Đòn bẩy cho thị trường
Theo tài liệu của Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, năm 2016, bất động sản vẫn là ngành được đánh giá khá cao, với mức tăng trưởng 9,63%. 6 tháng đầu năm 2017, thị trường này tiếp tục đón nhận các thương vụ M&A mới. Đáng chú ý là việc CapitaLand chi gần 52 triệu USD mua lại khu đất hơn 5.000 m2 tại phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM.
Cùng kỳ, CapitaLand công bố mua lại 90% cổ phần của Công ty TNHH CapitaLand Thanh Niên - đơn vị sở hữu khu đất rộng 8.000 m2 tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM để phát triển dự án gồm 317 căn hộ. Keppel Land (Singapore) chi 37 triệu USD để tăng tỷ lệ cổ phần trong Dự án Saigon Centre lên 16%.
Dự án Saigon One Tower tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: Gia Huy |
Bà Nguyễn Mỹ Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước lạc quan cho rằng, sẽ có nhiều thương vụ M&A hơn nữa diễn ra và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới, đẩy thị trường bất động sản lên một bước mới, chuyên nghiệp hơn. Các dự án sẽ được phát triển bài bản, hiện đại hơn và rủi ro cho khách hàng cũng ít hơn.
Theo ông Stephen Wyatt, Giám đốc quốc gia JLL Việt Nam, có hàng triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đang chờ đổ bộ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu M&A không còn gói gọn ở một phân khúc, mà sẽ phát triển ở hầu hết các phân khúc khác nhau như nhà ở, văn phòng cho thuê, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. “Đặc biệt, các nhà đầu tư ngoại có khẩu vị mới là những dự án thương mại, nhất là những dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng cao”, ông Stephen Wyatt nói.
Đột phá ở đâu?
Theo giới phân tích thị trường, những đột phá cho thị trường M&A bất động sản sẽ đến từ những dự án đắp chiếu và những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Trong đó, những dự án đắp chiếu có lợi thế pháp lý đầy đủ, đã xây dựng dở dang… Trong khi đó, việc xin phép xây mới dự án là một bài toán khó với các chủ đầu tư.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chuỗi dự án của Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower Phạm Văn Đồng, Nam Đàn Plaza, B5 Cầu Diễn, Ha Noi Times Tower, Binh Đoàn 12, PVV Vinapharm, Usilk City… tại Hà Nội; hay Saigon One Tower, PetroVietnam Landmark Tower, 584 Tân Kiên, DB Tower, V-Ikon… tại TP.HCM đang nằm trong danh sách dự án đắp chiếu chờ hồi sinh.
Ngoài việc lợi thế về diện tích, vị trí đẹp, việc thâu tóm quỹ đất của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa còn giúp chủ đầu tư tránh được những vấn đề về đền bù giải tỏa, giá đất đền bù chỗ cao chỗ thấp dẫn đến kiện tụng và dự án phải kéo dài… Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc HungThinh Land khẳng định, một lợi thế mà doanh nghiệp kinh doanh bất động sản luôn nhìn thấy là quỹ đất này còn dồi dào, có thể thâu tóm để phát triển từ dự án cao cấp tới tầm trung…