Sẽ thêm nhiều thương vụ
Tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của GPBank mới đây, điều thu hút chú ý của thị trường là sự tham gia của đại diện lãnh đạo VietinBank và VPBank. Trong sự kiện này, ông Phạm Huy Thông đã được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) GPBank; ông Hồ Hữu Minh là thành viên HĐTV, kiêm Tổng giám đốc GPBank; ông Nguyễn Quang Trung là thành viên HĐTV GPBank; bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Phó tổng giám đốc GPBank.
Được biết, ông Phạm Huy Thông từng gắn bó với VietinBank nhiều năm, được điều động và bổ nhiệm làm thành viên HĐTV, kiêm Tổng giám đốc GPBank vào tháng 7/2015. Ông Hồ Hữu Minh cũng là một nhân sự cũ của VietinBank. Từ trường hợp của Vietcombank và CBBank trước đó, dư luận cho rằng, khả năng VietinBank sẽ tham gia tái cơ cấu GPBank.
Tuy nhiên, trong nhóm ngân hàng trình đại hội đồng cổ đông chương trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém năm nay, ngoài Vietcombank, MB và gần nhất là HDBank đã “nhắm” địa chỉ cụ thể, thì VietinBank không có chương trình này. Riêng VPBank đã được Đại hội đồng cổ đông 2022 thông qua kế hoạch tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng, phương án VPBank chính thức tham gia tái cơ cấu GPBank sẽ hợp lý hơn.
Theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN đang đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Nếu GPBank cũng có bến đỗ mới, thì tất cả các tổ chức tín dụng yếu kém trong hệ thống đã hoàn tất bước khởi đầu mới theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Trong khi đó, OceanBank được cho là sắp về với MB, nên Chủ tịch HĐTV - ông Đỗ Thanh Sơn vừa quay về VietinBank giữa tháng 10/2022. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, MB đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Trước đó, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB và ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban Điều hành, Giám đốc khối CIB của MB đều tham dự. Tại đây, lãnh đạo OceanBank cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, nghiên cứu phát triển một số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh...
Về giá chuyển nhượng, lãnh đạo MB khẳng định, mức giá nhận chuyển giao là 0 đồng, nhưng Ngân hàng phải xử lý lỗ lũy kế. Điều kiện MB đưa ra là ngân hàng chuyển giao bắt buộc có số lỗ lũy kế dưới 20.000 tỷ đồng. Theo tính toán của MB, Ngân hàng chỉ mất 7-8 năm là có thể xử lý hết số lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao. Sau đó, ngân hàng này sẽ được xử lý theo 3 phương án: sáp nhập MB để tăng quy mô tổng tài sản; bán cho nhà đầu tư khác hoặc IPO, thành lập một ngân hàng TMCP riêng.
Ngoài ra, HDBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ Dong A Bank.
M&A ngân hàng sẽ nóng dần
Việc Chính phủ Việt Nam có những chính sách như tư nhân hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh, hay thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, thiếu vốn, không đủ đạt chuẩn chính là cơ hội để các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư. Theo PwC, bất chấp những trở ngại về kinh tế vĩ mô, năm 2022 sẽ là một năm sôi động đối với các giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Hoạt động M&A tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.
HDBank đang được nhắc đến khi có thể được nới giới hạn room vốn ngoại lên 49% theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Việc được chọn trở thành ngân hàng thí điểm sẽ là điểm sáng hỗ trợ giá của cổ phiếu, bởi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.
Thực tế cho thấy, ngay những tháng đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A đình đám của ngành tài chính - ngân hàng. Trong đó, không thể không nhắc tới VPBank, với việc nhà băng này muốn bán 49% cổ phần FE Credit cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Đồng thời, VPBank đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện Ngân hàng cho biết, sẽ sớm thực hiện trong 2022- 2023.
Trước đó, việc SMBC chấm dứt liên minh với Eximbank khiến thị trường đồn đoán nhà đầu tư này sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank - nhất là khi mối quan hệ hai bên trở nên gắn bó sau thương vụ SMBC hoàn tất mua 49% cổ phần FE Credit.
Ngoài ra, một thương vụ M&A lớn khác có thể diễn ra thời gian tới là Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn. Nếu thương vụ thành công, Vietcombank sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch được ngân hàng này đặt ra từ lâu, nhưng chưa hoàn tất.
Giới phân tích tài chính cho rằng, xu thế chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng cao. Điều này cũng ảnh hưởng và dẫn dắt xu thế M&A của các tổ chức trên thị trường tài chính, ngân hàng.
Song theo ông Yoshizawa Toshiki, thành viên HĐQT OCB, đại diện đối tác chiến lược Nhật Bản (Aozora), để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại tham gia các thương vụ M&A lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ Việt Nam nên xem xét nới room ngoại tại các ngân hàng trong nước. Điều này vừa giúp ngân hàng Việt tăng vốn, vừa giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 14 - năm 2022 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Tư (23/11/2022).
Với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam.
Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, Diễn đàn năm nay sẽ tiếp tục vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2021 - 2022; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A.