Ngân hàng - Bảo hiểm
M&A ngân hàng tiếp tục dậy sóng; BIDV, Vietcombank sắp phát hành hơn 2 tỷ cổ phiếu
T.L - 12/12/2021 09:31
Thị trường M&A ngân hàng tiếp tục, nhiều ngân hàng lớn sắp phát hành cổ phiếu khủng chia cổ tức, băn khoăn cơ chế cho vay cấp bù lãi suất… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Mizuho Bank muốn tham gia vào thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam.

Ngân hàng Nhật Bản chạy đua đầu tư vào Việt Nam

Theo thông tin từ Nikkei Asia, Mizuho Bank dự định đầu tư tối đa 20 tỷ yen (170 triệu USD) để mua 7,5% cổ phần trong M-Service trước cuối năm nay. Mục tiêu của ngân hàng là tận dụng lĩnh vực bán lẻ của M-Service.

Động thái của Mizuho diễn ra trong bối cảnh SMBC  - đối thủ đứng trên của Mizuho đang cấp tập mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Cuối tháng 10/2021 vừa qua, SMBC đã hoàn tất thương vụ mua lại 49% vốn Công ty tài chính FE Credit với giá gần 1,4 tỷ USD – thương vụ M&A có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.

Hiện SMBC cũng đang kên kế hoạch thoái sạch vốn khỏi Eximbank sau nhiều năm “mắc kẹt” để mua lại15% vốn ngân hàng mẹ VPBank. Thương vụ này dự kiến diễn ra quý I/2022 với giá trị không kém thương vụ mua lại 49% vốn FE Credit.

Dù chậm chân hơn các “đồng hương” trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, song với dự định mua 7,5% cổ phần siêu ứng dụng MOMO, Mizuho đang quyết tâm không bỏ lỡ khu vực đang tăng trưởng nhanh ở châu Á.

Làn sóng ngân hàng Nhật đầu tư vào Việt Nam liên tục diễn ra mạnh mẽ thời gian qua, bao gồm cả đầu tư vào ngân hàng lẫn công ty tài chính. Gần đây nhất, ngoài thương vụ SMBC mua 49% vốn FE Credit là Aozora mua 15% cổ phần ngân hàng TMCP OCB.

Riêng với Mizuho, ngân hàng này đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2011 trong khoản đầu tư khủng vào Vietcombank. Khoản đầu tư vào Vietcombank của Mizuho đến nay đã “một vốn bốn lời”, việc Tập đoàn này tìm thêm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ của Việt Nam là dễ hiểu.  

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 150 dự án mới (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước), điều chỉnh 105 lượt dự án và 170 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 3,38 tỷ USD.

M&A tài chính - ngân hàng: Kỷ lục 1,4 tỷ USD đang chờ được phá vỡ

Thị trường mua bán-sáp nhập (M&A) lĩnh vực tài chính-ngân hàng năm 2021 diễn ra sôi động, với kỷ lục là thương vụ VPBank bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản, thu về gần 1,4 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và cũng là thương vụ M&A lớn nhất của Việt Nam năm 2021.

Trước đó, cuối tháng 11/2021, MSB cho hay, ngân hàng này ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCom cho đối tác nước ngoài. Thương vụ dự kiến được ký kết cuối năm nay và sẽ mang về cho Ngân hàng 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận, ghi nhận vào năm sau. Con số này cao gấp 4 lần mức định giá mà một số chuyên gia phân tích dự báo trước đó.

Cũng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, cuối tháng 8/2021, Ngân hàng SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).

Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Giá trị thương vụ không được SHB tiết lộ, song chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht (155,77 triệu USD) để mua lại SHB Finance, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng.

Như vậy, M&A công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục dẫn sóng thị trường M&A ngân hàng Việt Nam. Giai đoạn 2017-2018, thị trường M&A công ty tài chính cũng dậy sóng với hàng loạt thương vụ lớn, như Techcombank bán Công ty Tài chính Techcombank Finance cho Lotte Card với giá 75,6 triệu USD; Prudential bán 100% vốn Prudential Finance cho Shinhan Card với 150 triệu USD; MB bán huyển nhượng 49% vốn góp tại MCredit cho Shinsei Bank…

Ngoài các thương vụ trên, VietinBank đang trong quá trình thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại 3 công ty con, bao gồm VietinBank Leasing (đang trình Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp có thẩm quyền phê duyệt), Chứng khoán VietinBankSc, Công ty Quản lý quỹ VietinBank Capital.

Đối với việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng mẹ, thương vụ đáng chú ý nhất năm nay là OCB dự kiến phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện trong quý IV/2021. Thương vụ này, nếu thành công, sẽ đưa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại OCB lên 30%. 

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, bất chấp ảnh hưởng Covid-19, việc hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thành công chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam nói chung, cũng như lĩnh vực ngân hàng nói riêng.

Năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại. Trong đó, đáng chú ý nhất là thương vụ VPBank bán 15% cổ phần ngân hàng mẹ, dự kiến diễn ra đầu quý I/2022.

SMBC tiếp tục làm dậy sóng thị trường M&A ngân hàng Việt Năm 2022?

Trả lời cổ đông, lãnh đạo VPBank từng cho hay, thương vụ này sẽ mang về cho VPBank giá trị tương đương thương vụ bán 49% FE Credit (tức trên dưới 30.000 tỷ đồng). Như vậy, nếu thương vụ này được hiện thực hóa, M&A ngân hàng Việt Nam lại tiếp tục dậy sóng.

Một thương vụ M&A có giá trị tỷ USD khác có thể diễn ra nay mai là Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn. Nếu  thành công, Viecobmank cũng sẽ thu xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch chào bán riêng lẻ này được Vietcombank đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thể thực hiện, thời điểm tiến hành đang là dấu chấm hỏi.

Tương tự, năm nay, BIDV cũng lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 8,5% cổ phần. Với thị giá cổ phiếu hiện nay, nếu chào bán thành công, BIDV sẽ thu về khoảng 14.000 -15.000 tỷ đồng. Hiện ngân hàng này chưa hé lộ thông tin gì về lộ trình chào bán riêng lẻ số cổ phần này.

Ngoài các thương vụ lớn trên, một loạt ngân hàng trong nước cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, mới đây, SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược. Tương tự, OCB cũng đang chuẩn bị bán 10% vốn cho đối tác nước ngoài. NamABank, SCB, LienVietPostBank… cũng có kế hoạch tương tự.

Bên cạnh đó, dù nhiều ngân hàng TMCP đã cạn room vốn ngoại (30%), song theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room.

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường M&A ngân hàng tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại. Mặc dù nợ xấu ngân hàng Việt có nguy cơ tăng lên do ảnh hưởng của Covid-19, song ông Thinh cho rằng, nhờ kết quả kinh doanh của đa số ngân hàng Việt rất lạc quan và dư địa thị trường còn rộng lớn, nên ngân hàng Việt vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, nhất là các lĩnh vực như tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ…

M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ sôi động trong năm 2022

Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua, các chuyên gia lĩnh vực M&A nhận định, M&A lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2022.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, ngành tài chính ở Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động M&A trong thời gian tới.

Lý do, số lượng ngân hàng tham gia thị trường vẫn lớn, trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng chú ý là những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và những ngân hàng nhỏ yếu kém sẽ khó tránh khỏi M&A.

Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam, ông Lê Khánh Lâm cũng nhận định, ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng sẽ luôn hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong thời gian qua và tới đây. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo, dược phẩm và viễn thông, cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới thông qua M&A.

Trong khi đó, bà Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF cũng đánh giá rằng, M&A trong ngành tài chính - ngân hàng, công nghệ, tiêu dùng... sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Đồng thời, nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đang kỳ vọng ở lĩnh vực năng lượng. Đây được xem là lĩnh vực năng động, có nhiều thay đổi liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng mong muốn được vay vốn ngân hàng để có thể đẩy mạnh. Bên cạnh đó, theo bà Duyên, lĩnh vực hạ tầng cũng là một trong những ngành được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và M&A sẽ tăng, nhưng lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn.  

Ngân hàng tăng tốc cho vay tháng cuối năm

Vừa được nới room tín dụng, các ngân hàng đang cấp tập cho vay. Lãnh đạo nhiều ngân hàng dự đoán, lãi suất cho vay sẽ không tăng, thậm chí giảm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho hay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tính đến hết tháng 10/2021 mới đạt 11%, nhưng cả năm dự kiến đạt 15% theo đúng hạn mức (room) tín dụng năm 2021 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng, tín dụng của Vietcombank dự kiến tăng 2%.

Tương tự Vietcombank, nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng được cấp trong 9 tháng đầu năm và từ đầu quý IV/2021 đã xếp sẵn hồ sơ tín dụng của khách hàng, chỉ đợi NHNN nới room tín dụng là cấp tập giải ngân. Các ngân hàng được nới room tín dụng đều nỗ lực tận dụng tối đa hạn mức.

Nhu cầu vay vốn phục hồi dần trở lại sau thời gian giãn cách xã hội lan rộng đang khiến tín dụng toàn hệ thống khởi sắc. Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 25/11, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 10,1%. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 11 tăng khoảng 1,4%, gần bằng mức tăng trưởng tín dụng của cả quý III/2021. Với mức tăng trưởng tín dụng 10,1% tính đến ngày 25/11, đã có lượng tiền xấp xỉ 930.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế từ đầu năm đến nay.

Về phía NHNN, động thái mở rộng tín dụng cuối năm khá rõ nét khi tuần trước, cơ quan này đã nới room tín dụng cho 11 ngân hàng thương mại cổ phần. Đồng thời, NHNN cũng đang cân nhắc tiếp tục hoãn lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để tăng thêm thanh khoản cho hệ thống.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, động thái trên của NHNN sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Công ty Chứng khoán BSC dự đoán, tín dụng đến cuối năm nay có thể tăng 13,8%.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, mặc dù dư địa không còn nhiều, song năm nay, ngành ngân hàng vẫn có thể mở rộng tín dụng có chọn lọc, mức tăng tín dụng của cả năm khoảng 12-13%. Theo chuyên gia này, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh rất lớn, song NHNN sẽ khống chế lượng cung tiền, không để tín dụng được bơm quá nhiều ra nền kinh tế trong bối cảnh sức hấp thụ của nền kinh tế còn yếu, nguy cơ lạm phát vẫn luôn rình rập.

Mặc dù tín dụng được mở rộng hơn, song nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, lượng tín dụng mới có thể sẽ không nhiều như con số báo cáo, bởi một lượng đáng kể dư nợ tín dụng tăng thêm chính là nợ được cơ cấu lại, chứ không phải tín dụng mới.

Mặc dù tín dụng đang phục hồi khá mạnh, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới có thể giảm thêm nhờ chủ trương giảm tiếp lãi vay để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của Chính phủ. Lạm phát thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào, tín dụng được kiểm soát, dòng tín dụng đầu cơ bị giám sát chặt… là cơ sở để lãi vay có thể giảm thêm, trong khi lãi suất huy động sẽ được giữ ở mức ổn định.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, việc giảm lãi suất không chỉ năm 2021, 2022, mà là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt nhiều năm gần đây để cung ứng vốn đầy đủ hơn với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vay vốn phục vụ đời sống và kinh doanh.

Mặc dù năm 2020-2021, mặt bằng lãi suất đã có mức giảm đáng kể, một phần nhờ NHNN giảm lãi suất điều hành, một phần do ngân hàng thương mại tự nguyện giảm lãi, song năm 2022, Phó thống đốc cho hay, chủ trương giảm lãi suất vẫn được đặt ra.

“Việc giảm lãi suất cho năm sau sẽ dựa vào nội lực của chính các ngân hàng thương mại, từ việc tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận trong điều kiện khó khăn với các doanh nghiệp”, Phó thống đốc khẳng định.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang trông chờ gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tính cả gói hỗ trợ tín dụng này, thì dư nợ tín dụng năm 2022 cũng sẽ chỉ tăng ở mức 13-14%, tức là chỉ tăng tương đối ổn định so với năm nay.

Đặc biệt, dòng vốn bơm ra thị trường sẽ tiếp tục được NHNN “nắn dòng” để không chảy vào lĩnh vực nóng.  

Gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng: Ai được vay, ai dám cho vay?

Hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng lãi suất thấp có thể được bơm ra thị trường, nếu gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng được phê duyệt.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khẳng định, tiền nhiều  cũng không có ý nghĩa, bởi nếu cơ chế không rõ ràng, ngân hàng không dám cho vay và doanh nghiệp không thể tiếp cận khoản vay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện nhiều ngân hàng TMCP cho hay, bản thân ngân hàng luôn xác định đồng hành với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mới khỏe. Tuy nhiên, nếu như chính sách không rõ ràng, ngân hàng không dám cho vay, bởi sợ trách nhiệm sau này.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, cách đây ít lâu, lãnh đạo một ngân hàng TMCP đã chia sẻ với ông rằng, hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm của ngân hàng. Bằng nguồn lực của mình, ngân hàng đã hỗ trợ hết sức. Tuy nhiên, với nguồn lực từ Chính phủ, cơ chế cho vay phải rõ ràng.

“Ngân hàng rất muốn vào cuộc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song chính sách phải rõ ràng, đồng bộ thì họ mới dám triển khai”, ông Tùng cho hay.

Xác nhận thực tế này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, gói hỗ trợ lãi suất quy mô khá lớn, song có tiền chưa chắc cho vay được.

“Không hạ chuẩn cho vay thì doanh nghiệp làm sao vay được? Còn với ngân hàng, nếu như bây giờ cho vay, vài năm sau nợ xấu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Xử lý trích lập dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an toàn, đến hệ số tín nhiệm?... Đó là các vấn đề mà ngân hàng tâm tư nhất”, ông Hùng nói.

Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng, để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, vấn đề đầu tiên đặt ra là chính sách, hành lang pháp lý nào để triển khai, chứ không phải vấn đề bao nhiêu tiền. Bởi bản thân chính sách hợp lý sẽ tạo ra tiền, khơi thông dòng vốn, còn chính sách không hợp lý thì tiền có nhiều đến mấy cũng không đi vào cuộc sống.

Nhiều ngân hàng TMCP cũng cho hay, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, hàng loạt khách hàng rơi vào nợ xấu và được ngân hàng cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhưng nếu tới đây, Thông tư hết hiệu lực, nếu không có cơ chế đặc biệt, các khách hàng này sẽ lập tức rơi vào nợ xấu, không có cơ hội tiếp cận gói kích cầu. Trong khi đó, suốt 2 năm qua, ngành ngân hàng nhiều lần đề nghị chính sách khoanh nợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song vẫn chưa được chấp thuận. Nếu những doanh nghiệp này không được khoanh nợ, đương nhiên sẽ không có cơ hội tiếp cận gói kích cầu.

“Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP khẳng định.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, có thể trong tháng 12 này, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ được ban hành, Quốc hội cũng sẽ vào cuộc sửa một số luật để các gói hỗ trợ được nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bài học hỗ trợ lãi suất năm 2009 vẫn còn nguyên. Chính vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất lần này phải được nắn để chảy vào sản xuất - kinh doanh, phải rất cảnh giác với vốn hỗ trợ bị lợi dụng để trục lợi, dòng tiền hỗ trợ được sử dụng để đầu cơ tài chính, thay vì sản xuất - kinh doanh. Chính vì vậy, lần này, cơ chế, tiêu chí cho vay và hành lang pháp lý phải thật rõ ràng.r

Riêng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương ứng mỗi năm có hơn nửa triệu tỷ đồng vốn rẻ được bơm ra nền kinh tế, đã có những nỗi lo về khả năng gói hỗ trợ này sẽ gây ra lạm phát. Tuy vậy, ông Võ Trí Thành cho rằng, NHNN đã rất cảnh giác với lạm phát, kiểm soát rất chặt cung tiền. Do đó, năm tới, tăng trưởng tín dụng tính cả gói hỗ trợ lãi suất cũng chỉ tăng tổng cộng 12-13%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng năm nay.

Mặc dù tổng cung tiền được dự đoán không tăng mạnh, song điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại nhất là dòng vốn này có thể chảy sang các lĩnh vực nóng, thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh. Thực tế, nguy cơ bong bóng tài sản từ dòng tiền đầu cơ càng trở nên rõ ràng hơn khi hai năm qua, nền kinh tế suy giảm, trong khi các kênh đầu cơ như tăng rất mạnh. Tình hình này, nếu kéo dài, sẽ đe dọa tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãi vay khó giảm sâu cuối năm

Để đáp ứng cầu vốn tăng trong dịp kinh doanh cao điểm cuối năm, các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn ưu đãi ra thị trường. Tuy nhiên, dư địa còn lại để giảm lãi suất không nhiều.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính nhận định, để giảm được lãi suất cho vay, trước hết, nhà băng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành. Tuy nhiên, theo ông Minh, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh trong thời gian qua, khiến huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng giảm, nên lãi vay khó giảm sâu.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2021 đạt hơn 10,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 5,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 380.291 tỷ đồng, tương đương tăng 7,8% so với đầu năm; tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92%, đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 150.000 tỷ đồng so với đầu năm nay. Đặc biệt, trong tháng 8 và tháng 9/2021, tiền gửi dân cư liên tục sụt giảm so với các tháng trước đó. Cụ thể, tháng 8/2021 giảm 986 tỷ đồng, tháng 9/2021 giảm 1.473 tỷ đồng.

Trước áp lực lạm phát, lãi tiết kiệm giảm, sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng đang sụt giảm. Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất để huy động vốn.

Theo TS. Huỳnh Trung Minh, nếu lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3- 4%, thì với mặt bằng lãi suất hiện nay, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương. Nhưng áp lực lạm phát năm tới đang gia tăng, trong khi thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn để hút tiền nhàn rỗi, nên gửi tiền tiết kiệm được cho là kém hấp dẫn hơn.

“Các ngân hàng gần như đã thực hiện mọi giải pháp có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khó tiếp tục giảm lãi suất. Vì thế, cấp bù lãi suất có lẽ là giải pháp phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Vấn đề là cần phương pháp triển khai phù hợp”, TS. Huỳnh Trung Minh chia sẻ.

Để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2021, đồng thời mở rộng hoạt động cho vay trong mùa cao điểm cuối năm, nhiều ngân hàng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room và được cấp thêm hạn mức tín dụng trên cơ sở năng lực của từng nhà băng.  

Đề nghị ngân hàng xem lại khẩu vị rủi ro để mở cơ hội cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất ngân hàng thương mại xem xét lại khẩu vị rủi ro và trách nhiệm của Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

Các nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn mà Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Phạm Huy Hùng nêu ra là không có tài sản đảm bảo, các điều kiện về tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản lý dòng tiền đều thấp hơn yêu cầu của ngân hàng…

Nguyên nhân không mới, song đây đang là lý do chính khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

“Cần phải xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại”, ông Hùng đề xuất.

Từng là Chủ tịch HĐQT Vietin Bank, nên ông Hùng “là người trong cuộc” của các vấn đề liên quan đến ngân hàng, hiểu rõ lý do các điều kiện cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại.

Về lý thuyết, các ngân hàng thương mại chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm khi doanh nghiệp chưa có uy tín với tổ chức tín dụng, thông tin chưa minh bạch… Nhưng trên thực tế, ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được các yêu cầu của các ngân hàng, nên thường bị đòi hỏi tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Để khắc phục điểm nghẽn này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Nhưng cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn về bảo đảm tiền vay bằng tài sản. Từ thực tế cho thấy, chúng tôi kiến nghị Quỹ bão lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của Quỹ”, ông Hùng đề nghị.

Vì Quỹ Bảo lãnh tín dụng là hỗ trợ, trợ giúp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn, nên cần điều kiện “thoáng” hơn điều kiện vay vốn từ ngân hàng.

Trách nhiệm của Quỹ là phối hợp với ngân hàng để tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, đảm bảo rằng doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho ngân hàng.

“Có như vậy Quỹ bảo lãnh tín dụng mới đúng nghĩa là cầu nối để doanh nghiệp nâng cao khả năng vay vốn không có tài sản thế chấp tại các ngân hàng thương mại”, ông Hùng đề xuất.

Ngoài ra, với các ngân hàng thương mại, ông Hùng cho rằng, trong kinh doanh chấp nhận rủi ro đến mức nào là vấn đề rất quan trọng. Khi doanh nghiệp vẫn khó khăn tiếp cận tín dụng do rào cản tài sản bảo đảm tiền vay, thì việc xem xét khẩu vị rủi ro tại mỗi ngân hàng thương mại sao cho hợp lý hơn với thực trạng các doanh nghiệp cũng sẽ là một trong những biện pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thành công.

Ông Hùng cũng đồng tình với quan điểm giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng không chỉ vì là “sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp”.

Quan điểm của nguyên Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, ngân hàng cần xem xét đến việc phân bổ và quản lý chi phí, quản lý hoạt động, quản lý rủi ro của ngân hàng một cách hiệu quả hơn. Bởi gốc của lãi suất ngân hàng vẫn từ hiệu quả sản xuất, kinhdoanh.

 BIDV, Vietcombank sắp phát hành hơn 2 tỷ cổ phiếu: Quán quân vốn điều lệ sắp đổi ngôi?

Vietcombank và BIDV vừa được thông qua kế hoạch chia cổ tức, đồng nghĩa hơn 2 tỷ cổ phiếu BID và VCB sẽ được tung ra thị trường năm tới.

Cụ thể, Vietcombank vừa có nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền, năm 2019 bằng cổ phiếu.

Cụ thể, ngân hàng sẽ chia cổ tức tiền mặt năm 2020, tỷ lệ 12%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VCB sẽ nhận 1.200 đồng. Đồng thời phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 và cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 là 23/12/2021. Ngay chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là 5/1/2022.

Cùng với Vietcombank, BIDV cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 đã được cổ đông thông qua.

Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ lên hơn 50.585 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng là hơn 40.220 tỷ đồng.

Hiện nay, ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống là VietinBank (48.058 tỷ), tiếp theo là VPBank (44.455 tỷ đồng) và BIDV. Tuy nhiên, thứ hạng này sẽ thay đổi đáng kể vào năm tới nếu BIDV và Vietcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn, đồng thời VPBank chào bán thành công 15% vốn cho đối tác ngoại.

LienVietPostBank chuẩn bị phát hành ESOP, chào bán riêng cho nhà đầu tư ngoại

HĐQT LienVietPostBank vừa có Nghị quyết ngày 10/12/2021 thông qua việc thực hiện các thủ tục trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ cho các chương trình tăng vốn còn lại theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 theo thứ tự.

Theo đó, ngân hàng sẽ triển khai phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Đồng thời, thực hiện các chương trình phát hành tăng vốn còn lại bao gồm: Phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Trước đó, ngày 28/10, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho LPB tăng vốn điều lệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận LPB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 3.667 tỷ đồng dưới các hình thức sau: phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 667 tỷ đồng; phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động tối đa 350 tỷ đồng; phát hành cho cổ đông hiện hữu tối đa là 2.650 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua.

Cùng ngày 10/12, HĐQT LienVietPostBank cũng công bố đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng lượng trái phiếu chào bán là 40 triệu trái phiếu chia làm 2 đượt (trái phiếu 7 năm và trái phiếu 10 năm), tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 4.000 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác