Hiện tượng SMC
Lĩnh vực kinh doanh của SMC được nhiều chuyên gia nhận định là có khả năng sinh lời thấp, nhưng từ đầu năm, khi nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng tăng dần đều, kết quả kinh doanh tính đến quý III/2016 của Công ty khởi sắc, với mức lãi ròng gần 58 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với khoản lãi 1,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của SMC đạt 308 tỷ đồng, EPS đạt con số ấn tượng ở mức 9.646 đồng.
Theo Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép gắn liền với xây dựng hạ tầng, bất động sản, nên việc nhiều công trình hạ tầng đẩy nhanh tiến độ, thị trường bất động sản “ấm” trở lại đã kích thị trường thép tăng trưởng mạnh cả về tiêu thụ và sản xuất các chủng loại. Bối cảnh đó tạo hiệu ứng tích cực về doanh thu cho nhiều doanh nghiệp thép, trong đó có SMC.
Quy trình sản xuất khép kín sẽ giúp doanh nghiệp thép nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí. Ảnh: Lê Toàn |
Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSC thì cho rằng, thép xây dựng là mặt hàng đang được nhắc đến nhiều nhất. Nhu cầu về thép tăng khá mạnh ở các phân khúc sản phẩm như thép tấm, thép lá, thép ống, thép hình. Với biên lợi nhuận rất cao, đây là những phân khúc chủ lực khai thác của nhiều công ty.
Có thể nói, các mặt hàng chủ lực trên đã cứu SMC khi thị trường bất động sản nóng dần trở lại từ đầu năm 2016. Trước đó, SMC là một doanh nghiệp có thâm niên 28 năm trong ngành thép với các mặt hàng lợi nhuận thấp và lỗ nặng từ năm 2015. Tuy nhiên, từ quý II/2016, giá thép phục hồi rõ nét nhờ thị trường bất động sản và thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài bắt đầu có hiệu lực, tạo thành 2 yếu tố cộng hưởng giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép tăng lên rõ rệt.
Trong bối cảnh đó, cùng với Hòa Phát, SMC đã nhanh nhạy chủ động tích trữ nguyên liệu giá thấp trong quý I/2016 và đạt tăng trưởng lợi nhuận rất tốt trong quý II/2016, đảo ngược hoàn toàn so với quý IV/2015. “Thị trường bất động sản tăng trưởng, kèm theo việc đầu tư vào gia công sản phẩm cuối đã giúp nhiều doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng. Đặc biệt, có những doanh nghiệp xóa hết lỗ lũy kế trong năm 2015 như SMC, Thép Tiến Lên… SMC là một trong số rất ít doanh nghiệp ngành thép có tỷ lệ ROE cao nhất”, ông Đăng nói.
Bài học đau đớn
Theo đại diện SMC, với tình hình thị trường hiện nay, giá thép có xu hướng tăng, nhưng không bền vững. Do vậy, SMC vẫn lựa chọn giới hạn định mức hàng tồn kho chỉ vào khoảng 120.000 tấn đối với toàn bộ các sản phẩm, bao gồm cả thép xây dựng và thép dẹt. Dự kiến, lợi nhuận sau thuế cả hệ thống đạt 320-330 tỷ đồng năm 2016.
Quay lại giai đoạn mà SMC rơi vào lỗ nặng là năm 2015, doanh thu của SMC âm đến 195 tỷ đồng. Lý do là, từ đầu năm 2015, giá thép toàn ngành liên tục giảm mạnh, sự lao dốc của giá dầu và những vấn đề trong việc xử lý hàng hóa, nhất là hàng tồn kho. “Lượng hàng tồn cao nhất của SMC có khi tới 250.000 tấn thép, trong khi lượng tiêu thụ trung bình mỗi tháng chỉ khoảng 85.000 tấn”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC nói.
Tuy vậy, là một đơn vị gia công, chế biến thép, SMC phải đảm bảo tính liên tục trong việc cung cấp hàng hóa cho khách hàng là các nhà sản xuất công nghiệp, vì vậy Công ty không thể cắt giảm, xả kho ồ ạt như thời điểm chỉ kinh doanh thương mại thuần túy cách đây 9-10 năm. “Đây là bài học đau đớn buộc SMC phải thay đổi hoạt động kinh doanh và quản trị hàng tồn kho trên tiêu chí sức mình đến đâu làm đến đó, thay vì cố gắng tận dụng nhiều cơ hội để rồi rủi ro. Sai lầm chủ quan là SMC đã tiếp tục nhập nguyên liệu giá thấp hơn với kỳ vọng bù lỗ khi giá thép tăng trở lại”, ông Ngọc Anh nói.
Hiện SMC nắm 18% thị phần phân phối thép tại khu vực miền Nam với sản phẩm, hàng hóa đa dạng, chất lượng cao. Bên cạnh đó, SMC là công ty có hệ thống trung tâm hỗ trợ khách hàng lớn nhất nước.
Trước “sức hấp dẫn” về chỉ số tăng trưởng ổn định và phân khúc thép phục vụ bất động sản nhiều tiềm năng, SMC đã được nhiều đối tác nước ngoài “nhòm ngó” và Hanwa (Nhật Bản) được xem là “người nhanh chân” nhất. Theo tiết lộ của ông Nguyễn Ngọc Anh, Hội đồng Quản trị SMC vừa thống nhất giá phát hành cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược Hanwa Nhật Bản là 18.000 đồng/cổ phần. SMC cũng đang xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về mức giá này.
Lý giải về mức giá phát hành 18.000 đồng/cổ phần, ông Ngọc Anh cho biết, trước hết, Hanwa là đối tác chiến lược của SMC, đã hợp tác kinh doanh lâu năm, tạo được uy tín và hiệu quả kinh doanh giữa hai bên. Do đó, Hanwa muốn được ưu đãi giảm giá so với mức giá dự kiến là 22.000 đồng/cổ phần - mức giá SSI đã tư vấn.
Sau nữa, giá cổ phiếu SMC trên sàn tại thời điểm đàm phán khoảng 17.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu. Do vậy, HĐQT đã họp, cân nhắc và thống nhất phát hành riêng lẻ cho Hanwa ở mức giá 18.000 đồng/cổ phần, là mức giá phù hợp và thu hút nhà đầu tư.
Thách thức của SMC
Trong ngắn hạn, nguồn tài chính và cộng hưởng từ thương hiệu Hanwa sẽ tiếp tục là “trợ lực” hữu hiệu cho SMC. Về dài hạn, ông Nguyễn Ngọc Anh dự báo, giá thép phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới, vào giá dầu, vào chính sách vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc như cắt giảm sản lượng ngành than, siết chặt sản xuất của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Do đó, giá thép nếu có biến động sẽ khó giảm sâu, nói cách khác là có biên độ tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới, các chuyên gia cho rằng, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp.
Sau thuận lợi, nhận diện về các thách thức của doanh nghiệp ngành thép nói chung trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép, thì sản lượng nhập khẩu phôi thép mới giảm mạnh. Điều đó cho thấy, ngành sản xuất thép trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thời gian bảo hộ bằng thuế tự vệ kết thúc.
Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh ngành thép và đang tạo ra nhiều sức ép với các sản phẩm thép nội địa, vì có chi phí sản xuất thấp hơn. Lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ gây sức ép rất lớn đến ngành thép trong nước, đặc biệt là tác động từ Hiệp định Tự do thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN (ACFTA).
“Năm 2017, theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu thép sẽ được cắt giảm theo lộ trình. Điều này khiến các công ty trong ngành thép của Việt Nam nếu muốn tồn tại và phát triển, sẽ phải nâng cao tính cạnh tranh của mình”, ông Nguyễn Văn Sưa nhận định.
Trong khi đó, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là phôi thép và sản phẩm cuối cùng. Do vậy, muốn tồn tại, doanh nghiệp ngành thép cần tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn:
Thứ nhất, tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín. Điều sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí, sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao về giá; đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng khâu.
Thứ hai, khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành. Nếu doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư bài bản vào các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo, thì sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.
Thứ ba, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao. “Cả ba giải pháp này cũng chính là kinh nghiệm đúc kết của SMC trong giai đoạn vượt khó vừa qua”, ông Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.