Thời sự
Mấy góc độ nhận diện CPI 9 tháng
Minh Nhung - 04/10/2013 07:53
Với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 9 tháng năm 2013 ở mức 4,63%, có thể lạc quan rằng, lạm phát năm nay sẽ được kiềm chế theo mục tiêu. Dưới đây là nhận diện CPI 9 tháng từ nhiều góc độ khác nhau. >>> Chính phủ lo lạm phát trên 7% >>> Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 1,06% >>> Những mảng sáng tối của nền kinh tế

Ở góc độ thứ nhất, CPI 9 tháng đầu năm thuộc loại thấp: thấp thứ 2 so với CPI cùng kỳ trong 10 năm qua, thấp hơn tốc độ tăng 5,1% của cùng kỳ năm trước, thấp xa so với tốc độ tăng bình quân 9,14% trong 9 năm trước đó.

Ở góc độ thứ hai, đây là tín hiệu khả quan để CPI cả năm có thể được kiềm chế theo mục tiêu (mục tiêu tăng dưới 8% theo Nghị quyết của Quốc hội cuối năm trước, hay mục tiêu tăng 7% theo Nghị quyết cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 8).

Để thực hiện các mục tiêu đó, CPI bình quân trong 3 tháng cuối năm nay tăng 0,75 - 1,06%/tháng.

Ở góc độ thứ ba, nếu dự báo trên là đúng, thì chu kỳ “2 năm cao, 1 năm thấp” của gần một thập kỷ qua sẽ không lặp lại, bởi sau năm 2011 tăng cao đã có 2 năm 2012, 2013 tăng thấp hơn.

Ở góc độ thứ tư, diễn biến CPI 9 tháng qua có thể chia ra 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là từ tháng 1 đến tháng 7, CPI tăng thấp (tăng 2,68%, bình quân 1 tháng tăng chưa tới 0,38%).

Thời kỳ thứ hai là từ tháng 8 đến nay (có thể sẽ tiếp diễn trong những tháng còn lại của năm nay và có thể còn kéo dài sang những tháng đầu năm sau), CPI tăng cao hơn.

Diễn biến khác nhau như trên, ngoài tác động của yếu tố có tính thời vụ, còn có tác động của một số yếu tố khác, như sự điều hành của các cấp, các ngành. Yếu tố này được xem xét trên một số mặt quan trọng cả về sự phối hợp, liều lượng, tính linh hoạt, nhịp điệu, sự kết hợp giữa biện pháp ngắn hạn, biện pháp hành chính với biện pháp dài hạn, biện pháp thị trường; cả về sự kết hợp việc thực hiện các mục tiêu cùng với hiệu ứng phụ, đặc biệt là mục tiêu kép (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn); cả về sự chậm trễ của việc thực hiện.

Ở góc độ thứ năm là tác động của các yếu tố đối với lạm phát. Về yếu tố chi phí đẩy, bên cạnh tác động giảm của giá cả thế giới tính bằng USD và sự ổn định của tỷ giá, thì có sự tăng lên của giá cả một số hàng hóa, dịch vụ có tính độc quyền, làm chi phí đẩy đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng lên. Về yếu tố cầu kéo, trong lúc tổng cầu còn yếu và chưa có xung lực mới, thì việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu chậm, tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian tương đối dài, việc xử lý nợ xấu chậm, giá đầu vào tăng cao vừa làm tăng chi phí đẩy, vừa làm giảm tổng cầu…

Ở góc độ thứ sáu, việc kiềm chế lạm phát tính năm 2013 có thể thực hiện được mục tiêu đề ra, nhưng có hai vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế có khả năng không đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Ngay mục tiêu tăng 5,3 - 5,4% theo Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ cũng cần phải có giải pháp thực hiện quyết liệt mới có thể đạt được.

Thứ hai, chưa thể chủ quan, lơ là với việc kiềm chế lạm phát, bởi lạm phát trong những tháng cuối năm và đầu năm tới có thể tăng cao trở lại, do còn có những yếu tố tác động làm tăng lạm phát. Về chi phí đẩy, cần cẩn trọng với việc điều hành tỷ giá, với việc thực hiện lộ trình giá thị trường.

Về cầu kéo, sẽ có sự cộng hưởng về nhu cầu đầu tư, tiêu dùng cuối năm và vào dịp Tết Dương lịch, Tết Âm lịch. Về yếu tố tiền tệ - tín dụng, cần quan tâm tốc độ tăng tín dụng cuối năm, tăng tổng phương tiện thanh toán…

Tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng, nhưng đối với người tiêu dùng, thì kiềm chế lạm phát còn quan trọng hơn, bởi không chỉ liên quan đến túi tiền, mức sống thực tế, mà còn tác động đến sự ổn định, lòng tin.

Tin liên quan
Tin khác