Ngành điện rất khó kêu gọi đầu tư do giá điện hiện nay chưa theo cơ chế thị trường (Arnh: Đ.T) |
Bất cập giá bán điện
Thu hút đầu tư vào ngành điện còn khó nếu những bất cập về giá điện không nhanh chóng được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ và minh bạch chi phí sản xuất để xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sát với thị trường. Đây là nhận định của các chuyên gia tại một tọa đàm mới đây về thu hút đầu tư vào ngành điện.
Chuyên gia về giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa chỉ rõ, ngành điện rất khó kêu gọi đầu tư do giá điện hiện nay chưa theo cơ chế thị trường.
Dẫn chứng là, các chi phí đầu vào như giá dầu, than, khí đã theo thị trường, nhưng giá điện đầu ra không phản ánh đúng chi phí, có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất - kinh doanh điện.
“Giá đầu vào theo thị trường, nhưng đầu ra phi thị trường” là nguyên nhân dẫn đến sản xuất - kinh doanh điện khó chồng khó”, ông Thỏa nói.
Điều này gây ra lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới 47.500 tỷ đồng trong năm 2022-2023, đồng thời gây thêm khó khăn cho việc tái đầu tư nguồn và lưới điện. Ngoài ra, giá điện cũng được cho là đang phải gánh vác nhiệm vụ đa mục tiêu.
Ông Thỏa phân tích: “Chúng ta vừa phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí, nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, rồi lại phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Rất nhiều mục tiêu, trong đó có những mục tiêu ngược chiều nhau”. Thêm nữa, cơ chế bù chéo giá điện kéo dài nhiều năm, nhưng chưa có phương án xử lý.
Đó là việc bù chéo trong các bậc thang của nhóm tiêu dùng điện sinh hoạt; bù chéo giữa giá sinh hoạt với sản xuất, bù chéo giữa các vùng. Vì vậy, giá điện chưa đảm bảo đúng nguyên lý về giá cả thị trường, chưa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Phân tích thêm những hệ lụy, hệ quả khi giá điện không được tính đúng, tính đủ, PGS-TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng cho biết, năm 2023, câu chuyện rất điển hình là việc buộc phải cắt điện khi nguồn cung không đủ, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư, đời sống sinh hoạt người dân.
Theo ông Hồi, thiếu điện, phải ngừng cung cấp điện là một thiệt hại to lớn mà nền kinh tế phải gánh chịu, bởi điện là đầu vào, là hàng hóa thiết yếu đặc biệt, là đầu vào của các đầu vào. “Nền kinh tế dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp mà không có đầu vào đó thì không vận hành được. Mà nền kinh tế không vận hành thì không có tăng trưởng”, ông Hồi phân tích.
Lo thiếu vốn đầu tư và nguy cơ thiếu điện
Theo phân tích của các chuyên gia, nếu giá điện vẫn tiếp tục được điều hành theo hướng đa mục tiêu như hiện nay, giá bán lẻ chưa được tính toán đủ các chi phí, thì EVN lỗ, mà EVN là doanh nghiệp nhà nước, nên đồng nghĩa Nhà nước mất vốn.
Ngược lại, chi phí vốn được tính đúng, đủ vào giá bán, thì Nhà nước có lợi nhuận, có nguồn lực để EVN tái đầu tư mở rộng.
Một khi không có lợi nhuận, thì không có tái đầu tư mở rộng và chắc chắn ảnh hưởng đến đầu tư nguồn điện và lưới điện.
Tại phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, có thời điểm, chênh lệch chi phí đầu vào và giá bán ra của EVN tới 208-216 đồng/kWh.
Lo xa hơn, PGS-TS Bùi Xuân Hồi phân tích: “Nếu tình hình tài chính của EVN thua lỗ, không thể đầu tư, thì nguy cơ thiếu điện xảy ra. Đồng thời, khi EVN bị lỗ nhiều quá, mất khả năng thanh toán, thì những doanh nghiệp khác tham gia bán điện cho EVN chắc chắn bị ảnh hưởng, tạo thành hiệu ứng domino, dẫn đến thu hút đầu tư ngành điện càng khó khăn”.
Theo Tổng sơ đồ Điện VIII, đến năm 2030, nhu cầu đầu tư là 119,8 tỷ USD, tức là cần 11 - 12 tỷ USD/năm. Trong khi đó, khả năng thu xếp vốn của EVN rất hạn chế do không còn cơ chế bảo lãnh Chính phủ, tiếp cận nguồn vốn ODA cần có các cam kết cơ bản, vay vốn thương mại thì cần chứng minh hiệu quả dự án, nên sẽ không dễ để huy động vốn.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cơ chế giá điện, cơ chế điều hành giá điện chậm thay đổi là một thực tế khó thu hút đầu tư. Theo ông, giá đầu vào và đầu ra không hợp lý, thì khó cho vận hành, do đó, phải cải cách toàn diện và đồng bộ về chính sách.
Liên quan cơ cấu ngành điện, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì cơ chế tài chính cần minh bạch, làm rõ đâu là trợ cấp xã hội, đâu là bù giá, đâu là kinh doanh...
“Mấu chốt để sự cạnh tranh trong mọi hoạt động, mọi khâu của điện lực, trong việc bán điện và tính giá, thì phải tăng tính cạnh tranh và tính thị trường. Đơn cử, khi nào giá cả đầu vào biến động, thì được điều chỉnh giá đầu ra. Có biến động mà mình không kiểm soát, bỏ ngỏ 6 tháng - 1 năm mới điều hành, thì đó không phải là thị trường”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết liệt trong cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bởi không thể để một văn bản quan trọng về điều hành giá điện áp dụng từ năm 2014 đến nay chưa được điều chỉnh.
Đồng thời, cơ cấu biểu giá và cơ chế điều hành giá nên luật hóa ở mức độ cao hơn. Xăng dầu hiện nay điều hành một tuần/lần, điện có thể không làm được như vậy, nhưng có thể quy định ở cấp độ luật điều chỉnh 3 tháng/lần, thì giá điện sẽ cơ bản ổn định hơn.
Trên hết, nếu giá điện không tính đúng, tính đủ, ngành điện, doanh nghiệp điện có nguy cơ bị mất cân đối dòng tiền, không có động lực để phát triển thêm nguồn điện, dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai.