Siết hay “né”?
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tiếp ra văn bản nhắc nhở các ngân hàng thương mại kiểm soát tín dụng bất động sản do mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực này thời gian qua là rất lớn. Ngay sau công văn nhắc nhở của Ngân hàng Nhà nước, đại diện nhiều ngân hàng cho biết, họ đã giảm dần cho vay các dự án bất động sản.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam xác nhận, theo phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản, dòng vốn ngân hàng đổ vào lĩnh vực này đang được siết lại.
Mặc dù phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cho biết, tín dụng bất động sản đã giảm so với trước, song theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng bất động sản có thể đang ẩn trong tín dụng tiêu dùng.
Bất động sản đang thu hút nguồn tín dụng rất lớn của các ngân hàng (ảnh minh họa) |
“Cần xem lại tín dụng bất động sản. Mặc dù tín dụng bất động sản năm nay chỉ tăng 12%, giảm hơn so với mức tăng 28% của năm ngoái, song tín dụng tiêu dùng lại tăng gần 40%, trong đó, một nửa liên quan đến nhà ở”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo.
Theo ông Phước, dù phân bổ vốn năm nay đã hợp lý và thực chất hơn, song vẫn phải lưu ý vốn đi vào bất động sản để tránh bong bóng như những năm trước.
Minh chứng rõ ràng là năm 2016, tăng trưởng kinh tế chậm hơn năm ngoái, song tín dụng vẫn tăng trưởng rất tốt. Trong đó, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của nhiều ngân hàng lên tới 40 - 50%. Đồng thời, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ấm lên với dòng tiền đổ vào liên tục. Những năm gần đây, việc các ngân hàng và chủ đầu tư bất động sản bắt tay nhau thực hiện các dự án cũng ngày càng nhiều.
Việc ngân hàng ưa cho vay bất động sản là điều dễ hiểu, song tín dụng bất động sản không rõ ràng, minh bạch khiến các chuyên gia lo ngại rủi ro không được nhận diện hết.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu các ngân hàng tập trung quá nhiều vào cho vay bất động sản, nợ xấu sẽ có nguy cơ quay trở lại. Điều này vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh nợ xấu vẫn chủ yếu là “nhốt kho”, chứ chưa được xử lý triệt để.
Chưa nguy hiểm, song phải minh bạch
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề có hay không việc ngân hàng “lách” tín dụng bất động sản, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần giải thích: “Ngân hàng Nhà nước chỉ nhắc nhở các ngân hàng về rủi ro cho vay các dự án bất động sản để hạn chế đầu cơ. Còn với các nhu cầu cho vay mua nhà để ở của người dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích. Trên thực tế, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở. Việc ngân hàng thương mại xếp cho vay mua nhà vào cho vay tiêu dùng là hợp lý, chứ không phải là lách luật”.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, thời gian qua, rủi ro cho vay bất động sản chủ yếu do ngân hàng cho vay các dự án “sân sau”, các dự án có chủ đầu tư kém năng lực hoặc có tính đầu cơ. Còn đối với cho vay cá nhân mua, sửa chữa nhà ở, thì tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Chưa kể, cho vay mua nhà, ngân hàng luôn có tài sản đảm bảo giá trị, có tính thanh khoản cao. Tất nhiên, bất động sản luôn có tính chu kỳ và nguy cơ bong bóng, song các ngân hàng đã từng nếm đòn đau vì bong bóng bất động sản, nên sẽ rất cẩn trọng trong giải ngân, không có chuyện cho vay vô tội vạ.
Đứng ở góc độ khác, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Cần phải hiểu đúng mức độ cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước, không nên làm dấy lên trào lưu hạn chế tín dụng vào bất động sản, vì đây là thị trường nền tảng của cả nền kinh tế. Chỉ khi thị trường bất động sản phục hồi, chúng ta mới có thể xử lý nợ xấu, tăng trưởng kinh tế. Nếu đối xử lạnh lùng và ngây ngô với bất động sản, chúng ta sẽ tự cầm gậy đánh vào chân mình”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Mặc dù vậy, thực tế không thể phủ nhận là, thời gian qua, các nhà đầu tư tung ra quá nhiều dự án bất động sản cao cấp (chiếm tới 30 - 40% nguồn cung), trong khi nhà ở thương mại giá rẻ, nhà thu nhập thấp chỉ chiếm dưới 10%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết. Bởi nếu các ngân hàng tiếp tục rót vốn vào phân khúc cao cấp - phân khúc không xuất phát từ nhu cầu thực, mà phần nhiều là nhu cầu đầu cơ, thì thị trường sẽ dần bất ổn. Mặc dù cho vay bất động sản hiện nay chưa đến mức nguy hiểm, song nếu tiếp tục “lệch pha” và không minh bạch, nợ xấu trong lĩnh vực này sẽ khó nhận diện và khó xử lý.
Chưa kể, việc Ngân hàng Nhà nước chặt chẽ hơn trong cho vay bất động cũng giúp thị trường sàng lọc các chủ đầu tư, doanh nghiệp kém năng lực, từ đó giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư và cả các ngân hàng.