| ||
Mục tiêu của công ty cổ phần May 10 là củng cố quan hệ với khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khách hàng mới cho cả những năm tới. |
Đơn hàng xuất khẩu đã ký xong cho cả quý II, quý III và khách hàng lớn vẫn tiếp tục chốt đơn hàng cho quý IV, nhưng Ban lãnh đạo Tổng công ty cổ phần May 10 (May 10) vẫn quyết định thực hiện chuyến đi khảo sát, gặp gỡ khách hàng tại 5 thị trường lớn tại châu Âu gồm Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp, Đức, Bồ Đào Nha.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành May 10 cho biết, mục tiêu là củng cố quan hệ với khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khách hàng mới cho cả những năm tới.
Kết quả đã thành công hơn dự kiến ban đầu. “Chúng tôi đã ký kết được hợp đồng sơ bộ với đối tác Hy Lạp, gồm Công ty Visconti, Công ty 2Gether, Công ty Dệt may Siamidis để xuất hàng dệt may sang không chỉ Hy Lạp, mà thông qua Hy Lạp, đưa hàng sang các nước thuộc khu vực Ban Căng, Đông Nam Âu, Địa Trung Hải.
Theo ông Việt, dù đang nằm trong tâm “bão” khủng hoảng, rối ren nợ công, nhưng Hy Lạp vẫn là thị trường đầy hấp dẫn với xuất khẩu nói chung và hàng dệt may nói riêng. Buổi gặp với gần 25 doanh nghiệp dệt may, các nhà nhập khẩu nước này đã mở ra nhiều kế hoạch mới cho May 10 và 17 xí nghiệp thành viên của mình.
“Về cơ bản, đơn hàng xuất khẩu trong quý II, quý III đã ổn định và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Giờ là đốc thúc tiến độ sản xuất, nâng cao năng suất làm việc để giao hàng đúng hẹn”, ông Việt chia sẻ.
Năm 2013, May 10 đặt kế hoạch mục tiêu lợi nhuận 38 tỷ đồng, đạt doanh thu 1.688 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp 1.062 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động 4,8 triệu đồng và chia cổ tức ở mức 18%.
Tổng công ty cổ phần Dệt may Gia Định (Giditexco) cũng vừa ký thêm được đơn hàng xuất khẩu mới với Công ty Tamurakoma (Nhật Bản).
Là khách hàng lâu năm của Giditexco, nhưng thời gian qua Tamurakoma mới đặt các đơn hàng áo và quần kaki. Tuy nhiên, sau khi làm việc và tham quan sản xuất, Giám đốc điều hành Tamurakoma đã quyết định bổ sung mặt hàng Jeans theo hình thức FOB tại Giditexco để xuất khẩu vào Nhật Bản từ tháng 4/2013. Đây cũng là đơn hàng xuất khẩu mặt hàng quần Jeans đầu tiên vào Nhật Bản, bởi trước đây, Giditexco chỉ làm hàng Jeans vào thị trường Hoa Kỳ.
Trước đó, từ đầu năm 2013, Giditexco đã ký được đơn hàng xuất khẩu quần Jeans với Tập đoàn YH Texpert (Hoa Kỳ). Sau 3 tháng thực hiện, YH Texpert đã quyết định đặt hàng Giditexco cho những tháng còn lại của năm 2013.
Theo Hội Dệt may thêu đan TP. HCM, hoạt động sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại các doanh nghiệp đang có dấu hiệu lạc quan hơn so với năm 2012 do sự hồi phục của thị trường. Không những đủ đơn hàng hết quý II và quý III, một bộ phận doanh nghiệp còn có đơn hàng đến hết năm 2013.
Quý I/2013, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,79 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái bởi sự gia tăng mạnh mẽ đơn hàng từ các nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang phải đối đầu với khó khăn do chi phí sản xuất (giá điện, vận chuyển, nguyên phụ liệu, chi phí đóng bảo hiểm, chi phí lương) tăng từ 7- 10 % so với năm 2012. Bởi vậy, câu chuyện tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất của người lao động lại tiếp tục được đặt ra với các nhà quản lý, khi không muốn gặp cảnh doanh thu cao nhưng lợi nhuận lại giảm.
Thế Hải