Dệt may và da giày Việt Nam sẽ được gì?
Thuộc Chương 4 - “Hàng dệt may” trong Hiệp định TPP, các thỏa thuận liên quan tới dệt may hứa hẹn sẽ tạo ra một cú hích lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam . Theo nội dung tại chương này, các bên đồng ý xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt và may mặc. Điều này đồng nghĩa với việc, hầu hết các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các nước thành viên TPP. Hầu hết các sắc thuế sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặc dù thuế đối với một số sản phẩm “nhạy cảm” sẽ được xóa bỏ với khung thời gian dài hơn theo thỏa thuận của các bên.
Bên cạnh Chương 3 về Quy tắc xuất xứ và thủ tục về xuất xứ, Chương 4 cũng đã có quy định khá rõ dành riêng cho ngành dệt may về vấn đề này. TPP yêu cầu rất chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đồng thời có yêu cầu về việc sử dụng của các loại sợi và vải trong khu vực TPP nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng và đầu tư. Quy tắc xuất xứ này được gọi là quy tắc “từ sợi trở đi”, có nghĩa là quy định một mức nhất định nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu trong tổng khối lượng của sản phẩm (theo TPP, mức này là 10%). Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp dệt may quan tâm và cũng là thách thức thật sự, bởi một khi nguồn nguyên phụ liệu đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thì việc kiểm soát là một bài toán cần phải giải quyết sớm khi tham gia sân chơi TPP.
Dệt may là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất của TPP |
Các cam kết về hợp tác hải quan và thực thi được liệt kê nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu và gian lận. Bên cạnh đó, các biện pháp tự vệ đặc biệt đối với ngành dệt cũng được quy định để ứng phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp trong nước trong trường hợp nhập khẩu ồ ạt. Cụ thể, nước nhập khẩu có thể không tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế quan cho sản phẩm dệt may nữa và nâng mức thuế lên ngang bằng với mức thuế Tối huệ quốc (thuế MFN) theo WTO mang lại thời điểm đó.
Tương tự ngành dệt may, da giày cũng nằm chung trong khuôn khổ các quy định của TPP về thuế, hải quan, quy tắc xuất xứ hay các biện pháp tự vệ. Về quy tắc xuất xứ, TPP đòi hỏi ngành da giày phải tự chủ về nguyên phụ liệu, cũng là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp da giày, khi phần lớn nguyên phụ liệu phải nhập từ nước ngoài.
Những quy định doanh nghiệp cần lưu ý
Để giới hạn và kiểm soát hành vi cạnh tranh, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nước ngoài, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm được nguyên tắc và khuôn khổ cuộc chơi trên phương diện pháp lý, đảm bảo lợi ích cho mình. Từ những vấn đề của ngành dệt may và da giày trong TPP, đã đặt ra một số khía cạnh pháp lý mà doanh nghiệp cần lưu tâm và tuân thủ chặt chẽ như xuất xứ hàng hóa, thủ tục hành chính, cam kết môi trường, cạnh tranh và lao động.
1. Quy tắc xuất xứ
Trong TPP, quy tắc xuất xứ được hiểu là các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ “nội khối”. Như vậy, những ngành nào, sản phẩm nào sử dụng các nguyên liệu của các nước thứ ba, ngoài thành viên TPP đều không được hưởng các ưu đãi thuế suất 0%. Quy tắc xuất xứ nhằm xác định sự hợp lệ của hàng nhập khẩu để được hưởng mức thuế ưu đãi.
Theo Hiệp định TPP, một hàng hóa được xem là có xuất xứ nếu hàng hóa đó được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hoặc nhiều bên; được sản xuất hoàn toàn trong lãnh thổ của một hoặc nhiều bên và hoàn toàn từ các nguyên liệu có xuất xứ; hoặc được sản xuất hoàn toàn trong lãnh thổ của một hoặc nhiều bên sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ, với điều kiện hàng hóa thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu có hiệu lực về Quy tắc xuất xứ cụ thể theo mặt hàng. Quy tắc xuất xứ trong chương về Dệt may tại điều 4.2 được xác định theo các tiêu chí “hàm lượng không đáng kể, quy định về bộ sản phẩm, quy định về danh sách nguồn cung thiếu hụt” và “quy định về một số mặt hàng thủ công hoặc truyền thống”. Theo đó, các doanh nghiệp dệt may cần lưu ý nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu (10%), các mã nguyên liệu thuộc danh mục nguồn cung thiếu hụt.
2. Thủ tục hành chính - hải quan
Các mức thuế suất của hầu hết sản phẩm dệt may và da giày sẽ về mức 0% theo Hiệp định TPP. Các doanh nghiệp vì thế cần phải cập nhật các quy định về khai hải quan với mức thuế này. Các sản phẩm dệt may và da giày không phải là hàng hóa được miễn thuế, mà vẫn là đối tượng chịu thuế, mức thuế suất là 0%. Đừng nhầm lẫn và cần phải tiến hành các thủ tục khai báo hải quan theo trình tự luật định. Quy định hiện hành là Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định rõ về việc phải thực hiện khai hải quan khi hàng hóa được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu là 0%. Khi khai thuế phải áp dụng nguyên tắc: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện được giảm thuế so với quy định thì khi khai mức thuế trên tờ khai hải quan giấy phải khai cả mức thuế trước khi giảm, tỷ lệ phần trăm số thuế được giảm và văn bản quy định về việc này. Riêng về quản lý hải quan, các nước cũng thống nhất tại Hiệp định TPP về việc xử phạt hải quan để bảo đảm các hình thức xử phạt này được thực hiện một cách công bằng và minh bạch.
3. Quy định về bảo vệ môi trường
Đặc trưng của ngành dệt may với các bước sản xuất cơ bản như kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hay đối với ngành da giày là các bước thuộc da, sản xuất da nhân tạo, kết hợp với việc sử dụng nhiều thuốc nhuộm, hóa chất, tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều chất thải… là một trong những yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường. TPP quy định cụ thể, mỗi bên phải thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật về môi trường của mình, không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các bên. Nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, về khí thải, nước thải… thì rủi ro cho các doanh nghiệp dệt may, da giày là hoàn toàn có cơ sở.
4. Chính sách cạnh tranh
Khi gia nhập TPP, đối với ngành mũi nhọn như dệt may và da giày, cuộc chiến cạnh tranh luôn trong tình trạng gay gắt. Do đó, các doanh nghiệp cần phải có bước chuẩn bị cho việc đối mặt với các đối thủ cạnh tranh.
Các thành viên TPP cùng quan tâm bảo đảm một khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng trong khu vực, thông qua những quy định yêu cầu các thành viên duy trì hệ thống luật pháp cấm những hành vi kinh doanh phi cạnh tranh, cũng như những hoạt động thương mại gian lận và lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bản thân mỗi doanh nghiệp cần hiểu biết rõ các quy định pháp luật liên quan như Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, và nắm bắt rõ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh tích cực.
5. Các quy định về lao động
Tất cả các thành viên TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại. Các thành viên cũng đồng ý có luật quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, cho phép tồn tại “công đoàn độc lập”. Vì là môi trường lao động tự do, nên các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với cuộc chiến giành người lao động.
Các doanh nghiệp dệt may và da giày với đặc trưng luôn phải sử dụng một lượng lớn lao động, sẽ cần phải chú ý đến các yếu tố như mức lương, chế độ chăm sóc, bảo hiểm… để hạn chế tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong bối cảnh hội nhập TPP, các doanh nghiệp lại càng phải chú trọng thực hiện đúng các quy định pháp luật về lao động, cụ thể là Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn, cũng như nâng cao chính sách trên mức luật định để tăng cường yếu tố cạnh tranh.