Trang trại vịt sinh sản của ông Sơn đang được áp dụng quy trình chăm sóc khép kín. |
Trứng và con giống luôn cháy hàng
Nhìn đàn vịt thoải mái bơi lội, trắng xóa một vùng rộng lớn của ông Mai Văn Sơn (xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), những người quen ông đều biết rằng, đó là kết quả tích lũy từ hàng chục năm hành nghề buôn trứng và vịt giống.
Với đặc thù công việc được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều trang trại chăn nuôi vịt trên địa bàn huyện Hải Hậu, ông Sơn học hỏi được cả kho kiến thức về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc loài gia cầm này. Năm 2009, nhận thấy nhu cầu mua trứng vịt ngày càng nhiều, ông Sơn bàn bạc với gia đình, rồi quyết tâm trở thành ông chủ trang trại vịt.
“Với những kiến thức tích lũy được qua nhiều năm kinh doanh trứng, vịt, lúc đó, tôi tự tin khẳng định với gia đình chắc chắc sẽ thành công và được mọi người ủng hộ. Tôi tìm được mảnh đất rộng hơn 3 mẫu tại xã Hải Thanh (huyện Hải Hậu), cải tạo lại ao nuôi rồi dồn toàn bộ số tiền tích cóp được trong nhiều năm mua hơn 1.000 con vịt giống về chăm sóc”, ông Sơn kể.
Nhờ vốn kiến thức dày dặn lại là người có tính chu đáo, cẩn trọng, từ khi mở trang trại chăn nuôi vịt đến nay, gia đình ông Sơn chưa gặp bất cứ sự cố hay dịch bệnh xảy đến với đàn vịt. “Từ khi làm trang trại, gia đình tôi áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học từ khâu chọn giống, thực hiện phòng bệnh bằng vắc-xin theo lứa tuổi, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, xử lý chất thải trong chăn nuôi nên đảm bảo an toàn dịch bệnh, đàn vịt luôn khỏe mạnh, đẻ nhiều trứng”, ông Sơn bật mí.
Nhờ đó, số lượng đàn vịt cứ năm sau nhiều hơn năm trước, đến nay đã đạt 10.000 con vịt siêu chuyên đẻ trứng bán thương phẩm và 4.000 con vịt bầu cánh trắng đẻ trứng để ấp làm con giống, cung cấp cho người dân, trang trại đã được mở rộng tới hơn 5 ha, cứ đà này, gia đình ông còn phát triển quy mô hơn nữa.
Nhờ cách làm bài bản, cả trứng và vịt giống của gia đình ông Sơn luôn đạt chất lượng nên thường xuyên trong tình trạng “cháy hàng”. Mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, nhưng sản lượng trứng của trang trại vẫn xuất bán hết. Thậm chí, có thời điểm giá trứng còn tăng lên trên 2.500 đồng/quả.
Ông Sơn tiết lộ: “Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về trên dưới 500 triệu đồng. Hiện, mỗi ngày gia đình ông xuất bán hơn 2.000 con vịt giống với giá 5.000 - 10.000 đồng/con, 9.000 quả trứng thương phẩm với giá 2.000 - 2.500 đồng/quả.
Sản phẩm OCOP 3 sao
Để đảm bảo chất lượng trứng và con giống cũng như an toàn cho đàn vịt, gia đình ông Sơn đang chăn nuôi vịt theo mô hình khép kín từ sản xuất con giống đến đầu ra sản phẩm. “Chúng tôi tự sản xuất con giống để cung cấp cho người dân và phục vụ cho việc nhân đàn trong trang trại. Vịt sau khi đẻ trứng sẽ được thu gom, phân loại và khử trùng theo quy trình”, ông Sơn chia sẻ.
Để đàn vịt sống khỏe, ông Sơn chia hơn 5 ha đất thành 5 ao nuôi; ao to nhất rộng 4 mẫu, ao nhỏ nhất rộng hơn 1 mẫu. Hệ thống bờ ao được kiên cố hóa, rộng 7 - 20m; xung quanh các ao được trồng nhiều cây xanh, tạo bóng mát cho vịt trú ngụ. Vịt được nuôi gối lứa và nuôi theo kiểu bán chăn thả, có sân chơi, ao bơi…
Theo ông Sơn, trang trại thường xuyên phun thuốc khử trùng định kỳ cả trong và ngoài chuồng, các ao nuôi được xử lý bằng dung dịch hóa chất và được thay nước thường xuyên. Nhờ vậy, xung quanh chuồng trại, ao nuôi luôn sạch sẽ, không bốc mùi hôi thối.
Tung thức ăn cho đàn vịt, ông Sơn hào sảng cho biết, vịt siêu trứng và vịt bầu cánh trắng là loài gia cầm dễ nuôi, sức đề kháng tốt, đẻ trứng sai. Trong đó, vịt siêu trứng đẻ từ 250 - 300 quả/năm. “Để đàn vịt đẻ luôn khỏe mạnh thì khâu chọn con giống rất quan trọng, ngoài ra phải tiêm vắc xin phòng chống cúm định kỳ cho đàn vịt… Khi vịt bắt đầu đẻ trứng bói thì dừng tiêm vắc xin, tập trung bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào thức ăn để trứng thơm, ngon hơn”, ông chia sẻ.
Đánh giá mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình ông Sơn, ông Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu (Nam Định) cho biết: “Trang trại của ông Sơn chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ sản xuất con giống đến xuất bán trứng sạch thương phẩm ra thị trường, ở xa khu dân cư, hiệu quả cao. Hiện, trứng vịt của trang trại đã được chọn là sản phẩm OCOP cấp tỉnh”.
Nhờ trứng được công nhận là sản phẩm OCOP, đầu ra của trang trại ổn định, giá cao không chỉ giúp gia đình ông Sơn làm giàu, mà còn đáp ứng một phần nhu cầu về thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, mô hình cũng là nơi tham quan, học tập kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi; thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa an toàn về chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.