- Ma trận ngành công nghiệp… lừa đảo trên mạng - Bài 1: Bẫy tình
- Ma trận ngành công nghiệp… lừa đảo trên mạng - Bài 2: Bẫy “đánh” chứng khoán trên sàn… quốc tế
- Ma trận ngành công nghiệp… lừa đảo trên mạng, Bài 3 - Bẫy Forex: “Cho” hơn 3 tỷ đồng để lừa… 2,5 tỷ đồng
- Ma trận ngành công nghiệp… lừa đảo trên mạng - Bài 4: Mặt trái đáng sợ của công nghệ AI
Bài 5: Bẫy trong bẫy, tột cùng tinh vi, tận cùng lừa đảo
Sau khi dùng cả công nghệ AI để giăng bẫy như mạng nhện mọi ngóc ngách, lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng, tổ chức tội phạm còn tiếp tục cài “bẫy trong bẫy” rất tinh vi. Đây là cuộc tấn công tâm lý nhắm vào những điểm yếu nhất của con người, là sự tiếc của, tuyệt vọng và thiếu hiểu biết, tạo ra một vòng lặp khiến nạn nhân của một vụ lừa đảo có thể trở thành mục tiêu của những vụ lừa đảo tiếp theo.
Bẫy trong bẫy cấp độ 1
Ở cấp độ đầu tiên, băng nhóm lừa đảo thường đưa ra các lý do như sự cố kỹ thuật, nạp tiền muộn… để buộc nạn nhân phải đóng tiền phạt và chiếm đoạt tiếp số tiền này.
Một số đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng bị bắt giữ tại Công an tỉnh Tây Ninh. |
Như trường hợp chúng tôi đã đề cập ở bài 2 trong loạt bài này, sau khi “đánh” cháy tài khoản khiến bà H.Sương (ngụ tại TP. Thủ Đức, TP.HCM, tham gia “đánh” chứng khoán trên sàn… quốc tế) mất tiền thật là 9 tỷ đồng, nhóm lừa đảo vẫn chưa chịu buông con mồi. Lợi dụng tâm lý tiếc của và “con bạc khát nước”, chúng tạo ra “bẫy trong bẫy”, vừa khuyên bà H.Sương mở tài khoản khác để kiếm lời, vừa cùng góp thêm hàng trăm ngàn USD (thực chất là tiền ảo) để cùng đầu tư.
Bà H.Sương tiếp tục vay tiền nộp vào và lại mất thêm 4 tỷ đồng nữa, nâng tổng số tiền bị “bay hơi” lên 13 tỷ đồng.
Trường hợp của bà L.T.Hà (ngụ tại TP. Thủ Đức) cũng tương tự. Sau khi gài bẫy để bà L.T.Hà nạp vào tài khoản hàng tỷ đồng rồi không cho rút ra, nhóm lừa đảo giăng tiếp bẫy thứ 2, nói rằng bà nộp tiền chậm nhiều ngày, không đúng quy định của chương trình, nên phải đóng phạt 18.000 USD thì mới có thể hưởng các lợi ích và không bị mất tiền trong tài khoản. Khi bà L.T.Hà nộp tiền phạt xong, chúng lại “đẻ” tiếp lý do “tài khoản bị nghi ngờ rửa tiền, nên phải đóng thêm 20% tổng số tiền trong tài khoản” để tiếp tục moi tiền của “khổ chủ”.
Bẫy trong bẫy cấp độ 2
Ở cấp độ lừa đảo này, nạn nhân biết rõ là bị lừa đảo, mà vẫn có thể bị mất tiền tiếp.
“Những kẻ lừa đảo này không chỉ là những tên tội phạm thông thường, mà còn là những diễn viên tài ba, biết cách chơi đùa với lòng tin và cảm xúc của nạn nhân”, Ngô Minh Hiếu phân tích.
Nắm bắt tâm lý của người bị nạn là ban đầu thường lên các trang mạng xã hội để tìm lời khuyên, cách thức lấy lại tiền, hoặc đơn giản chỉ chia sẻ để “cộng đồng mạng” tránh bị lừa, những kẻ lừa đảo tạo ra các trang web, trang/nhóm trên Facebook chia sẻ “vấn nạn lừa đảo online” và cài các từ khóa liên quan để nạn nhân dễ tìm kiếm.
Sau khi “con mồi dính câu”, kẻ lừa đảo trực tiếp hoặc dùng công nghệ AI giả mạo luật sư, nhân viên ngân hàng, hay chuyên gia công nghệ thông tin buông những lời chia sẻ, ủi an nạn nhân, “mắng chửi” bọn lừa đảo thậm tệ, phân tích các hành vi lừa đảo và tội danh..., rồi hứa hẹn giúp nạn nhân lấy lại tiền một cách nhanh chóng.
Được an ủi, được “khai sáng” pháp lý và được hứa hẹn như vậy, nạn nhân như “chết đuối vớ được phao”, sẵn sàng chuyển một khoản tiền gọi là “phí dịch vụ”. Khi khoản tiền này được chuyển đi, những kẻ lừa đảo sẽ biến mất không dấu vết.
Bẫy trong bẫy ở cấp độ này không chỉ nhắm vào nạn nhân chơi chứng khoán quốc tế, đầu tư Forex (thường có nhiều tiền), mà cả nạn nhân của các vụ mua bán hàng.
Điển hình, bà T.K.Thanh (ngụ tại TP.HCM) bức xúc gửi đơn thư tới Dự án Chống lừa đảo trên mạng cho hay, sau khi bị lừa 12 triệu đồng vì mua hàng trên một trang bán hàng online, bà bức xúc, “bung” thông tin lên Facebook để bạn bè tránh bị lừa, thì có một người “tận tình” gửi link trang web của một văn phòng luật sư (xin tạm chưa nêu tên), nói rằng văn phòng này sẽ hỗ trợ bà lấy lại tiền, vì họ có cả đội an ninh công nghệ thông tin.
“Tôi vào trang web kia và rồi lại bị lừa mất tiền tiếp!”, bà T.K.Thanh uất nghẹn.
Bẫy trong bẫy cấp độ đa tầng
Nắm bắt tâm lý nạn nhân khi bị mất tiền, nhất là với số tiền lớn, sẽ kêu cứu tới cơ quan công an, nhóm lừa đảo giả mạo luôn cả 3 cấp hành pháp là cán bộ công an, viện kiểm sát, thậm chí cả thẩm phán tòa án, tạo thành bẫy lừa đa tầng. Ở thời điểm hiện tại, đây là bẫy cấp độ cao nhất, tinh vi nhất và bất chấp nhất.
Với bẫy này, băng nhóm lừa đảo sẽ vét đến đồng xu cuối cùng, nếu nạn nhân chưa dừng... kêu cứu. Đáng sợ hơn, băng nhóm lừa đảo khiến nạn nhân hoang mang, tuyệt vọng và mất niềm tin vào sự giúp đỡ từ cộng đồng, từ các cơ quan chức năng.
Minh chứng mới nhất, theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an các địa phương bắt giữ 32 nghi can thuộc đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của nhiều nạn nhân.
Cơ quan công an xác định, các nghi phạm trong băng nhóm này là người Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), hoạt động lừa đảo thông qua công ty của nước ngoài, gồm 3 tuyến D1, D2 và D3.
D1 là nhóm giả danh cơ quan chức năng gọi điện cho nạn nhân thông báo số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa sim, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa, vì nạn nhân đang liên quan đến các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang bị các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội. Khi nạn nhân đã tin tưởng, rơi vào bẫy, nhóm này sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho nhóm D2.
- Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)
Ở nhóm D2, kẻ lừa đảo giả danh cán bộ công an, hoặc kiểm sát viên thông báo cho nạn nhân việc giấy tờ tùy thân của nạn nhân đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội, yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại. Sau khi nạn nhân dính bẫy, nhóm này yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin về tài sản (tài khoản ngân hàng, mật khẩu, sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ...) để chuyển cho nhóm D3 xác minh.
D3 là đối tượng cầm đầu đường dây, yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP; rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào ngân hàng của đối tượng và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của nạn nhân.
“Hành vi của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến ngày một tinh vi và phức tạp. Các đối tượng hoạt động theo quy mô lớn thông qua không gian mạng một cách chuyên nghiệp. Điều này khiến việc nhận diện và xử lý lừa đảo của cơ quan chức năng sẽ trở nên thách thức và khó khăn hơn bao giờ hết”, Cục An toàn thông tin nhận định.
Và những lời khẩn cầu
Không chỉ người dân gặp nạn khẩn cầu, mới đây, đến cả ngân hàng, vốn là cơ quan có mức độ bảo mật rất cao, cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt hơn nữa.
Cụ thể, đầu năm 2024, nhiều chi nhánh tại TP.HCM của các ngân hàng nước ngoài như Industrial Bank of Korea, First Commercial Bank, DBS Bank Ltd gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phản ánh, thời gian qua xảy ra việc một số cá nhân giả là nhân viên của ngân hàng, sử dụng mạng xã hội để kết bạn, yêu cầu những người có nhu cầu vay vốn truy cập vào các đường link do các đối tượng này cung cấp nhằm khai thác thông tin cá nhân và đề nghị những người này chuyển tiền trước để được cho vay hoặc đặt cọc để được giải ngân khoản vay. Sau đó, các đối tượng này chiếm đoạt các khoản tiền đã được chuyển.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, tình trạng nói trên đã xảy ra từ cuối năm 2021 và sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức tín dụng liên quan thực hiện rà soát, chấn chỉnh, xử lý nội bộ để tránh rủi ro cho hoạt động của đơn vị mình; đồng thời đề nghị các đơn vị có văn bản báo cáo sở, ngành chuyên môn xử lý tổ chức giả mạo địa chỉ hợp pháp của tổ chức tín dụng; trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì chuyển hồ sơ liên quan đến cơ quan điều tra để phối hợp xử lý theo thẩm quyền.
Với phản ánh mới đây từ các ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, “hiện tượng sử dụng thông tin, hình ảnh của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn TP.HCM để thực hiện hành vi lừa đảo lại tiếp diễn và đang diễn ra phức tạp, có khả năng sẽ có nhiều tổ chức tín dụng bị các đối tượng sử dụng thông tin, hình ảnh, thương hiệu để lừa đảo, trục lợi, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM, nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để”.
Còn với người dân là nạn nhân, bên cạnh “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” và đề cao cảnh giác, các “khổ chủ” rất mong cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, đồng bộ hơn nữa, thậm chí ra quân giống như xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với vấn nạn lừa đảo trên mạng.