Doanh nghiệp
Mất lợi thế nguyên liệu, Ống thép Việt Đức chững lại
Chí Tín - 17/03/2017 15:51
Trong quý I/2017, Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức (VG PIPE) có thể đạt tổng doanh thu 950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng. So với kết quả năm 2016, có vẻ như tốc độ tăng trưởng đang có chiều hướng chững lại đối với đại gia đang lên này.

Trong năm 2016, VG PIPE đạt tổng doanh thu gần 4.580 tỷ đồng, tăng trưởng tới 33% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 81,5 tỷ đồng, tăng trưởng 77,6%. Tuy nhiên sang năm 2017, quý đầu tiên gần trôi qua, nhưng kết quả doanh thu và lợi nhuận đều chưa đạt 1/4 so với kết quả cả năm 2016. Thực trạng này đã dẫn tới sự hoài nghi về khả năng duy trì đà tăng trưởng của VG PIPE trong năm 2017.

Cổ phiếu VGS của VG PIPE hiện là một trong số ít các cổ phiếu đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách.

Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Đầu tư, bà  Nguyễn Thị Nhi, Phó tổng giám đốc VG PIPE cho biết, năm 2016, hoạt động kinh doanh của Công ty tương đối thuận lợi, do giá nguyên liệu giai đoạn trước đó khá thấp và Công ty đã dự trữ được nguồn đầu vào với giá thấp từ trước đó. Tuy nhiên, sang giai đoạn hiện nay, lợi thế này không còn, nên việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước là khó khả thi.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo VG PIPE, Công ty luôn có nguồn đầu ra khá ổn định là các chủ đầu tư bất động sản lớn. Những khách hàng này thường có những kế hoạch đầu tư dài hơi, ít nhất khoảng 3 - 5 năm, nên đầu ra của Công ty ít bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn về cung - cầu thị trường.

Trong khi đó, đây cũng là doanh nghiệp có khá nhiều ưu thế trong lĩnh vực của mình. Năng lực sản xuất của Công ty trong năm 2015 đạt 750.000 tấn sản phẩm, năm 2016 đạt 950.000 tấn và dự kiến năm 2017 đạt 1,3 triệu tấn. Hiện tại, thị phần ống thép của VG PIPE chiếm khoảng 8,25%, đứng thứ 3 thị trường, chỉ sau 2 đại gia là Hòa Phát và Hoa Sen.

Cổ phiếu VGS của VG PIPE hiện là một trong số ít các cổ phiếu đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách.

Thị giá hiện tại của VGS là hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị sổ sách của Công ty đạt hơn 15.500 đồng/cổ phiếu.

Chỉ số P/B (thị giá/giá trị sổ sách) của cổ phiếu VGS chỉ vào khoảng dưới 0,8, trong khi chỉ số này của Hòa Phát là 1,75 và của Hoa Sen là 2,04.

 

Cơ cấu tài chính của VG PIPE cũng khá lành mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của VG PIPE hiện chỉ khoảng 1,6 lần, khá thấp so với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành. Chẳng hạn, tỷ lệ này của Hoa Sen là 2,04 lần, Thép Nam Kim là 3,01 lần, Thép Việt Ý là 3 lần, Thép Dana - Ý là 5,66 lần…

Đánh giá về tiềm lực tài chính của VG PIPE, ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VietinBank cho biết, đây là công ty thường xuyên trả cổ tức cao bằng tiền mặt. Đó cũng là một tín hiệu cho thấy Công ty có nguồn tài chính tốt, lợi nhuận có được từ nguồn tiền thật, chứ không phải từ “kỹ xảo” tạo ra lợi nhuận trên sổ sách.

Để tìm hiểu kỹ hơn về các số liệu tài chính của Công ty, phóng viên Báo Đầu tư đã vào trang web của VG PIPE tại địa chỉ vgpipe.com.vn nhằm tra cứu báo cáo tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý IV/2016, Công ty chỉ đưa lên website bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh, không có thuyết minh báo cáo tài chính và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Trong khi đó, tại Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán thì báo cáo tài chính khi công bố phải bao gồm đầy đủ các báo cáo, phụ lục, thuyết minh theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp.

Trở lại những nội dung về tiềm năng cổ phiếu VGS, một số chuyên gia phân tích cho biết, chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của VGS đang ở mức 5 - 6 lần, là mức trung bình so với nhóm cổ phiếu thép, nhưng vẫn khá thấp so với toàn thị trường. Do đó, dư địa đi lên cho cổ phiếu VGS nói riêng và cho nhóm cổ phiếu thép vẫn còn nhiều triển vọng và đây có thể vẫn là một trong những nhóm ngành hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2017.

Tin liên quan
Tin khác