Doanh nghiệp
Masan, Fujimart, Uniqlo, Aeon, Takasimaya... thay đổi cấu trúc kinh doanh bán lẻ
Anh Hoa - 30/05/2021 10:00
Thời cơ của ngành bán lẻ trong thời gian tới chủ yếu là thay đổi cấu trúc kinh doanh, trong đó có đầu tư mạnh mẽ cho kênh thương mại điện tử, thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Hiện khách hàng có xu hướng mua online, nên các nhà bán lẻ đang tìm cách thay đổi cấu trúc kinh doanh.

Offline “đi chậm”

Siêu thị Fujimart thuộc Fuji Mart Vietnam Retail LLC - “đứa con chung” của Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation vừa đưa thêm siêu thị số 3 tại Hà Nội vào hoạt động.

Sau gần 5 năm bắt tay nhau, Fujimart mới phát triển được 3 siêu thị. Đây là con số rất khiêm tốn khi cả hai đều là những “ông lớn”, với những thế mạnh riêng trên thị trường. Thời điểm bắt tay nhau, thị trường tưởng chừng Fujimart sẽ có tốc độ phát triển chóng mặt, bởi chuyện tìm mặt bằng bán lẻ đối với BRG được cho là dễ như trở bàn tay.

Kantar, một công ty tư vấn, đã báo cáo rằng, có khoảng 40% người tiêu dùng hiện đã chuyển sang mua sắm trực tuyến trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Người tiêu dùng có thể quay trở lại mua sắm truyền thống tại các cửa hàng khi hết dịch, nhưng vẫn còn một số lượng lớn người tiêu dùng vẫn thích được mua sắm trực tuyến hơn.

Lý giải về sự chậm trễ này, đại diện FujiMart Việt Nam khẳng định, thay vì nhân rộng mô hình một cách gấp gáp, FujiMart luôn cân nhắc và lên kế hoạch cẩn trọng. Trước đó, FujiMart mất gần 2 năm để nghiên cứu rồi quyết định mở siêu thị thứ 2.

Ông Keisuke Hitotsumatsu, Tổng giám đốc FujiMart Việt Nam từng khẳng định, mục tiêu chính là phục vụ tốt nhất cho cộng đồng dân cư xung quanh nơi siêu thị mở cửa. Trong khi cuộc đua tìm kiếm và lựa chọn mặt bằng đẹp chỉ là một trong những tiêu chí ưu tiên của những tập đoàn lớn như Sumitomo.

Hơn nữa, chiến lược “chậm chân” của FujiMart không phải ngoại lệ, thường thì nhà đầu tư Nhật Bản luôn có sự cẩn trọng nhất định. Các nhà bán lẻ Nhật Bản như Uniqlo, Aeon, Takasimaya... đều có cách đi chậm đó.

Chẳng hạn, Uniqlo cũng phải mất tới 2 năm để mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam. Lý do bởi giá thuê mặt bằng tại Việt Nam quá cao nên mất nhiều thời gian tìm kiếm địa điểm phù hợp cho cửa hàng. Tuy nhiên, khi xác định Việt Nam là một thị trường trọng điểm tại Đông Nam Á, Uniqlo cũng mở rất nhanh. Hiện Uniqlo đã có tới 8 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM và dự kiến tăng quy mô lên 15-20 cửa hàng trên cả nước.

Trong khi đó, Takashimaya được biết như một “người khổng lồ” trong lĩnh vực bán lẻ của Nhật Bản. Thương hiệu này chuyên sở hữu những trung tâm thương mại cao cấp nhắm đến đối tượng khách hàng thuộc phân khúc trung và thượng lưu. Ngoài việc tự đầu tư các trung tâm thương mại độc lập tại thị trường Việt Nam, Takashimaya vừa bắt tay với Tập đoàn Trung Thủy đầu tư Dự án Lancaster Luminaire, nhằm tạo nên một khu thương mại cao cấp ngay tại Hà Nội.

Thị trường bán lẻ gần đây thu hút các tên tuổi ngoại đạo. Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa nhận chuyển nhượng lại toàn bộ vốn Công ty TNHH Emart Việt Nam và trả phí nhượng quyền thương hiệu cho Emart Hàn Quốc để vận hành, mở rộng hoạt động. Sau khi về tay Thaco, chuỗi này sẽ có 10 siêu thị vào năm 2025. Động thái của Emart cho thấy, họ đang cơ cấu lại danh mục đầu tư, không đầu tư dàn trải bằng cách dùng công cụ mua bán - sáp nhập (M&A) để rút khỏi thị trường Việt Nam.

Tìm cách tiếp cận khách hàng nhanh nhất

Giới chuyên môn cho rằng, việc mở rộng các chuỗi cửa hàng vật lý vẫn được coi là chiến lược hữu ích đối với các thương hiệu tiêu dùng đắt tiền, nhưng hàng tiêu dùng thiết yếu thì không nhất thiết. Các thương hiệu bán lẻ, tiêu dùng đang tìm cách để tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng qua việc đầu tư mảng online.

Động thái bán khoảng 5,5% vốn cổ phần sau phát hành của công ty con The CrownX cho Alibaba và Baring Private Equity Asia, với giá 400 triệu USD của Masan là một cách chớp thời cơ.

The CrownX là nền tảng bán lẻ tiêu dùng của Masan, mới được thành lập năm 2020 dựa trên việc sáp nhập Masan Consumer Holdings (MCH) và VinCommerce (VCM) - đơn vị sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+.

Alibaba, Lazada được kỳ vọng sẽ trở thành “phao cứu sinh” cho hơn 130 siêu thị VinMart và 2.900 siêu thị mini VinMart+. Tại các cửa hàng này sẽ trở thành điểm nhận hàng cho các đơn hàng trực tuyến. 

Có thể thấy, xu hướng hiện nay là các doanh nghiệp không còn chiến lược tăng tốc độ phủ bằng cách mở càng nhiều cửa hàng càng tốt để thu hút người tiêu dùng, mà thương hiệu nào có cách tiếp cận nhanh nhất với khách hàng mới là quan trọng.

Nếu trước đây muốn tham gia bán lẻ chỉ cần mở các cửa hàng ở con phố sầm uất, tạo sự thuận tiện cho khách hàng, bước chân ra đường là có cửa hàng để mua, thì nay câu chuyện đã khác. Ngay cả những tập đoàn lâu năm trong các lĩnh vực cũng đang có xu hướng đóng bớt, thậm chí đóng toàn bộ cửa hàng.

Chẳng hạn, tháng 6/2020, Tập đoàn công nghệ Microsoft đóng cửa toàn bộ 83 cửa hàng bán lẻ Microsoft Store trên toàn thế giới. Thay vào đó, tập trung vào cửa hàng trực tuyến của mình tại Microsoft.com, nơi khách hàng được hỗ trợ mua hàng, hướng dẫn.

Cùng với việc đóng toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ, Microsoft quyết định chuyển đổi 4 cửa hàng tại London (Anh), New York (Mỹ), Sydney (Australia) và tại trụ sở của Công ty ở Redmond, Washington (Mỹ) thành 4 trung tâm trải nghiệm sản phẩm dành cho khách hàng và người dùng.

Hiện Microsoft tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống cửa hàng trực tuyến trên Microsoft.com và các cửa hàng trên Xbox và Windows, với lượng tiếp cận hơn 1,2 tỷ người dùng mỗi tháng tại 190 quốc gia.

Trong bối cảnh Covid-19, phần lớn doanh nghiệp bán lẻ đều đối mặt với tình trạng các cửa hàng truyền thống phải đóng cửa, khi nhiều người tiêu dùng đã chuyển đổi sang các nhà bán lẻ trực tuyến. Các đơn đặt hàng tạp hóa trực tuyến tăng cao vì người tiêu dùng không muốn ra khỏi nhà và không muốn đi siêu thị bởi lo ngại dịch bệnh. Bởi thế, thay đổi cấu trúc kinh doanh là bài toán sống còn với doanh nghiệp lúc này.

Tin liên quan
Tin khác