánh giá, các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, nhưng ở mức độ nhỏ.

Khía cạnh tích cực nhất của kỳ khảo sát này là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, và tốc độ tăng gần như ngang bằng với kỳ khảo sát trước.

Một số người trả lời khảo sát cho biết tình trạng tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, đặc biệt là từ các nền kinh tế châu Á, đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng tháng 9 từ nước ngoài là mạnh và đáng kể hơn so với tháng 8.

Hoạt động mua hàng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng và kế hoạch tăng sản lượng trong những tháng tới.

Các kế hoạch tăng trưởng cũng được thể hiện ở dữ liệu về niềm tin kinh doanh khi chỉ số này đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, và mức tăng lần này là cao nhất kể từ tháng 2.

Các công ty dự kiến số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, từ đó sản lượng sẽ tăng. Khoảng 45% số người trả lời khảo sát dự đoán sản lượng sẽ tăng trong một năm tới, trong khi chỉ có 7% có tâm lý bi quan. Mặc dù nhu cầu hàng hóa đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 9, các nhà cung cấp tiếp tục đẩy nhanh hoạt động giao hàng.

Thời gian giao hàng đã được rút ngắn tháng thứ chín liên tiếp, mặc dù mức độ là thấp nhất kể từ tháng 4. Tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm vào cuối quý 3, và đây là lần giảm đầu tiên trong ba tháng của cả hai hạng mục này.

Theo S&P Global, tồn kho hàng thành phẩm đã được sử dụng để đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay: “Bức tranh ngành sản xuất Việt Nam có sự tương phản trong tháng 9. Ở khía cạnh tích cực, các công ty tiếp tục ghi nhận nhu cầu tăng, khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng, khiến niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới tăng. Nếu nhu cầu tiếp tục tăng, tình trạng tăng này sẽ dẫn đến tăng trưởng trong ngành".

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2023 tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất 9 tháng  2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 6,2%...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 đạt 31,41 tỷ USD, dù giảm 4,1% so với tháng trước đó, nhưng ghi nhận là tháng thứ 3 liên tiếp vượt ngưỡng 30 tỷ USD. Lũy kế 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan
Tin khác