Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn, lương tối thiểu vùng hiện thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu của người lao động |
Theo Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn Nguyễn Quang Thọ, cuộc khảo sát được thực hiện với 1.500 công nhân tại 60 doanh nghiệp thuộc đủ các loại hình ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương trung bình của người lao động bao gồm cả các loại phụ cấp và tiền làm thêm giờ năm 2014 mới đạt 3,728 triệu đồng/tháng.
Trong đó, tiền lương trung bình mà người lao động nhận được lần lượt từ vùng I đến vùng IV là: 4,358 – 3,665 – 3,549 và 3,153 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của người lao động (có nuôi con) đã lên tới 4,1 triệu đồng/tháng.
Có tới hơn 13% người lao động cho biết thu nhập không đủ sống, gần 25% phải chi tiêu hết sức tằn tiện và gần 50% cho biết thu nhập chỉ vừa đủ chi trả các sinh hoạt thiết yếu nhất.
Chỉ có 12,3% cho biết có dư dật và tích lũy, nhưng phần lớn trong đó số tiền tích lũy rất nhỏ, chỉ từ 200-500 ngàn đồng/tháng.
Ông Thọ cho biết, cuộc khảo sát này sẽ cung cấp cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam các chỉ số đánh giá về tiền lương và cuộc sống của người lao động, qua đó chuẩn bị đưa ra mức đề xuất mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2015 lên Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Kết quả khảo sát đã cho thấy, sau rất nhiều lần cải cách liên tục trong những năm gần đây, tiền lương tối thiểu vẫn tụt lại quá xa so với mức sống tối thiểu của người lao động.
Đơn cử như đối với vùng I, tính toán của Viện cho thấy, mức sống tối thiểu của người lao động lên tới 3,996 triệu đồng/tháng trong khi mức lương quy định hiện chỉ có 2,7 triệu đồng/tháng.
Tương tự với các vùng IV, III và vùng II, mức chênh lệch giữa mức sống tối thiểu với mức lương quy định cũng lên tới 500-1 triệu đồng/tháng.
“Trong khi tiền lương tối thiểu vùng đang được các doanh nghiệp dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nên khi nghỉ hưu, tiền lương hưu của người lao động sẽ rất thấp, không đảm bảo cuộc sống sau này”, ông Thọ cho biết.
“Là tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, chắc chắn chúng tôi sẽ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 ở mức cao lên Hội đồng Tiền lương quốc gia. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn đang nghiên cứu nên chưa có con số cụ thể”, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định.
Thực tế, năm 2013, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2014 lên Hội đồng Tiền lương quốc gia lên tới 24-36%.
Nhưng cái khó là Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng chỉ có thể dựa trên mức đề xuất của Tổng Liên đoàn và của cơ quan đại diện cho giới chủ là Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tính toán mức tăng trình Chính phủ, còn quyền quyết định vẫn thuộc về Chính phủ.
Với lý do tăng lương tối thiểu quá nhanh sẽ đội chi phí đóng bảo hiểm xã hội, gây áp lực cho doanh nghiệp nên nhiều năm nay, dù được điều chỉnh tăng liên tục nhưng lương tối thiểu vẫn không tiệm cận được với mức sống tối thiểu của người lao động.
Dù trước đó, Chính phủ đã thông qua lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu đến năm 2015 phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Nhưng trong năm 2013, cũng với lý do như trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lại đề xuất Chính phủ giãn lộ trình này đến năm 2017.
Vì vậy, việc Chính phủ có quyết định tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 hay không hoặc mức tăng cao hay thấp hiện chưa thể biết trước vì tận tháng 9 hoặc tháng 10 Chính phủ mới thông báo sau khi nghiên cứu đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, nhưng nếu không tăng hoặc mức tăng tiếp tục hơn mức sống tối thiểu, chịu thiệt thòi vẫn sẽ là người lao động.
Phan Long