Chuyển động thị trường
Thị trường bất động sản: Mặt bằng bán lẻ cần chất hơn lượng
Hà Quang - 12/08/2017 08:51
Tuy có nền tảng phát triển tiềm năng, nhưng điều thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam cần không chỉ đơn thuần là lượng, mà còn là chất, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng thay đổi từng ngày của người Việt.

Những thế lực lớn

Vincom Retail - công ty thành viên quản lý hệ thống trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup đang có kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi khai trương 8 trung tâm thương mại Vincom Plaza và Vincom+ trong quý II/2017. Với tổng số 40 trung tâm thương mại tại 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, Vincom Retail dự kiến huy động khoảng 600 triệu USD. Cùng với hệ thống hơn 1.000 cửa hàng VinMart trên khắp cả nước do Vincommerce quản lý, Vingroup có hệ thống cửa hàng bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM quý II/2017 giảm 2% so với quý trước đó

Ngược với cách làm “thần tốc” của Vingroup, Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) lại chọn hướng đi “chậm mà chắc”. Sau 1 năm rưỡi khai trương và vận hành thành công Aeon Long Biên, Công ty TNHH Aeon Việt Nam mới công bố kế hoạch đầu tư trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội. Với quy mô hơn 200.000 m2 sàn xây dựng trên diện tích 9,6 ha tại quận Hà Đông (hợp tác cùng Tập đoàn BIM Group), khi đi vào hoạt động (quý IV/2019), Aeon Hà Đông sẽ là một trong những trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất Hà Nội.

Điểm chung ở Aeon Mall và hệ thống bán lẻ của Vingroup là tiềm lực tài chính và hệ thống doanh nghiệp hỗ trợ lớn mạnh. Tại Vincom Plaza hay Aeon Mall, khách hàng không chỉ mua sắm hàng hóa, mà còn đến để vui chơi, giải trí. Thực tế này khiến các chủ đầu tư trong lĩnh vực mặt bằng bán lẻ phải tính toán kỹ lưỡng hơn khi thu hút khách thuê mặt bằng.

Trong quý II/2017, tại Hà Nội, chỉ có 2 dự án có khối đế dành cho mặt bằng bán lẻ gia nhập thị trường là Hanoi Center Point (6.400 m2) và Artemis (27.000 m2) cùng nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân. Tại TP.HCM có 4 dự án mới, thì 2 trung tâm thương mại của Vingroup là Vincom Plaza Bình Thạnh và Vincom+ tại quận 2; 2 dự án còn lại là Trung tâm thương mại Rome A tại quận 3 (9.600 m2) và Pearl Centre tại quận 2 (rộng 20.000 m2).

Trong quý II/2017, công suất thuê tương đối ổn định, nhưng giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM giảm 2% so với quý I/2017. Nguyên nhân được chỉ ra là nhiều dự án mới có mức giá cạnh tranh, nên các trung tâm thương mại và trung tâm bách hóa có xu hướng giảm giá.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về xu hướng tiêu dùng, bán lẻ tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, bán lẻ Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, với vị trí xếp hạng thứ 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số Phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney. Tuy có một nền tảng phát triển tiềm năng, nhưng điều thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam cần không chỉ đơn thuần là lượng, mà còn là chất.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế, với những thay đổi sâu sắc trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Điều này thể hiện rõ trong sự chênh lệch về tỷ lệ mở rộng giữa các ngành hàng bán lẻ. Thời trang bình dân với mức giá phải chăng đang là ngành hàng phát triển mạnh nhất. Tiếp đó, các ngành hàng khác như rạp chiếu phim, giải trí và ẩm thực cũng trên đà phát triển. Các doanh nghiệp bán lẻ đang dần nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng những nhu cầu thường nhật của khách hàng và đưa ra những mức giá phù hợp hơn.

“Để tồn tại, các dự án bất động sản bán lẻ mới cần phải đưa ra các thiết kế và tiện ích mới mẻ và sáng tạo nhằm thu hút khách hàng. Trong đó, cần lưu ý xu hướng kết hợp với các tiện ích công viên giải trí, thời trang, thể thao…, mà một số dự án đã ứng dụng thành công”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác